Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

 

NHỮNG CHIẾN CÔNG TRÊN BẦU TRỜ ĐÊM “HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”

 

Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 50 năm về trước, có một đơn vị phòng không đã ghi tên mình vào lịch sử, đó là Đoàn Không quân Sao Đỏ. Những năm 1971-1972, không quân nhân dân Việt Nam mới có chưa đầy 10 phi công MIG -21 có khả năng đánh đêm. Các trung đoàn không quân được bố trí ở các sân bay dã chiến bên ngoài Hà Nội, khi được lệnh là cất cánh đánh B52 và lực lượng máy bay chiến thuật. Song, chính các sĩ quan trẻ này đã bắn hạ những chiếc B52 siêu hạng được bảo vệ “tận răng”, góp phần quan trọng vào thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử.

Ngày 27/12/1972 có thể coi là một sự kiện của Không quân Việt Nam khi bắn rơi B52 với chiến công đầu tiên của phi công Phạm Tuân - người con ưu tú quê hương Thái Bình. Anh là phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi pháo đài bay B52 bằng chiếc MIG -21 trong chiến 12 ngày đêm. Cũng như những đồng đội của mình, anh mang trong mình quyết tâm bắn hạ B52 trừng trị kẻ thù, bảo vệ Hà Nội – trái tim của cả nước. Đêm 27/12, chiếc MIG - 21 do Phạm Tuân điều khiển được lệnh cất cánh từ sân bay Yên Bái, đổi chiến thuật bay vòng sang Lào rồi bất ngờ bẻ ngược lại đột nhập vào đội hình dày đặc máy bay Mỹ đang tiến vào bầu trời Hà Nội giữa đêm đen, đôi lúc lại bùng sáng sau những tiếng bom nổ lớn. Dưới sự chỉ dẫn của Sở Chỉ huy mặt đất, với vận tốc bay lên đến 1.200km/h (gấp đôi tốc độ bay của địch), áp sát chỉ cách đuôi chiếc B52 khoảng 1.500m, Phạm Tuân nhấn nút phóng hai quả tên lửa. Chiếc B52 bùng cháy... Được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 25 tuổi thành tích bắn rơi B52, anh chia sẻ: “Phải sau 9 ngày chiến đấu, không quân Việt Nam mới bắn rơi được B52. Đó là do những ngày đầu chiến thuật của chúng ta chưa phù hợp nên không nắm được thời cơ.

Sau đó không quân ta đã kịp thời rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương án chiến đấu, thay đổi khéo léo và sáng tạo nên đã dành chiến thắng. Đây là chiến công của tập thể vì có hàng nghìn người tham gia trận đánh, thành tích của tôi là người nhấn nút phóng quả tên lửa, chứ đây là công lao của tập thể. Tôi sẽ không làm được gì nếu không có đồng đội”.

Không quân Việt Nam luôn nhớ tới chiến công quả cảm của người phi công Anh hùng Vũ Xuân Thiều đêm 28/12, khi anh cùng chiếc MIG -21 của mình đã biến thành quả tên lửa thứ 3 lao thẳng vào chiếc B52 của Mỹ. Là sinh viên năm cuối của trường Đại học Bách khoa, đang chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp ngành Vô tuyến điện, năm 1965 Vũ Xuân Thiều tình nguyện nhập ngũ và được chọn vào Binh chủng Không quân, được cử đi học lái máy bay MIG -21 ở Liên Xô. Năm 1968, tốt nghiệp về nước, anh được điều về phi đội 5 Trung đoàn Sao Đỏ, huấn luyện bay và chiến đấu đêm; Vũ Xuân Thiều là một trong những phi công bay giỏi của Không quân Sao Đỏ. Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, sau khi rút kinh nghiệm đánh B52 của Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều hạ quyết tâm: “Lần sau khi phát hiện B52, xin phép cho tôi được xuất kích tiêu diệt. Bắn mà B52 không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó.” Tối 28/12, từ sân bay dã chiến Cẩm Thủy, Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích khi B52 bắt đầu đánh phá. Trên vùng trời Sơn La, anh tiếp cận chiếc B52 và phóng 2 quả tên lửa làm chiếc B52 bị thương, nhưng không rơi. Xin phép Sở Chỉ huy mặt đất công kích lần 2, chiếc MIG -21 do phi công Vũ Xuân Thiều điều khiển đã lao thẳng vào chiếc B52, làm nó bốc cháy và rơi tại chỗ. Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hy sinh khi quyết tâm thực hiện ước mơ cao đẹp của mình. Anh trở thành một cảm tử quân với ý chí quyết tử khi thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình. Trên bầu đêm 28/12 năm ấy, giữa bao luồng ánh sáng của bom đạn và của máy bay B52 bốc cháy là vầng sáng mang tên Vũ Xuân Thiều. Chiến công của anh đã được nhiều sách và báo chí Mỹ viết và ca ngợi. Và hiện nay, trên bàn thờ Vũ Xuân Thiều tại số nhà 21 phố Đặng Dung, có một chiếc đồng hồ Quân chủng không quân tặng gia đình đã được đặt cố định ở 9 giờ 45 phút đêm, thời khắc vinh quang mà người phi công Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Vũ Xuân Thiều đã hy sinh anh dũng khi mới 27 tuổi.

Ngày 27 và 28/12/1972, Không quân Việt Nam cũng xuất sắc bắn rơi 2 máy bay F4 và 1 máy bay RA - 5C. Bên cạnh những phi công lái máy bay còn có Sở Chỉ huy mặt đất và những hoa tiêu tiêu đồ (sĩ quan dẫn đường hỗ trợ các phi công lái máy bay MIG đánh máy bay Mỹ). Bằng kinh nghiệm của mình, những sĩ quan dẫn đường đã dẫn dắt phi công vượt qua những tốp máy bay địch, tiếp cận mục tiêu B52 và khai hỏa. Những cái tên như Lê Thành Chơn, Lê Thiết Hùng, Lê Liên, Đặng Dũng… là những sĩ quan dẫn đường giàu kinh nghiệm trong các trận đánh, đã thầm lặng góp phần giúp các phi công bắn rơi máy bay Mỹ, làm nên chiến công oanh liệt của Không quân Việt Nam. Cựu Thiếu tá Lê Thành Chơn đã từng khẳng định: “Lực lượng quân sự trong chiến dịch giữa ta và Mỹ khi đó chênh lệch đến 1/200. Chúng ta thắng được là nhờ trí tuệ và lòng quả cảm. Để gây bất ngờ, MIG -21 của ta xuất kích bay vòng sang Lào, đánh  “thọc nách” đội hình bay của địch. Địch phá sân bay chính thì ta dùng sân bay nhỏ, dã chiến.

Nhờ đó mà không quân Việt Nam đã làm được điều kì diệu là bắn rơi pháo đài bay B52, quấy rối đội hình địch, hỗ trợ đắc lực cho tên lửa, pháo cao xạ lập công”. 12 ngày đêm chiến dịch đánh trả cuộc tập kích đại quy mô của không lực Hoa Kỳ, quân dân miền Bắc đã chứng minh cho đế quốc Mỹ và cả thế giới thấy được tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nông nàn và ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất của một dân tộc nhỏ bé nhưng đầy kiêu hãnh. 

Chiến thắng vang dội này là thành quả của cả một tập thể những cá nhân ưu tú, những con người luôn đặt hai tiếng TỔ QUỐC ở trong tim. Quả thật, nếu không nặng tình yêu đất nước, sẽ không có được ý chí và nghị lực, hiên ngang trong mưa bom bão đạn để đánh thắng quân thù, lập những chiến công và làm nên một kì tích “Điện Biên Phủ trên không” đi vào lịch sử nhân loại./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét