Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

 

NHẬN DIỆN CHỦ NGHĨA DÂN TÚY Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Việt Nam hiện nay đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, chủ nghĩa dân túy không có cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội để tồn tại dưới dạng một “chủ nghĩa”. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng các trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, những biểu hiện dân túy vẫn có cơ sở xuất hiện.

Trong bài viết “Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam”, đăng trên báo Quân đội nhân dân, ngày 15-5-2018, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu ra vấn đề và trả lời: “Liệu chủ nghĩa dân túy có xuất hiện ở Việt Nam khi mà trên thế giới nguy cơ của nó đang hiện hữu và có xu hướng mở rộng? Câu trả lời là: Không có gì là không thể”.

Nhìn sâu vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam hiện nay, bước đầu có thể nhận diện các biểu hiện dân túy dưới mấy dạng cơ bản sau đây:

Một là, những người có quan điểm dân túy hay đưa ra những phát ngôn gây sốc, cùng với những hành vi và hình ảnh “mị dân” để lấy lòng dân chúng.

Trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam đã và đang xuất hiện những biểu hiện của sự phát ngôn, hành vi, hình ảnh của một số ít người mang tính dân túy. Tại một số diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hay trong các sự kiện có đông dân chúng, có thể nhận thấy những biểu hiện dân túy thông qua các phát ngôn gây sốc của một số người có vai vế theo kiểu “nói cho sướng miệng”, không đúng đường lối, chủ trương, nguyên tắc của Đảng, bỏ qua những quy định pháp lý, thiếu tính khả thi, vượt quá hoặc không đúng thẩm quyền của cá nhân. Ngay sau đó, kiểu nói này được vài tờ báo non nớt vê chính trị, của một vài “thủ lĩnh” trên mạng xã hội, tung hô, tạo ra sự thu hút, quan tâm của dân chứng vì “lạ khẩu vị”.

Thực tế ấy, đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”[1]. Những biểu hiện đó tuy chỉ xuất hiện ở một số ít người những cũng rất gần với những gì đã và đang xảy ra trên thế giới. Ở chỗ, những phát ngôn, hành vi, hình ảnh mang tính dân túy đã nhất thời lấy được lòng dân chúng vì những cá nhân này biết cách khai thác tâm lý chán ngán của người dân về hình ảnh mô phạm, nhàm chán của các chính trị gia chính thống. Họ hay sử dụng thứ ngôn ngữ mạnh mẽ, cực đoan nhưng dễ hiểu với đa số mọi người, hứa hẹn về quyền lợi cho số đông, thổi bùng ý niệm về sự xung đột lợi ích giữa các nhóm đa số và thiểu số. Ở một khía cạnh khác, những cá nhân, những con người hành xử mang tính dân túy như vậy cũng đã thu được những kết quả, trở thành “nhân vật của truyền thông”, thậm chí đã từng đạt đến vị trí cao trong nấc thang quyền lực. Trong đời sống chính trị hay đời thường, những người đó cũng có những tố chất tạo nên sức thu hút cá nhân, “hoạt ngôn”, tranh thủ được không ít người bằng kiểu hành xử “của người phúc ta” và biết cách “đầu tư” xây dựng các tờ báo, phóng viên “thân hữu”, các cây bút mạng có ảnh hưởng.

Ở nước ta, do tệ tham nhũng, tình trạng quan liêu trì trệ, coi thường quốc pháp, sự lộng hành của nhóm lợi ích, sự phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng của nhóm yếu thế cùng những rủi ro của kinh tế thị trường đã và đang tạo mảnh đất cho những biểu hiện dân túy, những người dân túy xuất hiện. Họ biết chọn thời điểm để tỏa sáng, thường là những lúc người dân trong nước, hoặc ở địa phương phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống do suy thoái kinh tế, hay mất trật tự xã hội, sự cố môi trường. Trong giải quyết những vấn đề nóng, dễ gây bức xúc trong xã hội, họ cũng có hành vi xử lý nhanh nhạy sự việc, đưa lại những lợi ích cục bộ, trước mắt cho mọt bộ phận dân chúng, lại được một số phương tiện truyền thông tung hô nên dễ được xem như một thần tượng, một ngôi sao đang lên. Những phát ngôn, hành vi, hình ảnh kiểu đó là sự biểu hiện của săc thái dân túy.

Hai là, mượn danh vì dân chủ, đòi thực hiện thể chế chính trị “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền, phân lập”.

Biểu hiện này, dễ gặp ở những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị. Họ mượn danh vì dân chủ nhưng lại có những lời nói, hành động chống lại nền dân chủ của nhân dân, đòi đa nguyên, đa đảng. Thậm chí cá biệt có cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phụ họa theo các thế lực thù địch đòi tự do dân chủ vô nguyên tắc, coi thường lãnh đạo, coi thường tô chức. Trong kết luận Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 25 tháng 10 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cũng đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật”.

Những người dân túy, dễ thể hiện thái độ không tôn trọng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Họ dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, mượn danh để đòi đổi mới chính trị vô nguyên tắc, để tuyên truyền đòi đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập, dựng chuyện trong Đảng có phe này, phái kia, đối lập Đảng với Quốc hội; đòi để nhân dân tự chọn món ăn tinh thần, không cần định hướng, quản lý trong lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, và đòi dân chủ một cách tự do, vô tô chức, vô hạn độ, dân chủ không gắn với kỷ luật, kỷ cương. Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bổ sung và làm rõ thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị: “sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân”.

Ba là, xuyên tạc lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đòi từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Biểu hiện kiểu này, xuất hiện ở những kẻ cơ hội, bất mãn chính trị hoặc những cán bộ, đảng viên đã phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hô Chí Minh. Họ thường thể hiện thái độ phủ nhận lịch sử, cho những năm tháng hào hùng đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là “thời kỳ đen tối”, “sai lầm” không thể chấp nhận. Những người này, cũng hay lấy thực tế nước Đức thống nhất, lấy đời sống người dân Hàn Quốc và Triều Tiên để minh chứng cho luận điệu vê sự sai lầm của lịch sử khi Việt Nam chọn con đường cách mạng vô sản. Từ đó, ra sức xuyên tạc lịch sử, hạ bệ lãnh tụ Hồ Chí Minh, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa chân chính, để chấp nhận “chủ nghĩa xã hội nhân đạo, dân chủ”.

Ở các địa phương, còn xuất hiện những người lấy danh nghĩa đại diện cho lợi ích của nhân dân, hay tổ chức tụ họp đông người, khiếu kiện, gây ra những hành động quá kích, vu khống chính quyền, kích động các hành động vi phạm pháp luật nhằm gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại chính sách phát triển kinh tế và môi trường đầu tư. Lộ rõ chân tướng là những kẻ cơ hội chính trị, bất mãn với chính quyền, phá hoại cuộc sống lao động trong hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Tác hại, ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy đối với nền chính trị Việt Nam cũng rất nguy hiểm, khó lường nếu không sớm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. Sinh thời, V.I. Lênin đã từng chỉ rõ: Ngay từ khi chủ nghĩa dân túy ra đời, nó đã bộc lộ bản chất phản động. Ông gọi phái “dân túy” là kẻ thù công khai của phong trào cách mạng Nga và đã đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa dân túy để bảo vệ sự trong sáng, cách mạng của chủ nghĩa Mác. Bởi vì, chủ nghĩa “dân túy” đã cản trở việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân Nga. Các biểu hiện dân túy ở Việt Nam hiện nay, tuy mới chỉ thể hiện dưới dạng phát ngôn, hành động mang tính mị dân của một số người, mà chưa phát triển thành một hệ thống lý luận nhưng nó cũng chứa đựng tính đối kháng tư tưởng như V.I. Lênin đã cảnh báo.

Sự nguy hại của các biểu hiện dân túy ở Việt Nam càng hiện hữu hơn khi các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng, cổ súy, câu kết thành, lực lượng đối lập. Thực tế cho thấy, ngay sau khi bài viết của đồng chí Võ Văn Thường đăng trên báo Quân đội nhân dân, trên mạng xã hội (Danlambao) đã phát tán bài viết có nội dung xấu của người mang bút danh Mai V. Phạm, cho đó là chuyện “lo bò trăng răng”, kêu gọi phải thực hiện dân chủ đa nguyên. Các biểu hiện dân túy nếu không sớm phòng ngừa, đấu trang ngăn chặn, nó sẽ giống như vi rút độc gây ra sự ô nhiễm đời sống chính trị đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.195

1 nhận xét: