Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

PHÁT HUY Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO CỦA TỔ QUỐC

 


Biển, đảo Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới cần phát huy tốt sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, mà trước hết, quyết định nhất là ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.

Biển Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km², gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển nước ta có 3.000 hòn đảo lớn nhỏ được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa. Biển, đảo Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Vùng biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch, với điều kiện tự nhiên của bờ biển là tiềm năng to lớn cho ngành giao thông hàng hải. Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt… tạo điều kiện cho ngành công nghiệp khai khoáng phát triển, đóng góp to lớn cho nền kinh tế; nguồn lợi hải sản phong phú đã góp phần đưa ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu đứng thứ 3 trong các ngành kinh tế của đất nước. Ngoài ra, Biển Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, hiện đang đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước.

Biển nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia; biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Giữ vững chủ quyền biển, đảo là bảo vệ vững chắc sườn đông của đất nước.

Những năm gần đây, trên Biển Đông đang tồn tại những tranh chấp chủ quyền biển, đảo rất quyết liệt và phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định, tác động đến quốc phòng và an ninh nước ta. Các nước lớn tăng cường hiện diện lực lượng quân sự, tìm kiếm lợi ích, tranh giành ảnh hưởng, họ tận dụng ưu thế của mình trên biển để đe dọa chủ quyền vùng biển đảo, thềm lục địa của nước ta, gây ra những nhân tố khó lường về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và an ninh đất nước. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã có nhiều chính sách chiến lược đúng đắn, duy trì hòa bình ổn định và giữ vững chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trên các vùng biển, đảo. Tuy nhiên, lợi dụng xung đột quân sự Nga - Ukraine, trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị phát tán nhiều bài viết xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; chúng cho rằng “Việt Nam không thể trung lập được mãi,” hay “để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam phải dựa vào Mỹ, liên kết với Mỹ, các nước phương tây để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc”, chúng cho rằng Việt Nam đang lệ thuộc và bị Trung Quốc chi phối, không giám lên tiếng khi chủ quyền bị xâm phạm, kêu gọi liên minh quân sự với Mỹ, các nước trong khu vực để chống Trung Quốc.

Trước những luận điệu xuyên tạc trên của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, chúng ta một lần nữa khẳng định rằng đường lối đối ngoại, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và giải quyết tranh chấp trên biển thời gian qua là rất đúng đắn, sáng suốt, thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của Đảng, Nhà nước ta; minh chứng cho điều đó là thời gian qua chủ quyển biển, đảo của Tổ quốc được giữ vững, môi trường hòa bình, ổn định trên biển được duy trì, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, các nước lớn về giải quyết các vấn đề trên biển ngày càng chặt chẽ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện toàn diện chiến lược bảo đảm chủ quyền, an ninh; xử lý kịp thời các tình huống trên biển, bảo đảm giữ vững được chủ quyền, mối quan hệ và môi trường hòa bình trên biển. Công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, chiến lược trong suốt quá trình lịch sử. Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của biển, đảo và đề ra những chủ trưởng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc. Kế thừa giá trị đó, trên cơ sở đánh giá tình hình, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới. Trong đó, Đảng đã xác định quan điểm nhất quán và đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển, đảo hiện nay: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên biển, trên không và trên bộ; hợp tác quốc tế về biển, đảo được tăng cường, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy quan hệ với các nước”; “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”.

Với mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Chúng ta không đi với nước này để chống lại nước kia; không thụ động chịu tác động hay sự lôi kéo của bất cứ nước lớn nào, nhất là tránh việc trở thành con bài trong tay các nước lớn. Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc đã cho ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, trong đó việc phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường của đất nước, không thể mãi trông chờ sự giúp đỡ của nước khác.  Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” đã được Đảng, Nhà nước, quân và dân ta vận dụng trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, trong đó đã xác định rõ nhiệm vụ của nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong tình mới, đồng thời xác định rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới; từ đó đã xác định rõ đối tượng tác chiến của Quân đội, Hải quân nhân dân Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc nói chung và bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng. Trong giải quyết các vấn đề trên biển, các cấp, các ngành, các lực lượng đã quán triệt nhất quán quan điểm, tư tưởng phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về “4 tránh” (tránh xung đột về quân sự; tránh đối đầu kinh tế; tránh cô lập về ngoại giao; tránh lệ thuộc chính trị); 4 không (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế); 9K” (Kiên quyết; kiên trì; khôn khéo; không khiêu khích; không mắc mưu khiêu khích; kiềm chế; không nổ súng truớc; không để nước ngoài lấn chiếm; không  để xảy ra xung đột).

Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, có nhiều bài học sâu sắc để chúng ta khẳng định rằng, không thể liên kết, dựa dẫm vào các thế lực bên ngoài, nhất là Mỹ để đối phó với các mối nguy hại đến độc lập chủ quyền; chúng ta vẫn chưa quên, cách mà người Mỹ làm ngơ, bật đèn xanh để Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, khi đó đang thuộc kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, một đồng minh của Mỹ. Hay năm 2012, khi Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Scarborough của Philippin, chính quyền Manila đã nhiều lần kêu gọi sự lên tiếng và giúp đỡ của Washington, nhưng phía Mỹ không có động thái đáp lại, hậu quả Philippin để mất Scarborough….

Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của chúng ta là yêu cầu tuân thủ nghiêm chỉnh và đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hoà bình, thông qua thương lượng kể cả song phương và đa phương, phản đối mọi hành vi áp đặt và thay đổi hiện trạng, những hành động gây sức ép và cản trở việc Việt Nam thực hiện quyền thăm dò và khai thác tài nguyên, kể cả việc hợp tác với các đối tác quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chúng ta tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác quốc tế xuất phát từ lợi ích quốc gia và lợi ích chung của ta với các nước, không có nghĩa là Việt Nam đi với bên này chống bên kia trong cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa các nước lớn trong khu vực. Trong xu thế hội nhập quốc tế, Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ, tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, tuy nhiên chúng ta không có tư tưởng và hành động dựa dẫm, ỷ lại hoặc “lôi bè kéo cánh” để giải quyết bất đồng về chủ quyền lãnh thổ. Chính sách không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, là những quan điểm, chính sách nhất quán, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Bởi vậy, kêu gọi là Việt Nam đi với nước này chống lại nước kia là luận điệu xuyên tạc, tuyệt đối không có trong đường lối đối ngoại, hoặc trong chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định.

Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành trên cơ sở Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển tại các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước. Khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử chủ quyền đối với cả Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam được xác lập. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Đảng và Nhà nước ta xác định chủ trương hòa bình, hợp tác và phát triển, trên tinh thần “4 tốt”, “16 chữ”, tuy nhiên chúng ta cũng nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn nhằm “Thôn tính Trường Sa, độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc; kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Ngoài ra, để đủ sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta quân tâm, xây dựng sức mạnh tổng hợp của quốc gia, thế và lực của ta trên các vùng biển, đảo. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” trên biển, đảo không ngừng được củng cố, tăng cường. Các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo từng bước được xây dựng, phát triển ngày càng vững mạnh hơn. Trong đó, Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển. Hiện nay, Hải quân nhân dân Việt Nam đã có đủ các lực lượng cơ bản, được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Trên mặt trận chính trị - đối ngoại, chính sách của Việt Nam ở Biển Đông đã vận dụng thành công chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Chúng ta tập trung phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vận động, bảo vệ ngư dân đánh bắt, khai thác thủy sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Phát huy sức mạnh của cả dân tộc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phát huy ý chí tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, trong đó dựa vào sức mình là chính bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là đường lối hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét