Vừa qua, sau khi Bộ Ngoại
giao Hoa kỳ công bố Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2019, trong đó có nội dung
thông tin thiếu khách quan, không chính xác và chưa được kiểm chứng về tình
hình tôn giáo ở Việt Nam, các thế lực thù địch đã lợi dụng xuyên tạc, kích động
và đưa tin sai sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam
"đàn áp" tôn giáo, "vi phạm" nhân quyền. Đây là những thông
tin sai sự thật, thất thiệt, lợi dụng vấn đề này để chống phá chủ trương, chính
sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tự do tín ngưỡn, tôn giáo.
Trước vấn đề này Người Phát ngôn Bộ Ngoại
giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Như đã nhiều
lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân". Điều
này được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được đảm
bảo, tôn trọng trên thực tế. Chính hoạt động thực tiễn sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam
những năm qua đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, thiếu khách quan đó của các
thế lực không có thiện chí với Việt Nam.
Việt
Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Các tôn giáo dù lớn hay nhỏ đều được Nhà nước
ta đối xử bình đẳng như nhau và được tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Đoàn kết tôn giáo và tự do tín ngưỡng là quan điểm cơ bản, là nội dung
chủ yếu của chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Ngay từ những
ngày đầu của Cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã tuyên bố: “Phải đoàn kết
chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo”. Hiến pháp đầu tiên năm 1946, tại
chương II, mục B đã khẳng định "Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín
ngưỡng". Điều 80 Hiến pháp 1980 cũng ghi rõ " Công dân có quyền tự do
tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo
để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước". Điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam năm 1992 được bổ sung rõ hơn: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng
trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo
hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng,
tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do
không tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc hiến định trong các bản Hiến pháp của
nước ta. Điều 24 Hiếp pháp năm 2013 đã khẳng định:
“Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn
giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng,
tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Cụ
thể hóa nguyên tắc này của Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn
giáo bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo vệ
giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ
cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu
tinh thần của Nhân dân; bảo hộ cơ sở tín
ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn
giáo.
Mọi người có
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo;
thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành
giáo lý, giáo luật tôn giáo. Mỗi người có quyền vào tu
tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức
tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở
đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Chức sắc, chức việc,
nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở
tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của
pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người
đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ
sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng,
tôn giáo.
Nghiêm cấm các
hành vi phân
biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép
buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn
giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự,
an toàn xã hội, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người
không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo
khác nhau và lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt
động tôn giáo để trục lợi.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật
về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật
thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định
của pháp luật.
Thời gian vừa qua, Việt Nam
đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống Pháp luật về tôn giáo, chính sách tín
ngưỡng, nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo ngày càng được
hoàn thiện và được thực hiện nhất quán trong thực tiễn, đời sống tín ngưỡng,
tôn giáo của nhân dân ngày càng phong phú; số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ
tự ngày càng tăng, quan hệ quốc tế ngày càng mởi rộng, quyền và tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của nhân dân ngày càng bảo đảm tốt hơn. Nếu năm 2003, cả nước có 15 tổ chức thuộc 06 tôn giáo với 17
triệu tín đồ, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc,
thì năm 2022, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 26,7 triệu
tín đồ, 55.000 chức sắc, 135.000 chức việc, trên 29.000 cơ sở thờ tự, v.v.
Nhiều lễ hội lớn trong các tôn giáo đã thu hút hàng vạn tín đồ nhân dân tham
dự, nổi bật như: tháng 12/2017, Giáo hội Tin lành tổ chức thành công Lễ kỷ niệm
500 năm cải chánh đạo Tin lành; tháng 7/2019, Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng
hội Dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai, với đại biểu của hơn 80 quốc gia và
vùng lãnh thổ tham gia; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công 03
Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc (năm 2008, 2014, 2019), riêng năm 2019 tổ chức
tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) đã thu hút sự tham dự của trên 3.000 đại biểu
chính thức (trong đó có 570 đoàn quốc tế với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia
và vùng lãnh thổ). Với quy mô hoạt động tôn giáo hàng vạn người, chính quyền
các cấp đã hỗ trợ các tôn giáo về các phương án đảm bảo an toàn giao thông, an
ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm để nhân dân được
tự do hành lễ, thoả mãn nhu cầu đời sống tâm linh ...
Công tác đào tạo chức sắc
được các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh. Trước năm 1990, cả nước có 06 cơ sở đào tạo
tôn giáo, đến năm 2021 đã tăng lên thành 63 cơ sở đào tạo, mỗi năm có hàng
nghìn người tốt nghiệp; ngoài ra, còn có hàng trăm người đang du học tại nước
ngoài. Việc in ấn,
xuất bản, dịch thuật một khối lượng lớn kinh sách, đồ dùng việc đạo được các
tôn giáo đẩy mạnh trong những năm qua. Theo báo cáo quốc gia về thực hiện quyền
con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III (năm
2019), cả nước có hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với
hơn 10 triệu bản in và hàng triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ (trong đó có
nhiều kinh sách được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, như Ba-na, Ê-đê, Gia-rai),
12 báo, tạp chí liên quan đến tôn giáo; phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có
website riêng. Công tác xây dựng, sửa chữa, chỉnh trang cơ sở thờ tự của các
tôn giáo cũng được quan tâm đẩy mạnh trong những năm qua. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ
Chiến Thắng, trong 10 năm (2012 - 2022) thực hiện chính sách, pháp luật về tín
ngưỡng, tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm héc ta đất để
xây dựng cơ sở thờ tự, như: Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500 m2 đất
cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện thành kinh
thần học; tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000 m2 đất cho Tòa Giám mục
Buôn Ma Thuột; Thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000 m2 đất cho Tòa
Giám mục Đà Nẵng; tỉnh Quảng Trị giao thêm 15 héc ta cho Giáo xứ La Vang...
Với những minh chứng thực tiễn sinh động như vậy, có thể khẳng định rằng,
đời sống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn, hoạt
động đa dạng, phong phú, sôi động. Do vậy, những nhận định thiếu khách quan,
những lời lẽ xuyên tạc về tình hình tự do, tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam là
sai sự thật, cần được vạch trần, phê phán, bác bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét