Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

CHO MỌI CÔNG DÂN LÀ CHỦ TRƯƠNG NHẤT QUÁN

CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA

 

Tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật. Thế nhưng, các thế lực phản động thù địch trong nước và ngoài nước vẫn bất chấp những thành tựu không thể phủ nhận của Việt Nam trong nỗ lực bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân để xuyên tạc trắng trợn về tình hình tôn giáo tại Việt Nam.

Mới đây, trên trang blog Đối Thoại, đối tượng Ngọc Linh tán  phát bài với tiêu đề “Chuyện tự do tôn giáo và chuyện tà đạo, nội dung phủ nhận tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam; vu cáo Việt Nam “xâm phạm” quyền tự do lựa chọn đức tin, tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; đồng thời yêu cầu chính quyền công nhận hoạt động của tổ chức tà đạo “Pháp môn Diệu Âm”.

Thực chất, đây là những phát ngôn hết sức phản động, vu cáo nhằm thực hiện mưu đồ chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thực tiễn, trong Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cùng với Hiến pháp năm 2013, việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và hai Nghị định thực thi đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.

Thực tế cho thấy, chỉ tính trong 20 năm qua (2003 – 2023), số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng đáng kể. Năm 2003 cả nước có 6 tôn giáo, 15 tổ chức với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự, 34 nghìn chức sắc, chức việc. Đến năm 2022, Nhà nước ta đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với 27 triệu tín đồ, 53 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc, hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự; chính quyền đã cấp phép xây dựng, sửa chữa cải tạo cho 152 cơ sở thờ tự tôn giáo, cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm với 648250 bản in. Với số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự, trường đào tạo, số lượng kinh sách được xuất bản của tôn giáo tăng nhanh chóng trong thời gian qua là những minh chứng xác đáng để bác bỏ các luận điệu cho rằng Việt Nam có các hoạt động đàn áp, cấm đoán tôn giáo. Rõ ràng, đây là những vu cáo hồ đồ, xuyên tạc trắng trợn với những mưu đồ chính trị hết sức thâm độc. Bên cạnh đó, thời gian qua tại Việt Nam đã xuất hiện không ít hoạt động tôn giáo trái pháp luật chưa được cấp phép như: “Tân thiên địa”, “Hội thánh của đức chúa trời mẹ”, “Chân không”... Hoạt động phần lớn của các tổ chức này trái với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhuốm màu mê tín dị đoan, có dấu hiệu trục lợi.. Đối với các hoạt động vi phạm pháp luật của các tổ chức này, lực lượng chức năng Việt Nam đã nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo. Những ngôn từ lẻo mép trên chỉ là những luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực cực đoan, chống đối nhằm tìm mọi thủ đoạn để tách rời tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, cốt để dễ dàng lợi dụng các tôn giáo vào những mục đích chống phá, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Do đó, mỗi chúng ta cần luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng để nhận diện và đập tan mọi âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu./

 


1 nhận xét:

  1. Thực tế về tự do tôn giáo đang diễn ra ở Việt Nam đã bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa