Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHƯƠNG PHÁP DÂN VẬN, VẬN DỤNG TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” HIỆN NAY

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp dân vận luôn là sợi chỉ đỏ, phương pháp luận soi sáng, dẫn đường cho toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp cách mạng vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hiện nay, các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ nhằm chống phá cách mạng nước ta, chúng triệt để lợi dụng triệt để vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, những sơ hở, yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội để xuyên tạc, vu khống, chống phá Đảng, Nhà nước gây mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và các cấp chính quyền. Do vậy, nhận thức và vận dụng linh hoạt tư tưởng Hồ Chí Minh vào đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” là việc làm cần thiết nhằm tuyền truyền nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời làm thất bại âm mưu chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch hiện nay.


1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp dân vận

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, dân vận và phương pháp dân vận là một tư tưởng lớn, ở tầm chiến lược cách mạng, thể hiện sâu sắc triết lý, minh triết Hồ Chí Minh về con người và giải phóng con người và trở thành phong cách dân vận Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình hoạt động của mình, Người đã kế thừa những giá trị tinh hoa trong truyền thống tư tưởng của dân tộc, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”[1]để thực hiện tốt công tác dân vận, mỗi chủ thể tiến hành công tác dân vận phải có phương pháp dân vận cụ thể - phương pháp “Dân vận khéo”: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[2]. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp dân vận biểu hiện trên những nội dung sau.

Thứ nhất, phương pháp dân vận của Hồ Chí Minh là “lấy dân làm gốc”.

Đây là nét đắc sắc tạo nên giá trị, cốt cách, đặc trưng, riêng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách dân vận Hồ Chí Minh. Phương pháp “lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh trong thực hiện công tác dân vận là tôn trọng quyền làm chủ thực sự của dân, làm lợi cho dân để nhân dân hăng hái tham gia, ủng hộ sự nghiệp cách mạng: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”[3]. Phương pháp “lấy dân làm gốc” của Hồ Chí không chỉ dừng lại ở lời nói, mà nó còn biểu hiện sinh động qua thực tiễn cách mạng và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, phương pháp “lấy dân làm gốc” là cội nguồn sức mạnh làm nên mọi thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Trên phương diện tư tưởng lý luận, Hồ Chí Minh đã làm mới nhận thức về phương pháp dân vận và Người đã trở thành “điển mẫu” về “dân vận khéo”. Làm sáng tỏ phương pháp này là một hệ thống các luận điểm ởsự vận dụng phương pháp duy vật biện chứng vào luận giải các vấn đề xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người nêu lên và đã khẳng định hết sức rõ ràng, khoa học, luôn nhấn mạnh tính nhất quán với vai trò là chủ thể của nhân dân(chủ thể tổ chức và chủ thể hành động), là gốc rễ của mọi vấn đề cách mạng: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều vì dân”[4].

Thứ hai, phương pháp phát huy dân chủ.

Dân là gốc của nước, là chủ thể của mọi hoạt động sáng tạo ra lịch sử, là chủ vận mệnh của nước nhà, do đó dân chủ là tiền đề nhận thức về dân vận. Bởi vì, theo Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ”[5], chỉ với tiền đề như vậy đã hàm chứa sâu sắc, biểu đạt những vấn đề cốt yếu thể hiện rõ tính chất, bản chất của chế độ nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đồng thời, việc xác định phát huy dân chủ là phương pháp dân vận hiệu quả nhất nó không chỉ dừng lại ở cơ sở lý luận của dân vận, mà theo Hồ Chí Minh điều đó còn chi phối đến thái độ, hành vi, phương pháp ứng xử của người làm dân vận trong quan hệ với nhân dân và là điều kiện, nguyên tắc, mục đích của toàn bộ hoạt động dân vận.

Trong hoạt động dân vận cần phải thực hiện tốt phương pháp phát huy dân chủ mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc đều hướng đến dân, tất cả vì dân, phát huy dân chủ của dân trên moi lĩnh vực, phương pháp đó phải thực sự trở thành văn hóa đạo đức trong thái độ ứng xử, hành xử với nhân dân của cán bộ, đảng viên nói chung và những người làm công tác dân vận nói riêng. Trong nhận thức và tiến hành công tác dân vận, phải luôn coi dân chủ là sinh khí, là linh hồn của dân vận, là bản chất, mục đích, là động lực của dân vận và là phương pháp quyết định đến hiệu quả công tác dân vận trong mọi tiến trình lịch sử - xã hội của cách mạng.

Thứ ba, phương pháp tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân.

Đây là phương pháp quan trọng của công tác dân vận, tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của nhân dân. Chất lượng, hiệu quả tuyên truyền phụ thuộc vào phẩm chất, năng lực của cán bộ dân vận đi tuyên truyền và theo Hồ Chí Minh: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”[6]. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ tuyên truyền phải suy nghĩ để hiểu rõ, nắm sâu về nội dung, hình thức tuyên truyền, phải biết cách nói đơn giản, rõ ràng, thiết thực, có đầu, có cuối, nhớ được không nói dài, để khi nói, khi viết ai cũng hiểu được, nhớ được và làm được; phải lễ độ, xưng hô phù hợp, thái độ phải mềm mỏng, đúng mực. Quan trọng hơn, với Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, răn dạy cán bộ phải tu dưỡng, rèn luyện thái độ ứng xử với dân, phải thực sự trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, điều đó “sẽ giúp cho kết quả tuyên truyền lên gấp bội”[7].

 Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền cán bộ dân vận phải tôn trọng sự thật, nói đúng sự thật để dân hiểu đúng bản chất sự vật và khi đó nhân dân sẽ nhận thức rõ và thi hành nhanh chóng, chính xác, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”[8].

Thứ tư, phương pháp tập hợp, tổ chức, lãnh đạo quần chúng.

Để cách mạng thắng lợi thực sự, Đảng ta phải có phương pháp tổ chức, tập hợp quần chúng nhân. Về cách tổ chức công việc, theo Hồ Chí Minh, đó là tổ chức sắp xếp thành hệ thống trình tự các công việc và phụ trách các bước công việc cụ thể, thật hợp lý, khoa học mang lại hiệu quả cao. Trước hết, bất kỳ việc to, việc nhỏ đều phải có kế hoạch cẩn thận; kiên quyết phê phán cách tổ chức công việc chủ quan tùy tiện, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, không ngăn nắp, luộm thuộm, chồng chéo, làm không đến nơi đến chốn.

Phương pháp tổ chức phải thật sự khoa học, hiệu quả, có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực và phải dựa trên nền tảng dân chủ, việc gì cũng phải bàn bạc, công khai với nhân dân. Để phương pháp tổ chức thực sự khoa học thì người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy”[9]. Thực tiễn khách quan luôn vận động, biến đổi và nảy sinh những vấn đề khó lường. Đứng trước những vấn đề phát sinh đó, theo Hồ Chí Minh cán bộ phải đặt câu hỏi: “Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”[10], có nghĩa là phải hướng mạnh về cơ sở, phải điều tra rõ ràng, cụ thể rồi mới quyết định và thực hiện đến nơi, đến chốn, kiên quyết chống bệnh thành tích, phô trương, hình thức.

Thứ năm, phương pháp kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm.

Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ là việc đề ra chủ chương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị cho đúng, mà điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra”[11]. Do đó, kiểm tra, giám sát là một trong những yêu cầu hết sức quan trọng, có tính chất quyết định, điều này “sơ sài” chắc chắn sẽ “hỏng việc”.

Phương pháp kiểm tra có hiệu quả phải phụ thuộc rất lớn vào cán bộ phụ trách dân vận. Về điểm này Hồ Chí Minh yêu cầu: “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín”[12]. Để nâng cao hiệu quả phương pháp kiểm tra, giám sát cần phát huy vai trò của quần chúng, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, hỗ trợ cán bộ trong thi hành nhiệm vụ, bởi vì: “Nhân dân có hàng chục triệu tai mắt. Việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết”[13].

Công tác kiểm tra không phải khi có vụ việc hay có biểu hiện tiêu cực mới thực hiện, mà phương pháp kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên; phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, kiểm tra không nên chỉ dựa vào các báo cáo, mà phải đi đến tận nơi, phải “mắt thấy, tai nghe”. Thực hiện đúng các nguyên tắc: minh bạch, dân chủ gắn liền với kỷ luật, đi đúng đường lối của quần chúng. Đặc biệt, khi thi hành xong thì: “phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”[14], đó là những việc làm thường xuyên trong phương pháp kiểm tra, giám sát khi tiến hành công tác dân vận.

Thứ sáu, phương pháp nêu gương.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, “nêu gương” là một trong những phương pháp vận động nhân dân hữu hiệu và thiết thực. Để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng, được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người cán bộ làm công tác dân vận phải là những tấm gương sống: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[15]. Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận phải làm kiểu mẫu về phẩm chất, đạo đức, lối sống trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, để quần chúng noi theo, tức là phải nêu gương bằng hành động thực tiễn, bằng việc làm cụ thể, làm mực thước cho quần chúng noi theo. Đó là tác phong quần chúng biểu hiện ở sựbám sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, thực hành dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, cán bộ dân vận phải là người có đạo đức hành động và nêu gương. Bởi, theo Hồ Chí Minh: “Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”[16].Đồng thời, để vận động bằng phương pháp nêu gương trong công tác dân vận, Hồ Chí Minh chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[17].

2. Vận dụng trong đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” hiện nay

Thấm nhuần tư tưởng của Người về phương pháp dân vận, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được việc vận dụng phương pháp dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vẫn còn có những hạn chế nhất định như: một số cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chưa có đầy đủ phẩm chất, năng lực, tác phong làm dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh; có biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái phẩm chất, đạo đức, lối sống, xa rời quần chúng nhân dân, không phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, đi đầu trong công việc, lời nói không đi đôi với việc làm. Trước những khó khăn phức tạp, đặc biệt trước âm mưu, thù đoạn chống phá của các thế lực thù địch hoang mang, dao động, mất niềm tin vào nhân dân... Những hạn chế đó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến kết quả công tác dân vận, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ nhằm chống phá cách mạng nước ta. Chúng triệt để lợi dụng triệt để vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, những sơ hở, yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội để xuyên tạc, vu khống, chống phá Đảng, Nhà nước gây mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và các cấp chính quyền; kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm rạn nứt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang với nhân dân. Vì vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp dân vận, một mặt phải tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, phải vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.

 Để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp dân vận trong đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” hiện nay cần:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo và chính sách đại đoàn kết dân tộc… để dân biết, dân hiểu, để dân đề cao cảnh giác và tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Hiện nay, các thế lực thù địch triệt để sử dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, khoét sâu vào các mâu thuẫn trong xã hội chống phá cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vận dụng tư tưởng chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân cần tăng cường giáo dục quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng minh chứng cụ thể từ những thắng lợi trong lịch sử dân tộc và trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền nhằm xuyên tạc hệ tư tưởng của xã hội ta... để từ đó giúp nhân dân thấy rõ những tác hại của những âm mưu, thủ đoạn đó của các thế lực thu địch và thúc đẩy mọi người dân tự giác tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vận dụng quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp dân vận “lấy dân làm gốc”. Vì vậy, để nhân dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp khi ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đời sống, phải hướng đến giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân, “đặt lợi ích nhân dân lên trên hết”; loại bỏ các yếu tố “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”; tổ chức các hình thức phù hợp để người dân tham gia các khâu của quá trình ban hành chủ trương, chính sách; tạo cơ chế cho người dân tham gia giám sát, phản biện, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để “ý Đảng” hợp với “lòng Dân”. Một trong những mũi nhọn chống phá của các thế lực thù địch là nhân dân vùng dân tộc thiểu số, khó khăn, nơi nhận thức còn hạn chế cần quan tâm thực hiện các chính sách cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng biển bãi ngang, hải đảo, những nơi còn nhiều khó khăn, các hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo. Khi thực hiện các dự án có liên quan đến thu hồi đất của người dân, cần phải công khai, minh bạch, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, quan tâm đến quyền lợi của người dân thuộc diện có đất thu hồi, không để người dân bị thua thiệt. Phải thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy, đó là “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến dân”.

Thứ ba, trước âm mưu “diễn biến hoà bình” nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, công tác dân vận có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn, đấu tranhvạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, cần quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chú trọng xây dựng đạo đức trong Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên để cán bộ, đảng viên thực sự là gương sáng để nhân dân noi theo đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp dân vận. Tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu để vận động nhân dân noi theo “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước (dân vận chính quyền); thực hiện quyết liệt và có hiệu quả hơn nữa cải cách thủ tục hành chính đi liền với xây dựng đạo đức, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự gần dân, trọng dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân. Cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp cao, người đứng đầu phải thường xuyên tiếp dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân và đối thoại với nhân dân, tăng cường trách nhiệm giải trình. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những cán bộ tham nhũng cán bộ có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc cho người dân; tạo điều kiện để người dân giám sát cán bộ, góp ý, đánh giá cán bộ cả ở nơi cư trú.

Thứ tư, phải chú trọng đến công tác phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn điểm nóng chính trị - xã hội trong nhân dân. Vì vậy để tập hợp, lãnh đạo quần chúng nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần chủ động, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn điểm nóng chính trị - xã hội để làm yên lòng dân. Công tác phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn điểm nóng chính trị - xã hội phát sinh cần phải bắt đầu từ việc giải thích cho dân biết, dân hiểu đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đi sâu, đi sát vào đời sống nhân dân để nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thấy được những nguy cơ tiềm ẩn xẩy ra điểm nóng để kịp thời có giải pháp ngăn chặn, trách để các thế lực thù địch, phần tử phản động cơ hội chính trị tập hợp, lôi kéo. Thực tiễn cho thấy, một trong những biểu hiện ban đầu tạo nên điểm nóng chính trị - xã hội là tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài mà ngoài nguyên nhân trình độ hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế của người dânthì nguyên nhân còn lại là do những yếu kém, tiêu cực của chính quyền địa phương. Do đó, để ngăn chặn điểm nóng chính trị - xã hội xẩy ra, công tác dân vận phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo các diễn đàn trao đổi, thảo luận trong các tổ chức quần chúng về những nội dung: chống tự phát, quá khích dẫn đến manh động, chống việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền, lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí để có những hoạt động trái pháp luật. Bên cạnh đó, việc tăng cường đối thoại, trả lời, giải đáp thắc mắc cần được tiến hành công khai, dân chủ, thuận lợi để người dântự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Như vậy, việc nhận thức của các chủ thể trong tiến hành công tác dân vận thông qua vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp dân vận của Hồ Chí Minh sẽ góp phần quan trọng trong tuyền truyền đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chủ trương chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước đến với mọi người dân, để dân hiểu, dân tin, dân làm và dân theo. Đó chính là biện pháp hay, phương thức hữu hiệu để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực hiện nay, qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, đồng thời xây dựng môi trường có sức đề kháng tốt để đủ sức đẩy lùi những con virút độc hại, những tiếng kêu lạc lõng ra khỏi đời sống nhân dân trong giai đoạn hiện nay.



[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011,  tr. 232.

[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 234.

[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5 Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 268

[4]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 232

[5]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 232.

[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011,, tr. 191.

[7]. Sđd, tr. 191.

[8]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 172.

[9]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 332.

[10]. Sđd, tr. 279.

[11]. Sđd, tr. 636.

[12]. Sđd, tr. 637.

[13]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 192.

[14]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6,  Nxb CTQG, Hà Nội, 2011,, tr. 233.

[15]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 284.

[16]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 223.

[17]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 672.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét