KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC, BÓP MÉO MỘT NGHĨA
CỬ ĐẸP!
Nguyễn Xuân Tho- Lớp CH TLH 2022
Trận động đất gây hậu quả đặc biệt tàn
khốc xảy ra hôm 6-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khiến hơn 50.000 người thiệt mạng,
hơn 100.000 người bị thương, hàng triệu người mất nhà cửa. Trước mất mát to lớn
ấy, Việt Nam đã sớm cử các đoàn cứu hộ sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tìm kiếm, cứu
nạn, giúp nước bạn khắc phục hậu quả. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, cần được
khẳng định và phát huy chứ không thể bị xuyên tạc, bóp méo, kiếm cớ gây chia
rẽ…
Đến nay, Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ
Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam đều đã về nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
tham gia khắc phục hậu quả trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ dư luận
trong nước đánh giá cao, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng cùng những chiến sĩ bộ đội,
công an Việt Nam không quản vất vả, hiểm nguy giữa khung cảnh hoang tàn sau
động đất đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng người dân Thổ Nhĩ Kỳ và cộng
đồng quốc tế. Bên cạnh việc khẳng định, tôn vinh nghĩa cử của Việt Nam, cũng rất
cần nhận diện để đấu tranh, tẩy chay những tiếng nói lạc lõng, hành vi xuyên
tạc, bóp méo sự thật, kiếm cớ gây chia rẽ… ngay trong chính nội bộ chúng ta.
1. Trước hết, phải khẳng định rằng,
đây không phải là việc làm tự phát kiểu “đánh bóng hình ảnh” như một vài giọng
điệu xuyên tạc đã nói trên một số trang mạng xã hội.
Việc tổ chức các đoàn cứu nạn, cứu hộ
sang giúp Thổ Nhĩ Kỳ trước hết xuất phát từ truyền thống “tương thân, tương
ái”, “thương người như thể thương thân” từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam
chúng ta. Người Việt Nam không sống kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”, mà sống với
tinh thần “tối lửa tắt đèn có nhau”. Người Việt Nam cũng không sống kiểu “việc
ai nấy biết”, “sống chết mặc bay” mà luôn đề cao đạo lý “một con ngựa đau, cả
tàu bỏ cỏ”, “bầu ơi thương lấy bí cùng/tuy rằng khác giống nhưng chung một
giàn”. Truyền thống ấy không chỉ là cộng đồng làng xóm chung tay cứu hỏa, chia
ngọt sẻ bùi lúc khó khăn, hoạn nạn mà còn thể hiện rõ nét với cả các nước láng
giềng liền núi liền sông, các quốc gia cùng khu vực, với tất cả các nước trên
thế giới, trong đó mới nhất là với Thổ Nhĩ Kỳ. Người Việt, nước Việt đã, đang
và sẽ sẵn lòng tương cứu, hỗ trợ bất kỳ quốc gia nào khi họ gặp khó khăn.
Đúng 70 năm trước, khi gửi thư cho các
đơn vị được giao nhiệm vụ giúp nước bạn Lào tác chiến ở Thượng Lào, Bác Hồ đã
từng căn dặn bộ đội ta rằng: “giúp bạn là tự giúp mình”. Tư tưởng sâu sắc ấy
của Bác chính là nền móng lý luận cho Đảng ta tại Đại hội XIII tiếp tục xác
định chủ trương “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa
bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển (…); Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy
và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Là bạn,
Việt Nam không bao giờ bỏ rơi bạn, hay đành lòng bỏ mặc bạn trong gian khổ, khó
khăn! Là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, Việt Nam “nói đi đôi với làm”, thực
hiện đầy đủ mọi cam kết và trách nhiệm của mình; không né tránh trước những vấn
đề toàn cầu, có ảnh hưởng mạnh mẽ, nghiêm trọng đến cộng đồng quốc tế như bảo
vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước
biển dâng, ô nhiễm môi trường, an ninh xã hội…
Rõ ràng, Việt Nam đã thể hiện một
nghĩa cử đẹp, mang tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, “lợi ích hài hòa, rủi ro
chia sẻ”, tất cả vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tốt đẹp hơn.
2. Thực tế, Đoàn cứu nạn, cứu hộ quốc
tế của Bộ Công an lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9-2 và về nước ngày 19-2; Đoàn
cứu nạn, cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường đêm 12-2 và về nước
ngày 22-2, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dù thời gian cứu nạn, cứu hộ
ngắn - trong vòng 10 ngày - nhưng đây là chuyến công tác đạt nhiều giá trị
không thể đo đếm hết.
Thứ nhất, khi xảy ra các loại hình
thiên tai, tai nạn, luôn có một khoảng “thời gian vàng” nhất định để việc cứu
hộ, cứu nạn đạt hiệu quả cao nhất. Đoàn cứu hộ, cứu nạn đầu tiên của Việt Nam
lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ rất sớm - chỉ 3 ngày sau khi xảy ra thiên tai - chính
là sự tranh thủ tối đa khoảng “thời gian vàng” trên, nhằm giúp nước bạn cứu
được sớm nhất, nhiều nhất các nạn nhân còn sống sót, mắc kẹt trong đổ nát. Thực
hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, được sự cho phép của Chính phủ, ngay khi
hoàn tất các công tác chuẩn bị, Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an đã tranh
thủ từng giờ để sớm lên đường thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “cứu người như
cứu hỏa”. Ba ngày sau đó, Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam
cũng khẩn trương lên đường, tiếp thêm sức người sức của giúp đỡ nước bạn Thổ
Nhĩ Kỳ. Cả hai đoàn đều nhanh chóng vào cuộc theo điều hành của Cơ quan Điều
phối tình huống khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD). Dù có đến gần 90 quốc
gia cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn đến tham gia, nhưng các đoàn của Việt Nam đã
phối hợp ăn ý, nhịp nhàng và hiệu quả với tất cả các bên, chứng tỏ sự trưởng thành
vượt bậc không chỉ về năng lực ứng cứu mà còn khẳng định sự hội nhập, tương
thích cao về trình độ, khả năng của Việt Nam khi tham gia ứng cứu sự cố, thiên
tai ở tầm mức rộng lớn, xuyên và liên quốc gia.
Thứ hai, như mọi quốc gia khác, Việt
Nam cũng có lực lượng cứu nạn, cứu hộ của mình và luôn tận dụng mọi điều kiện
để hiện đại hóa, nâng cao năng lực cho lực lượng này, sẵn sàng chủ động trước
bất cứ tình huồng bất ngờ nào. Trước thực tế thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng
cứu nạn, cứu hộ Việt Nam - bên cạnh việc giúp đỡ nước bạn - có điều kiện thể
nghiệm năng lực chỉ huy, điều hành trong nội bộ lực lượng cũng như khả năng
phối hợp, điều phối liên quốc gia; không chỉ sẵn sàng đưa lực lượng tham gia
hoạt động cứu nạn, cứu hộ ở tầm khu vực và quốc tế mà còn không bỡ ngỡ, lúng
túng một khi chẳng may có sự cố bất ngờ, cần sự trợ giúp, cứu nạn từ các nước.
Cũng từ việc trực tiếp tham gia giúp
Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam có dịp “kiểm đếm” để từ đó nhìn
rõ thiếu - đủ những gì, cần bổ sung, nâng cấp, rèn luyện, hoàn thiện… những gì,
từ cơ chế, chính sách, số lượng, chất lượng, chủng loại trang thiết bị kỹ
thuật, công cụ, phương tiện cho đến trình độ nhân lực, kỹ chiến thuật. Học hỏi
từ thực tế ở Thổ Nhĩ Kỳ chính là cách giúp lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam
sớm trưởng thành. Mười ngày giúp bạn cũng là giúp mình, trao đi tình cảm, trách
nhiệm và nghĩa vụ quốc tế để nhận lại không chỉ ấn tượng đẹp và tiếng khen mà
còn là những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá để nhìn xa trông rộng, đi
trước và đi sớm trong công tác cứu nạn, cứu hộ; khẳng định người Việt Nam có
thể làm được mọi việc liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn trên thế giới đã
và đang làm.
3. Ý nghĩa cao đẹp của việc tham gia
cứu nạn, cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ là không thể phủ nhận, là những chiến công mới
nhất của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Ấy thế mà, một số kẻ thù địch,
phản động lại gièm pha, kích động, gây chia rẽ giữa hai lực lượng quân đội và
công an, hòng gây ra những cái nhìn lệch lạc về lực lượng vũ trang nhân dân
Việt Nam.
Trên thực tế, với lần đầu tiên cử lực
lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ ở nước ngoài, Việt Nam chúng ta - dù là đoàn của
Bộ Công an hay của Bộ Quốc phòng - thì cũng đều cần được chuẩn bị kỹ cả về nhân
lực và phương tiện; cần sự phối hợp giữa nhiều cơ quan trong và ngoài nước và
trên tất cả, đều có sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự điều hành của
Chính phủ. Sắp xếp đoàn nào đi trước, đoàn nào đi sau không chỉ được quyết định
sau khi chúng ta đã thật sự sẵn sàng, mà cũng còn cần sự cho phép và phối hợp
song phương từ nước bạn, từ thời gian, địa điểm, đến phân công nhiệm vụ cụ thể.
Những câu hỏi kiểu “sao quân đội lại
chậm trễ?”, “công an sao đi lo việc thế giới?” hay “trong nhà bao việc chưa
xong mà đi lo việc nhà người?” rõ ràng là xuyên tạc sự thật, lạc lõng, có tính
phá rối, gây mất đoàn kết. Cần phải khẳng định một lần nữa, Quân đội nhân dân
Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành
với Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh
phúc của nhân dân. Giữa công an và quân đội luôn là sự đoàn kết gắn bó bởi đều
từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; luôn có tinh thần trách nhiệm cao,
sẵn sàng phối hợp hỗ trợ nhau dù là trong công tác hay chiến đấu bằng phương
châm “tích cực bảo vệ mình, chủ động tấn công địch”. Đúng như Bác Hồ đã dạy,
“Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của
vô sản chuyên chính”. Chấp hành sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, của Chính phủ,
tuân thủ kỷ luật, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam và
Công an nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm giàu truyền
thống tốt đẹp, bản chất anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, góp
phần làm đẹp thêm hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Bằng việc cứu nạn, cứu hộ giúp Thổ Nhĩ
Kỳ, Việt Nam chúng ta đã và đang mạnh mẽ xây dựng một tâm thế mới trong ứng xử,
xử lý các quan hệ đối ngoại, thực hiện cam kết chính trị của một quốc gia có
trách nhiệm với quốc tế, luôn sẵn sàng và có đủ khả năng cùng các nước giải
quyết mọi khó khăn, thách thức để duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát
triển; khẳng định uy tín, năng lực, trách nhiệm của lực lượng vũ trang nhân dân
Việt Nam trong hội nhập, hợp tác quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét