Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

 

CHIẾN TRANH XIN ĐỪNG !

Tác giả cuốn "Lạm dụng quyền lực" đã phân tích rõ những tội ác ghê tởm của Mỹ qua việc ném bom dân thường như sau:

Phải gần 2 tuần lễ, các quan chức Mỹ mới chính thức thừa nhận các cuộc ném bom đã gây thương vong cho thường dân, cũng như thiệt hại tràn lan trong các khu vực dân sự. Và chỉ sau khi tờ "Nữu Ước Thời báo" đăng một báo cáo mắt thấy tai nghe từ Hà Nội do Harrison A.Salisbury viết về những thiệt hại như vậy. Lúc này, các quan chức Mỹ vẫn còn nhấn mạnh là bom nhằm vào các "mục tiêu quân sự", thường dân bị thương vong là do tình cờ, khó tránh và nhất là không "cố tình".

Ngày 30/12/1966, phóng viên quân sự của tờ Nữu ước Thời báo là Hanson W.Baldwin tiết lộ: "Bom đạn Mỹ đang được sử dụng ở Bắc và Nam Việt Nam với tỷ lệ hàng năm là 500.000 tấn, nhiều hơn số bom đạn mà không quân và lục quân Mỹ sử dụng đánh Nhật ở Thái Bình Dương trong đại chiến II".

Với mức độ này, mà chẳng bao lâu lại tăng thêm mạnh mẽ, vấn đề đặt ra: phải chăng tính chất không tránh khỏi của hậu quả là không quan trọng bằng sự cố tình của động cơ hay sao? Một người nổ súng máy vào một đám đông với ý định giết một người thôi khó mà biện bạch được là anh ta không có ý định làm bị thương một ai khác nữa "một cách cố tình", nhất là khi anh ta bắn trượt người định giết, giống như những lần ném bom ngoài mục tiêu quân sự. Hậu quả gián tiếp, nhưng khó tránh khỏi của một hành động không thể tha thứ về mặt đạo lý, tương tự cũng nêu ra cho những kẻ Việt cộng khủng bố.

Nhưng mặt đạo lý ở đây, theo tôi nghĩ, có thể là phức tạp ở vấn đề:

1. Liệu sự khủng bố và chống khủng bố của người Việt Nam chống người Việt Nam có nên đặt ngang hàng với bạo lực và phản bạo lực của một số cường quốc bên ngoài chống lại người Việt Nam không?

2. Liệu quy mô tàn phá của một viên đạn súng cối có bằng một trái bom 1.000 cân Anh không?

Tác dụng của bom Napan và phốt pho trắng đối với trẻ con Việt Nam được Wiliam F. Pepper, giám đốc viện nghiên cứu về trẻ em của trường đại học Mercy New York tiến hành điều tra vào mùa xuân năm 1966. Trong một báo cáo xúc động về những kinh nghiệm của ông, Pepper viết:

"Đối với hàng ngàn trẻ em ở Việt Nam, cuộc sống bị đe dọa bởi khủng bố và đau đớn, và mỗi ngày các cơ thể nhỏ nhắn biết đến cái chết nhiều hơn... Điều này đâu cũng có, vì bom Napan rơi từ trên trời xuống, đều đặn và vô tư như những hạt mưa trong mùa mưa. Napan và đồng hành của nó khủng khiếp hơn là phốt pho trắng đem lại cho trẻ em Việt Nam những số phận khủng khiếp cho ý thức văn minh hơn là cuộc sống yên tĩnh. Thịt non bị đốt cháy, hóa lỏng và xé cắt những hình thù kỳ dị. Vật phẩm hoàn thành thường không còn hình người nữa, sau những thử thách chịu đựng đau đớn không thể tưởng tượng được. Người ta không thể không hoàn toàn xúc động khi đối mặt với tác dụng ghê gớm của bom Napan".

Nguồn: T.Draper, "Lạm dụng quyền lực, chính sách đối ngoại của Mỹ từ Cu-Ba đến Việt Nam”.

1 nhận xét: