Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công,
thực dân Pháp đã âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta. Đúng 0 giờ ngày
23/9/1945 quân đội Pháp đã nổ súng chiếm một số mục tiêu quan trọng tại Sài
Gòn.
Trước
thái độ kiêu căng của thực dân Pháp nhân dân Sài Gòn đã ở tư thế sẵn sàng làm
mọi việc chống Pháp để giữ vững nền độc lập. Lòng kiên quyết dũng cảm của nhân
dân Nam Bộ chống lại thực dân Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc
cảm phục mà còn chứng tỏ cho thế giới biết quyết tâm độc lập của dân tộc Việt
Nam.
Sau khi gây hấn ở Sài Gòn, thực dân Pháp đã từng bước mở
rộng phạm vi chiến tranh, muốn nhanh chóng thực hiện âm mưu thống trị nước ta
một lần nữa. Hướng về Nam Bộ, lớp lớp thanh niên các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung
Bộ đã xung phong tình nguyện vào miền Nam. 30 năm, mở đầu là ngày 23/9/1945,
Sài Gòn phát động kháng chiến trước khi Toàn quốc kháng chiến. Trong 30 năm ấy,
Sài Gòn là sào huyệt lớn nhất của chế độ thực dân đồng thời là trọng điểm chỉ
đạo cách mạng ở phía Nam; vì thế nơi đây sớm bùng nổ và phất cao ngọn cờ đấu
tranh của học sinh - sinh viên (ngày 9/01/1950), sau đó bùng nổ phong trào Toàn
quốc chống Mỹ (ngày 19/3/1950). Sài Gòn cũng là nơi khởi đầu Phong trào bảo vệ
hòa bình sau Hiệp định Genève (ngày 01/8/1954), nơi chính thức nổ súng cho cuộc
Tổng tiến công Tết Mậu Thân, đưa chiến tranh cách mạng vào tận sào huyệt địch
(ngày 31/01/1968), nơi nổ tiếng súng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
(ngày 26/4/1975) và cũng là nơi kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến
trường kỳ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975).
Tinh
thần bất khuất, mốc son sáng ngời về ngày Nam bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá
trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Đó sẽ là động lực to lớn cổ vũ
toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua
thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, đập tan
mọi âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản
động, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là “Xây dựng và bảo
vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, vì dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
bài rất thực tế
Trả lờiXóa