Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

 CÓ ĐÚNG THAM NHŨNG DO CHẾ ĐỘ MỘT ĐẢNG SINH RA

 

Trước quyết tâm chính trị của Đảng trong phòng chống tham nhũng, với phương châm “không có vùng cấm”, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam có những bước tiến quan trọng, rất đáng ghi nhận. Theo đó, nhiều vụ việc tham nhũng được làm sáng tỏ, nhiều cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật, bị khởi tố… Điều này cho thấy phòng chống tham những không phải là khẩu hiệu mà là hành động thực sự nghiêm túc, quyết liệt và trành nhiệm của Đảng, nhằm làm trong sạch nội bộ, nhằm tập trung mọi nguồn lực xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Tuy nhiên, không những không ghi nhận quyết tâm, thành tựu đó, các thế lực thù địch ra sức phủ nhận thành quả phòng chống tham nhũng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Chúng quy chụp rằng: Tham nhũng ở Việt Nam là hệ quả của việc Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo và việc PCTN thực chất chỉ là một cuộc thanh trừng nội bộ.

Thực chất đây là luận điệu xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn, bởi vì:

Thứ nhất, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở các quốc gia, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra, không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo. Có nghĩa, ở bất cứ nơi nào có quyền lực và quyền lực chính trị mà bị tha hóa, lạm dụng thì nơi ấy sinh ra tham nhũng. Nói đến nhà nước là nói đến quyền lực-một quyền lực to lớn và sự lạm quyền, lộng quyền, quyền lực có nguy cơ bị “tha hóa” là điều dễ xảy ra; tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Tham nhũng là “căn bệnh” của nhà nước, có nhà nước là có tham nhũng, có chăng chỉ khác nhau ở mức độ nghiêm trọng.

Thứ hai, lịch sử nhân loại cho thấy, chế độ một đảng lãnh đạo hoàn toàn không phải là “cha đẻ” của tệ nạn tham nhũng, suy thoái, biến chất trong giới cầm quyền. Mà thực chất, tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới; trong số đó, đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng lãnh đạo, tam quyền phân lập, do giai cấp tư sản lãnh đạo. Không ít quốc gia theo chế độ đa đảng, tình trạng tham nhũng diễn ra trong hệ thống công quyền đã trở thành mối nguy hại lớn, thậm chí đã leo đến tận các nguyên thủ quốc gia. Ở một số nước, có nguyên thủ quốc gia khi thôi giữ chức đã bị truy cứu về tội tham nhũng, như: Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc,… và gần đây là ở Ma-lai-xi-a. Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), một số nước theo thể chế đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền, như: Cô-lôm-bi-a, Bra-xin, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a,... thuộc nhóm “nước tham nhũng nghiêm trọng”. 

Như vậy, tham nhũng là vấn nạn chung của mọi quốc gia, chứ không thuộc bất cứ đất nước, hay bộ máy chính quyền nào, không phải do một đảng hay nhiều đảng sinh ra, vì vậy cố tình gắn tham nhũng với chế độ một đảng lãnh đạo là một hành động xuyên tạc, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, cần được nhận thức đúng đắn, khách quan, từ đó tin tưởng vào sự lựa chọn tất yếu của lịch sử nước ta về sứ mệnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

1 nhận xét: