NHỮNG BIỂU HIỆN MỚI CỦA CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” TRONG BỐI CẢNH THẾ GIỚI HIỆN NAY
“Diễn biến hòa bình” là chiến lược cơ bản của các thế lực thù địch nhằm
lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã
hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự
Trong bối cảnh quốc tế và các khu vực diễn biến phức tạp, khôn lường đó,
để thực hiện mưu đồ của mình, các thế lực thù địch tiếp tục điều chỉnh chiến lược
“diễn biến hòa bình” dưới một bộ mặt mới, ngày càng bộc lộ rõ sự tinh vi, xảo
quyệt và vô cùng thâm độc. Chiến
lược “diễn biến hòa bình” hiện nay có những biểu hiện mới như sau:
Thứ nhất, chủ thể và lực lượng tiến hành “diễn biến hòa bình” trong bối cảnh
mới rất đa dạng, phức tạp, đan xen, không đồng nhất. Nếu như trước kia, chủ thể
tiến hành “diễn biến hòa bình” là chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thì
nay, bên cạnh lực lượng này còn có cả các nước theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi
với tư tưởng bành trướng, bá quyền. Để xác lập vị thế vượt trội hoặc tranh
giành lợi ích, ảnh hưởng trong trật tự thế giới mới, một số nước lớn thâu tóm
hoạt động của các tổ chức, diễn đàn quốc tế, khu vực để lôi kéo, khống chế các
nước khác vào vòng kiềm tỏa của mình. Trong một số trường hợp cụ thể, có những
nước bất chấp luật pháp quốc tế, trắng trợn xâm phạm chủ quyền, can thiệp sâu
vào nội bộ các nước khác bằng các biện pháp tổng hợp nhằm thay đổi bộ máy chính
quyền hoặc lật đổ chế độ chính trị nước khác theo hướng có lợi cho mình. Với
chủ thể được mở rộng, lực lượng tiến hành sẽ là “đại quân công chúng” ngay
trong nội bộ đối phương.
Thứ
hai, đối tượng chống phá của
chiến lược “diễn biến hòa bình” được mở rộng và phương thức tiến hành đã có sự
chuyển đổi. “Diễn biến hòa bình” trong tình hình mới không những nhằm vào các
nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa, mà còn chuyển sang chống
phá các nước có chế độ chính trị mà chủ thể tiến hành cho là không phù hợp với
lợi ích, giá trị, “khuôn mẫu” của họ. Đó là những nước độc lập, có chủ quyền
nhưng “cứng đầu”, “không cùng quỹ đạo”, không tuân theo sự chỉ huy, chỉ đạo của
họ, không có lợi cho họ trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Đặc biệt, trọng
tâm chống phá của chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay là các nước có vị
trí địa chính trị - kinh tế - quân sự chiến lược quan trọng, phức tạp, nhạy cảm
hoặc ở những khu vực hội tụ sự cạnh tranh chiến lược, tranh chấp gay gắt về lợi
ích, chủ quyền trên thế giới.
Thứ ba, mục
tiêu và động cơ chính trị của chiến lược “diễn biến hòa bình” đã có sự dịch
chuyển và mở rộng hơn. Mặc dù mục tiêu cao nhất, suy đến cùng của chiến lược
“diễn biến hòa bình” là lật đổ chế độ chính trị xã hội của các nước “không cùng
quỹ đạo”, nhưng hiện nay, do sự tác động của các mối quan hệ quốc tế phức tạp,
đa tầng nấc, nhiều cấp độ giữa các nước, các tổ chức, sự chế ước của các quy
tắc, chế định quốc tế, khu vực; khi chưa lật đổ được chế độ chính trị thì “diễn
biến hòa bình” sẽ nhằm đến mục tiêu thấp hơn là thay đổi đường lối, chính sách;
cài cắm lực lượng thân cận vào bộ máy cầm quyền; làm phức tạp hóa thành phần
lãnh đạo; thay đổi tính chất quốc gia, dân tộc khác theo hướng phục vụ lợi ích
của chủ thể tiến hành. Trong đó, thay đổi bộ máy cầm quyền nước khác là mục
tiêu trọng yếu hiện nay và để làm được điều này, chiến lược “diễn biến hòa
bình” đã có những điều chỉnh mới gắn với “công nghệ lật đổ” cực kỳ tinh vi,
phản động.
Thứ tư, đối
với biện pháp tiến hành “diễn biến hòa bình” hiện nay, các thế lực thù địch sử
dụng “công cụ mềm”, “quyền lực thông minh” thay cho chính sách “cây gậy và củ
cà rốt” kém hiệu quả trước đây. Đây là những biện pháp mới, rất
linh hoạt, mang tính tổng hợp trên các phương diện và nảy sinh trong xu thế các
nước thay đổi cách thức sử dụng quyền lực và sự trỗi dậy của trào lưu dân túy,
xu hướng bảo hộ thương mại trong quan hệ quốc tế. Thực hiện tiến công toàn
diện, có trọng điểm song “diễn biến hòa bình” ngày càng coi trọng các “công cụ
mềm” và “quyền lực thông minh” nhằm vào các lĩnh vực chính trị tư tưởng, kinh
tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc,
tôn giáo để từng bước chuyển hóa đối phương, giành “chiến thắng mà không cần
chiến tranh”. Trọng tâm ở bên trong các nước thì họ tìm mọi cách khoét sâu mâu
thuẫn, phân hóa nội bộ, tạo ra những “khoảng trống” quyền lực, đẩy đối phương
vào vòng bất ổn. Bên ngoài, vẫn hỗ trợ bằng việc tạo áp lực, tăng cường lôi
kéo, khống chế, từng bước gây ảnh hưởng có lợi cho họ. Cách thức tiến hành rất
tinh vi, khó nhận diện; có lúc dụ dỗ, mua chuộc bằng vật chất; lúc thì núp dưới
danh nghĩa hoạt động từ thiện, nhân đạo; có khi kêu gọi mở rộng tự do, dân chủ,
nhân quyền, thúc đẩy quan hệ đối tác; đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập; nhiều khi lại ngấm ngầm thao túng, khống chế về tài chính, từng
bước ép buộc đối phương lệ thuộc về chính trị. Chiến lược chống phá từ từ, dần
dần theo cách “mưa dầm thấm lâu”.
Thứ năm, về công
cụ mới để thực hiện “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch coi trọng sử
dụng các phương tiện thông tin, truyền thông. Trước sự bùng nổ
của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong kỷ nguyên thông tin của thời
đại toàn cầu hóa và với quan điểm “một đài phát thanh cũng có thể bình định
được một nước, một đô la chi cho tuyên truyền có hiệu quả hơn năm đô la chi cho
quân sự” nên thứ “vũ khí” hữu hiệu được các thế lực thù địch coi trọng sử dụng
trong chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay là các phương tiện thông tin,
truyền thông, báo chí, xuất bản, nhất là các phương tiện có chương trình tiếng
Việt để thực hiện bôi nhọ, vu cáo, đả kích Việt Nam
Cho dù có “khoác tấm áo
mới” thì bản chất thực sự của chiến lược “diễn biến hòa bình” vẫn là hoạt động
chống phá của các lực lượng thù địch; vẫn là một kiểu “chiến tranh không có
tiếng súng” nhưng vô cùng nguy hiểm với tính chất chính trị phản động, dân tộc
chủ nghĩa, toàn cầu, phi vũ trang. Đã từng cay đắng thất bại trong chiến tranh,
nay các thế lực thù địch lớn tiếng tuyên bố sẽ “thắng trong hòa bình”, “thắng
bằng kinh tế thị trường” và Việt Nam vẫn là tiêu điểm, vẫn hội tụ đủ các yếu tố
là trọng tâm chống phá của những thủ đoạn mới trên đây.
Vì vậy, tập trung xây
dựng Đảng vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, đấu tranh phòng, chống “diễn
biến hòa bình” gắn với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là vấn đề mang
tính nguyên tắc, giữ vai trò quyết định trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong tình hình mới./.
Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và của quần chúng nhân dân.
Trả lờiXóa