Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2023

 HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 47 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM

THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2022)

          Cứ mỗi độ tháng Tư về, trong ký ức và tâm thức các thế hệ người dân Việt Nam không ai có thể quên tháng Tư lịch sử, tháng Tư mà cả dân tộc Việt Nam hát mãi khúc khải hoàn ca hùng tráng Bài ca thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà.

          Bốn mươi bảy năm trôi qua, nhưng những chiến tích của cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 vẫn còn nằm đó lay động trái tim của toàn thể dân tộc Việt Nam và tất cả những người yêu hòa bình trên thế giới. Nó là hình ảnh thu gọn cho một Việt Nam đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, một Việt Nam không quản ngại khó khăn, hy sinh để chứng minh cho cả thế giới thấy rằng một dân tộc anh hùng, kiên cường, một đường lối lãnh đạo vững chắc, đoàn kết kiên quyết bảo vệ nền chủ quyền và nền độc lập của đất nước mình thì không một cường quốc nào có thể đánh bại.

          Từ cột mốc lịch sử 30/4 năm 1975 ấy, bây giờ ngày 30/4 hàng năm đã trở thành một ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam. Chiến tranh, bom đạn đã lùi xa, thế hệ trẻ ngày hôm nay chỉ biết đến chiến tranh qua những câu chuyện của ông bà, biết đến hòa bình qua những tấm bia mộ khắc dòng chữ “Chưa biết tên anh nhưng chiến công anh bất diệt”, qua những nghĩa trang Trường Sơn nằm tựa mình bên núi...

Để nhớ câu chuyện về cây cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải làm ranh giới tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc. Lính Việt Nam Cộng Hòa (Ngụy quyền Sài Gòn) muốn sơn cây cầu thành hai màu khác nhau để phân biệt. Cứ mỗi khi “lính cộng hòa” đổi màu sơn cho nửa bên kia cây cầu thì ngay đêm hôm ấy, “lính cộng sản” lại lặng lẽ sơn nửa bên này cầu theo đúng màu sơn của bên ấy bởi “Nam - Bắc một nhà, không một thế lực nào có thể chia cắt được”.

          Nhớ cuốn sách viết về những chuyến tàu không số, những người tù Côn Đảo kiên trung. Nhớ những con người anh dũng đã nằm lại dưới biển xanh để đất nước ngày hôm nay độc lập.

Nhớ hình ảnh những chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Vừa cởi áo học trò khoác áo lính, họ bước vào trận chiến với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Nhớ các bà, các mẹ vai khoác súng tay cầm liềm, vừa chiến đấu vừa sản xuất, làm việc bằng hai để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Nhớ hình ảnh đường phố Sài Gòn ngập tràn cờ và hoa chào đón những đoàn quân giải phóng. Nhớ những chuyến tàu Bắc - Nam mang tên Thống Nhất.

Ngày hôm nay, một đất nước Việt Nam đang vươn mình phát triển nhưng vẫn luôn nhớ về những ngày hào khí ấy để hàng năm có rất nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra trong dịp Lễ Đặc biệt này:

Đó là dịp để những người cựu chiến binh năm xưa thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ những người đồng đội đã từng vào sinh ra tử, thắp những nén hương cho những người đồng đội đã ngã xuống cho đất nước được tự do;

Đó là dịp để thế hệ trẻ tỏ lòng biết ơn thế hệ cha anh bằng những việc làm thiết thực như: thăm gia đình mẹ Việt Nam anh hùng, thắp nhang ở các nghĩa trang liệt sĩ hay thăm các khu di tích lịch sử, bảo tàng di tích chiến tranh…

30/4 - Chúng ta nhớ, tự hào vì “Đất nước ta đã có một thời như thế”! (Sưu tầm)

1 nhận xét:

  1. Đại thắng mùa Xuân 1975 là trang sử chói lọi nhất, biểu tượng sáng ngời về sự thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

    Trả lờiXóa