Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

TRÒ SUY DIỄN VỀ VIỆC MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC CỦA CÁN BỘ

 

Gần đây, trên các trang mạng xã hội các thế lực thù địch ráo riết tuyên truyền chủ đề “miễn nhiệm”, “từ chức” của cán bộ, về “xây dựng văn hóa từ chức” ở nước ta với thủ đoạn rất thâm độc.

Các đối tượng chống phá thu hút sự quan tâm của người xem bằng cách đưa các thông tin nóng về tình hình nhân sự cấp cao ở nước ta như: “Rộ trào lưu xin nghỉ việc của quan chức”, “rộ tin cán bộ từ chức” hay rêu rao “xin từ chức để hạ cánh an toàn”, “có thể xây dựng văn hóa từ chức bắt đầu từ ép buộc”, “buộc từ chức hay xin từ chức”. Từ những thông tin ấy, chúng đưa ra lập luận theo kiểu suy diễn, hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực.

Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết quả cho thấy chính nhờ các khâu đột phá mà các vụ việc tham nhũng đã được điều tra và đưa ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó, ta có thể thấy được Đảng đã, đang thực hiện đúng những gì đã vạch ra, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Các thế lực thù địch không thể chấp nhận được thực tế này. Do đó, chúng ra sức tìm cách xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của Đảng và nhân dân ta trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng nhai đi nhai lại các luận điệu chống phá bằng cách suy diễn làm sai lệch bản chất vấn đề; lấy hiện tượng đơn lẻ để đánh giá bản chất sự việc; gây nhiễu loạn thông tin, xuyên tạc về tình hình, kết quả, bản chất cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

Trước đây, trên truyền thông, nhất là trên Internet, mạng xã hội, chúng ra sức rêu rao rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay thực chất là “cuộc thanh trừng nội bộ”, là “các phe phái trong Đảng đấu đá lẫn nhau”...  Thực chất, đây là hoạt động tuyên truyền quan điểm thù địch chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiêu trò tung tin hiện nay của chúng có chung mục đích với việc tuyên truyền quan điểm đó. Mục đích đó là: chống, phá quyết tâm và hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta.

Thực tế việc miễn nhiệm, từ chức đối với các cán bộ cấp cao ở nước ta luôn đảm bảo đúng quy định. Có thể khẳng định rằng, việc từ chức của cán bộ hoàn toàn không phải do bất kì một tổ chức, cá nhân nào có thể ép buộc, chèn ép được, bởi Đảng và Nhà nước ta đã có những quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ căn cứ pháp lý đối với việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Vậy nên không có chuyện “xây dựng văn hóa từ chức từ ép buộc” hay “buộc từ chức”. Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, ngay cả cán bộ cấp cao về hưu nhưng khi có dấu hiệu vi phạm vẫn bị tiến hành điều tra, khởi tố theo đúng quy định của pháp luật, chứ không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

Khẳng định sự thực đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có phát biểu chỉ đạo: “Phải xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất.”

Những thông tin xấu, độc biến “một việc vốn dĩ bình thường trở nên bất thường” do các đối tượng xấu dẫn dắt dễ gây hoang mang đối với người không nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó gây xói mòn lòng tin một bộ phận người dân đối với Đảng, Nhà nước và dễ dẫn đến nảy sinh những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng và hành vi.

Vì vậy, người dân cần chủ động nhận diện tính chất xấu, độc của những thông tin nêu trên để từ đó giữ vững lập trường chính trị, không để các thế lực xấu dẫn dắt, lợi dụng để cố tình xuyên tạc, chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của Đảng và nhân dân taTop of Form

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét