Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

NHẬN DIỆN VÀ KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG LÀ VIỆC LÀM THƯỜNG XUYÊN, CẦN THIẾT

 

Hiện nay, các thế lực thù địch tăng cường chống phá sự nghiệp Cách mạng Việt Nam trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chúng sử dụng không gian mạng mà thường xuyên, trực tiếp nhất là các trang mạng xã hội. Âm mưu cơ bản, xuyên suốt và lâu dài của các thế lực thù địch là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, phụ thuộc chúng. Trên không gian mạng, các thế lực thù địch sử dụng những quan điểm sai trái để chống phá cách mạng Việt Nam.

Về bản chất, đó là những ý kiến trái với sự thật về nền tảng tư tưởng; trái với quan điểm, chủ trương của Đảng; trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam; trái với tình hình thực tiễn cách mạng, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở Việt Nam.

Về thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để chống phá cách mạng Việt Nam:

Một là, sử dụng không gian mạng để chống phá trực diện, chúng sử dụng các trang Web, Blog, các trang mạng xã hội Facebook, YouTube..., diễn đàn, báo điện tử, đài phát thanh khuếch trương thanh thế, cổ súy “giá trị” văn hóa phương Tây. Tạo lập các trang Blog để thu hút lượng truy cập, như: “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Biển Đông’’, “Ba Sàm”, “Chân dung quyền lực”, “Tạp chí sự thật”, “Lỗi hệ thống”...

Hai là, tạo lập và huy động những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội để chống phá: Các thế lực thù địch lập các Website giả mạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội ... để thông qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm từ đó kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình và có các hành vi vi phạm pháp luật. Để tạo dựng lòng tin đối với người đọc.

Ba là, sử dụng các trang mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn: Các thế lực thù địch tạo lập và huy động những tài khoản giả mạo kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình ngoài thực địa và có các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng sử dụng hàng loạt các mạng lưới tài khoản đã được xây dựng trước, lấy 2-3 tài khoản làm trung tâm thường xuyên đăng tải bài viết, thông tin xuyên tạc về một chủ đề, lĩnh vực nhất định và hàng trăm tài khoản vệ tinh thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trên các nhóm, diễn đàn phản động hoặc các nhóm có lượng thành viên lớn.

Bốn là, sử dụng các biện pháp công nghệ để chống lại lực lượng an ninh mạng của ta: Các thế lực thù địch triệt để tận dụng các ứng dụng WhatApp, FireChat và các biện pháp công nghệ được hỗ trợ từ nước ngoài để liên lạc vượt qua các biện pháp phá sóng của lực lượng an ninh. Lợi dụng chức năng quay phim và đăng tải trực tuyến lên trên mạng xã hội Facebook, Youtube để tường thuật trực tiếp sự việc; chuẩn bị sẵn lực lượng ngồi ở nhà để tiếp nhận video, biên tập ngay đề phòng bị lực lượng an ninh thu giữ máy quay trong lúc biểu tình.

Năm là, sử dụng thơ ca làm công cụ tuyên truyền, chống phá trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa trên không gian mạngTrong thời gian gần đây, các đối tượng phản động là nhà văn, nhà báo, ca sĩ tiến hành các thủ đoạn mới, sử dụng ca nhạc làm công cụ tuyên truyền, chống phá lĩnh vực tư tưởng văn hóa trên không gian mạng. Kết hợp việc tạo lập các trang Facebook, Youtube (thu hút hơn 200.000 lượt xem và gần 1.000 người đăng ký theo dõi) để tuyên truyền, phát tán và đăng tải các bài hát chống phá với giai điệu hiện đại, theo phong cách thị trường, điều này cho thấy các đối tượng phản động đang hướng mạnh mục tiêu vào giới trẻ Việt Nam trong và ngoài nước.

Hiện nay, việc nhận diện và đấu tranh phòng chống quan điểm sai trái trên không gian mạng đã và đang được đẩy mạnh thực hiện ở các cấp, các ngành, đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn bộc lộ một số hạn chế như: nội dung đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái chưa sắc sảo, chưa nhạy bén; phương thức đấu tranh chưa phong phú; việc phát huy vai trò của sĩ quan trẻ chưa được thể hiện rõ nét. Do vậy, để góp phần đấu tranh phòng, chốnquan điểm sai trái trên không gian mạng đạt hiệu quả tốt hơn, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng cho các lực lượng, đối tượng tham gia.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, là một nội dung của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng hiện nay. Nhận thức là cơ sở của hành động, định hướng hành động, có nhận thức đúng mới có trách nhiệm cao và hành động hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, tư tưởng đúng thì hoạt động mới khỏi sai lệch, mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được.

Nhận thức đúng và được cung cấp, định hướng thông tin chính xác, kịp thời là điều kiện tiên quyết để tạo khả năng “miễn dịch”, “tự đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ địch; đồng thời là cơ sở để chủ động đấu tranh, góp phần đẩy lùi thông tin sai trái, phản động. Cần chú ý quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tăng cường đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; Kế hoạch số 457/KH-CT ngày 19-3-2015 và Hướng dẫn số 902/HD-CT ngày 25-5-2015 của Tổng cục Chính trị về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc trên mạng Internet trong quân đội giai đoạn 2015-2020; Chỉ thị số 47/CT-CT ngày 8-1-2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Hướng dẫn số 1047/HD-TTCĐ ngày 15-4-2016 của Cục Tuyên huấn về tổ chức và hoạt động của lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong quân đội.

Hai là, đổi mới phương pháp tiếp cận, nâng cao bản lĩnh chính trị cho các lực lượng, đối tượng tham gia đấu tranh, phòng chống các quan điểm sai trái trên không gian mạng, đồng thời, chú trọng bám sát tình hình, xử lý thông tin nhanh, gọn, hiệu quả.

Trước các vấn đề nóng nảy sinh trong xã hội, để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, thông tin theo kiểu trăm hoa đua nở, do đó, khi tham gia chúng ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt để cân nhắc về liều lượng, mức độ nội dung thông tin đăng tải, nhằm phòng ngừa, giảm tối đa những hệ lụy có thể xảy ra. Cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 157/QĐ-TW ngày 29-4-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Việc ban hành Quy định về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Trong tuyên truyền đấu tranh, phải thực hiện nhất quán chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “dùng tích cực để đẩy lùi tiêu cực”, lấy “xây” để “chống”. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng dư luận, phải kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc khác, góp phần làm lành mạnh xã hội, quân đội, đơn vị, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của các lực lượng, đối tượng trong tự phòng, chống tác động tiêu cực của việc sử dụng không gian mạng

Đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải tích cực, tự giác, phát huy cao độ, “tự thân vận động”, “tự chiến thắng bản thân mình”, “tự biết sàng lọc thông tin đúng để nhân rộng, sai trái để đấu tranh loại bỏ”. Do đó, đòi hỏi mọi lực lượng, đối tượng tham gia phải có trình độ kiến thức chuyên môn vững vàng, có hiểu biết về thực tiễn đời sống xã hội, nắm vững chức trách, nhiệm vụ được giao, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh để đủ sức vượt qua những trở ngại đó. Kiến thức kỹ năng, hiểu biết về internet và mạng xã hội tốt thì mới tích cực đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch bảo vệ đường lối quan điểm của Đảng, nhiệm vụ xây dựng quân đội. Mọi biểu hiện đơn giản, chủ quan, không chịu tự học tập, thiếu nghiêm túc trong rèn luyện, sự thoái hoá về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống của họ là cơ sở của sự suy giảm khả năng “tự miễn dịch” và “năng lực đấu tranh” với các tác động tiêu cực của không gian mạng.

Tống Trường Sơn

4 nhận xét:

  1. Cần đẩy mạnh hơn nữa

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết rất hay

    Trả lờiXóa
  4. Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa