Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

 

LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CỦA VIỆT NAM CÓ PHẢI LÀ BƯỚC

“THỤT LÙI” VỀ TỰ DO TÔN GIÁO VÀ TRÁI VỚI TIÊU CHUẨN

NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ?

Vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và có nhiều chính sách, quy định ngày càng cụ thể, chặt chẽ để vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của một bộ phận nhân dân, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. Thực tiễn cho thấy, quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo là một cách thức bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tự do tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối, mà có giới hạn. Tại Khoản 2 điều 29 Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 quy định: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”. Khoản 3 điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng quy định rõ: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Như vậy, theo các quy định này, quyền tự do tôn giáo là quyền giới hạn, quyền này phải bảo đảm sự tôn trọng quyền tự do của những người khác và thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và phúc lợi chung cho xã hội.

Thực tiễn trên thế giới hiện nay, pháp luật của các quốc gia đều phân định rõ ràng giữa tự do tôn giáo và luật pháp, giữa tự do tôn giáo và lợi dụng tự do tôn giáo, nên có những quy định cụ thể về quyền tự do tôn giáo, nhân quyền, đồng thời ngăn chặn những hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, nhân quyền để cản trở quyền của người khác, xâm phạm an ninh quốc gia; đều có hành lang pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo được diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, truyền thống lịch sử và văn hóa của từng quốc gia, dân tộc.

Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đưa ra các quy định pháp luật để quản lý hoạt động tôn giáo là phù hợp và tương đồng với luật pháp quốc tế. Các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người liên quan đến quyền tự tôn giáo mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết đều đưa ra các nguyên tắc: nguyên tắc về những quyền con người cơ bản; nguyên tắc không phân biệt đối xử; nguyên tắc về sự bảo vệ pháp lý; nguyên tắc tăng cường đối thoại; nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác.

Theo các nguyên tắc trên, pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể để bảo hộ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, đồng thời tránh việc lợi dụng quyền tự do tôn giáo. Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Khoản 1 điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; khoản 1 điều 3 quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Hiến pháp năm 2013 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có thay đổi quan trọng về chủ thể hưởng quyền tự do tôn giáo từ “công dân” mở rộng sang “mọi người” cho thấy, chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng đồng thời các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo vi phạm pháp luật cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các văn bản pháp luật của Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo là một thành tựu trong hoàn thiện chính sách, pháp luật, tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền và nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo được thực thi, đồng thời bảo vệ, thúc đẩy tự do tôn giáo, thúc đẩy quyền con người, hoàn toàn tương đồng với luật pháp quốc tế và phù hợp thực tiễn đời sống tôn giáo, lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Mặt khác, việc hoàn thiện luật pháp, trong đó có luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo, để bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, quyền con người đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia nhận được sự tín nhiệm của cộng đồng thế giới và trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 với số phiếu tín nhiệm cao (184/193 phiếu). Ngày 11-10-2022, Việt Nam lại tiếp tục trúng cử là một trong 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này. Điều đó cho thấy, pháp luật, chính sách tôn giáo của Việt Nam cùng những nỗ lực của nước ta về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; đó cũng là minh chứng rõ nét cho thấy luận điệu cho rằng: “Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là bước “thụt lùi” về tự do tôn giáo, trái với tiêu chuẩn Nhân quyền quốc tế” hoàn toàn là sự xuyên tạc, vu khống trắng trợn của các thế lực thù địch đối với tình hình thực tiễn của nước ta; không phản ánh đúng đắn tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta hiện nay./.

Hải Bình

1 nhận xét: