Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

 

QUỸ CÔNG LƯƠNG

Đầu năm 1950, để mở đà cho cuộc tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của nhân dân vào cuộc kháng chiến, Chính phủ đã ra sắc lệnh lập Quỹ công lương, mục đích để nhân dân góp lương thực vào công quỹ quốc gia, cấp dưỡng bộ đội, công nhân viên chức làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ.

Theo sắc lệnh, Quỹ công lương đóng bằng thóc, cốt để giải quyết vấn đề tiếp tế khó khăn hiện nay và sau này trong giai đoạn tổng phản công. Mỗi một công dân Việt Nam sẽ đóng 10 kilô thóc. Đặc biệt cả phụ nữ cũng đóng, thể theo yêu cầu của chị em đòi được góp như nam giới vào những quỹ kháng chiến. Riêng cho công nhân và công chức, vì không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nên được đóng bằng tiền, số tiền tương đương với 10 kilô thóc bán ở thị trường địa phương trong khi đóng.

Bất cứ công dân nào từ 18 đến 55 tuổi đều có nhiệm vụ đóng Quỹ công lương, trừ những người đã được Chính phủ cho miễn hẳn như bộ đội, du kích thoát ly sinh sản (địa phương quân), thương binh được hưởng hưu bổng thương tật, học sinh không tài sản, người tàn tật không kế sinh nhai, v.v..

Lập Quỹ công lương, Chính phủ nhằm mục đích chuẩn bị sẵn ở các chiến trường những kho thóc phòng khi cần đến dùng được mau lẹ, điều hoà giá cả; tiếp tế đầy đủ cho bộ đội để khỏi tình trạng vừa đánh giặc vừa lo ăn, giải quyết tiếp tế khó khăn cho công nhân và công chức.

Cuộc kháng chiến càng gần thắng lợi càng đòi hỏi nhiều hơn

công sức của nhân dân. Với mục đích đẩy cuộc kháng chiến sang giai đoạn tổng phản công, Chính phủ đã hạ sắc lệnh Tổng động viên nhân lực, vật lực và tài lực của nhân dân và lập Quỹ công lương. Quỹ công lương được nhân dân hăng hái đóng góp nhanh chóng sẽ là một sức mạnh mới đẩy nhanh cuộc chuẩn bị tiến sang giai đoạn cuối cùng và đảm bảo cho tổng phản công thắng lợi hoàn toàn.

T.L.

Báo Sự thật, số 130,
                  ngày 1-4-1950.

 

 

 

1 nhận xét: