Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

 

KHÔNG CHẤP NHẬN

 "ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP"

Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

         

          Đa nguyên, đa đảng không phải là yếu tố duy nhất đảm bảo được dân chủ mà bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ là một giá trị xã hội, được hình thành và bảo đảm bởi nhiều yếu tố trong đó có lực lượng cầm quyền xã hội, cơ chế quản lý xã hội và trình độ làm chủ của người dân…         Thực chất của “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở một số nước không như một số người hiểu rằng đó là một chế độ "thực sự dân chủ" mà bản chất của nó vẫn là nhất nguyên chính trị. Đó là một chế độ chính trị tư sản và giai cấp tư sản vẫn là giai cấp duy nhất nắm quyền thống trị xã hội. Vậy tại sao một đất nước, một dân tộc như Việt Nam đã lựa chọn và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa lại phải trao, chia sẻ quyền lực cho nhiều đảng phái không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trong Cương lĩnh của Đảng; Hiến pháp của Nhà nước ta đều thể hiện rõ "mọi quyền lực thuộc về nhân dân", "nhân dân lao động là người chủ đất nước", không vì những yếu kém, khuyết điểm, những hiện tượng mất dân chủ ở một số nơi hiện nay mà phủ nhận bản chất của chế độ ta, phủ nhận thành quả dân chủ của cách mạng Việt Nam.

          Thực chất của "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập" là sự tranh giành quyền lực của các lực lượng chính trị trong xã hội, vì vậy thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, làm cho nhân tâm ly tán, đất nước hỗn loạn, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã dày công vun đắp; làm mất ổn định chính trị và như vậy nguồn lực của đất nước tất yếu sẽ chia năm xẻ bảy, nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhân dân sẽ đói khổ thêm. Và đó là thời cơ cho các thế lực thù địch tấn công, lợi dụng.

          “Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” tất yếu dẫn đến các đảng phái chính trị phải tìm các thủ đoạn để chèn ép lẫn nhau, tìm các thế lực bên ngoài để làm chỗ dựa. Ai dám chắc lại không xảy ra những liên minh chính trị với các nước khác để chống lại các lực lượng chính trị đối lập với mình và rồi lại bị phụ thuộc vào thế lực bên ngoài để "cứu dân, cứu nước". Nhân dân ta đã trải qua gần 100 năm bị đô hộ, xâm lược của thực dân, đế quốc, đã từng chứng kiến cái gọi là "tự do, dân chủ", đã từng thấu hiểu cảnh đa nguyên, đa đảng của chế độ ngụy quyền, tay sai bán nước. Đã có biết bao xương máu của người dân vô tội đổ xuống để có được độc lập, tự do như hôm nay. Nguyện vọng lớn nhất của dân tộc ta, nhân dân ta là được sống trong hoà bình, được chung tay góp sức xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống mới ngày càng giàu đẹp, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn. Đó là một xã "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Và đất nước ta đang tiến gần đến mục tiêu đó. 

          Thực tế lịch sử đã chứng kiến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu cũng được bắt đầu từ trào lưu đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản. Nhìn lại lịch sử Liên Xô và một số nước Đông Âu trước những năm 90 của thế kỷ XX, Liên Xô đã từng là thành trì của cách mạng thế giới, người dân được tôn trọng, một đất nước thanh bình; tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhiều sản phẩm công nghiệp đứng hàng đầu thế giới…

Nhưng khi trào lưu đòi dân chủ, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập phát triển, khi Đảng chủ trương nhận thức lại nguyên tắc tập trung dân chủ với trọng tâm tập trung vào dân chủ hóa vô nguyên tắc và thực hiện đa nguyên chính trị đã đẩy nhanh việc thực hiện tư hữu hóa ở Liên Xô, đẩy nhanh sự suy vong của Đảng Cộng sản Liên Xô. Với chủ trương đa nguyên chính trị, bề ngoài có vẻ là dân chủ và tự do tuyệt đối, nhưng bên trong thực chất là loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và đề cao tự do thống trị của chủ nghĩa tư bản. Từ chỗ chủ trương thực hiện đa nguyên chính trị đến từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, hậu quả là công cuộc cải tổ đã đi chệch hướng; Đảng Cộng sản Liên Xô mất vai trò lãnh đạo, thành quả của chủ nghĩa xã hội hơn 70 năm mà nhân dân Liên Xô và một số nước Đông Âu xây dựng đã bị phá tan.

          Thực tế lịch sử Việt Nam, khi nước mất, nhà tan, khi cách mạng gặp muôn vàn khó khăn "ngàn cân treo sợi tóc" thù trong, giặc ngoài thời kỳ 1945 - 1946, những cuộc xâm lăng của thực dân Pháp, của đế quốc Mỹ kéo dài hơn 30 năm đã làm cho nhân dân ta hy sinh, đổ biết bao xương máu, thử hỏi có đảng nào đứng lên cứu được dân tộc, cứu được cách mạng, cứu được nhân dân. Vậy tại sao khi đất nước đang sống trong hoà bình, ngày càng phát triển đi lên lại cần có nhiều lực lượng "muốn ra tay cứu vớt dân tộc", "muốn xả thân vì dân, vì nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân". Hoàn thành sứ mệnh lịch sử trước nhân dân Việt Nam chỉ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chế độ Việt Nam cộng hoà đã từng có đa nguyên, đa đảng nhưng suốt mấy chục năm tồn tại đã mang lại được gì cho nhân dân miền Nam?

          Nền chính trị nhất nguyên ở nước ta là do nhân dân ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động. Đó là độc lập, tự do cho dân tộc; là quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng với mọi quốc gia khác trong việc lựa chọn con đường phát triển đi lên của mình; là quyền tự do lập hiến và lập pháp, lựa chọn và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân; là quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu theo pháp luật, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương xã hội; là sự phát triển trong đa dạng các sắc màu văn hóa dân tộc; là sự tiến bộ trong giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu vì sự tiến bộ và phát triển toàn diện con người… Những thành tựu không thể phủ nhận của nền chính trị nhất nguyên đó đã khẳng định và ngày càng củng cố vững chắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

          Từ khi có chính quyền, nhân dân ta đang từng bước làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của chính bản thân mình. Trước những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, dư luận quốc tế, chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới bày tỏ sự khâm phục và ủng hộ chế độ chính trị ở Việt Nam. Nhiều đoàn đại biểu quốc tế sang Việt Nam nghiên cứu và học tập kinh nghiệm về xây dựng, ổn định chính trị xã hội, tạo ra thế và lực mới của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao; nền kinh tế nước ta không ngừng phát triển; nước ta đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển; nhân dân ta đang được sống trong hoà bình, ổn định. Dân chủ xã hội chủ nghĩa đang từng bước được hoàn thiện; người dân đang thực hiện quyền dân chủ thông qua hình thức dân chủ trực tiếp là tự mình lựa chọn đại biểu của mình qua các cuộc bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân. Thông qua hình thức dân chủ đại diện là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội để bày tỏ nguyện vọng và chính kiến của mình; để kiểm tra, giám sát hoạt động của Đảng và chính quyền, để phản biện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Việt Nam là nước được bạn bè quốc tế đánh giá cao về sự ổn định chính trị, được thừa nhận là nước thành công nhất trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo cho nhân dân. 

Rõ ràng, đòi đa nguyên, đa đảng là thủ đoạn thâm độc của cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng ở thời kỳ mới. Đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá chủ nghĩa xã hội, trước hết là trên lĩnh vực tư tưởng là vấn đề có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam, là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn hiện nay. Cho dù các thế lực thù địch có điên cuồng đến đâu, thủ đoạn xảo quyệt đến đâu nhưng chúng ta tin tưởng rằng với kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị, nhất định Đảng ta sẽ khẳng định được vị thế, uy tín và hoàn thành vai trò, sứ mệnh của mình trước nhân dân. Cho dù các thế lực thù địch có lắm thủ đoạn lừa bịp, mị dân nhưng nhất định nhân dân ta đủ sáng suốt, tỉnh táo để lựa chọn lãnh tụ của mình, lựa chọn con đường đi đúng đắn của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ được xây dựng thành công trên đất nước ta ./.


 

1 nhận xét:

  1. Cần phải xử lý thật nghiêm bọn phản động chuyên xuyên tạc và chống phá đất nước

    Trả lờiXóa