PHỤ NỮ VIỆT NAM MÃI “ANH HÙNG, BUẤT KHUẤT, TRUNG HẬU,
ĐẢM ĐANG”.
Mạnh Trung
Suốt 4000
năm lịch sử dựng nước và giữ nước, lớp lớp người hy sinh để dân tộc mãi mãi
trường tồn. Trong máu xương của những người đã khuất để làm nên dáng hình đất
nước, hỏi có hy sinh nào bằng hy sinh của người Phụ nữ Việt Nam.
Từ thuở Hùng Vương dựng nước
người phụ nữ đã giữ vai trò quan trọng trong xã hội. Mẹ Âu Cơ luôn được tôn
kính là cội nguồn dân tộc. Trong Tứ bất tử của người Việt có hình tượng Bà chúa
Liễu Hạnh, biểu tượng cho phẩm giá, nhân cách của người phụ nữ Việt Nam. Gần
1000 năm Bắc thuộc, đất nước chìm trong nỗi đau nô lệ lầm than và cũng chính
trong bầu trời Nam tăm tối ấy người đầu tiên phất cao ngọn cờ tập hợp sức mạnh
dân tộc chống lại chế độ bóc lột hà khắc, tàn bạo của phong kiến phương Bắc là
những người phụ nữ, họ là hai chi em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Ngọn cờ do hai Bà
khởi xướng được hào kiệp khắp nơi ủng hộ tạo ra sức mạnh như bão táp, cuốn
phăng bọn phong kiến đô hộ ra khỏi đất nước, hai Bà xưng vương lập ra nhà nước
đóng đô ở Mê Linh.
Sau khi Ngô Quyền đánh bại
quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 mở ra một thời kỳ ổn định và phát
triển trong thời đại phong kiến Việt Nam. Ở các thời đại Đinh, Lý, Trần, Lê do
chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là Nho giáo nên nam
giới luôn được đề cao nhưng vai trò của người phụ nữ vẫn không hề giảm sút.
Trong thời kỳ này xuất hiện nhiều nữ hào kiệt có tài trị vì đất nước, quyết
định của họ liên quan đến sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Một trong số ấy là
Thái hậu Dương Văn Nga, Bà đã có quyết định sáng suốt là: vì sự an nguy của
nước nhà Bà đã mời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua để yên bề đối phó
với giặc mạnh đang lăm le ngoài bờ cõi. Và rất nhiều những người phụ nữ khác mà
tên tuổi của họ còn mãi rạng ngời trong sử sách như: An Tư công chúa, Huyền
Trân công chúa, Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân... Họ luôn là biểu tượng cho
phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam và trở thành tượng đài bất tử trong
lòng người dân Việt.
Thời đại Hồ Chí Minh, người
phụ nữ đã chứng tỏ và thể hiện hết vai trò của mình. Là lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo đến đời sống, quyền lợi của
phụ nữ, giải phóng phụ nữ thực hiện nam nữ bình quyền, khuyến khích họ tham gia
vào các tổ chức chính trị, đoàn thể, các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước. Người
đã tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng, buất khuất, trung hậu, đảm
đang” ngắn gọn xúc tích nhưng hàm chứa đầy đủ tính cách tốt đẹp, phẩm chất cao
quý, vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Đáp lại sự quan tâm của Bác Hồ,
sự chăm lo của Đảng, thế hệ phụ nữ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh đã có
những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ vừa lao động sản
xuất vừa trực tiếp chiến đấu. Với tinh thần “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
người phụ nữ trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù xâm lược, bất chấp hiểm
nguy cho sự nghiệp giải phóng nước nhà. Tiêu biểu trong số đó là bà Nguyễn Thị
Định - nữ tướng đầu tiên trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người sau này giữ
những cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, ở Bà tỏa sáng một bản
lĩnh phi thường, một niềm tin sắt đá mang vẻ đẹp truyền thống với sự sắc sảo,
quyết đoán trên từng cương vị. Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của
dân tộc đã có những người con gái cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho đất
nước, như: Chị Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Hồng Gấm, liệt sĩ, bác
sĩ Đặng Thùy Trâm…. Sự hy sinh ấy là một phần hào hùng bi tráng trong lịch sử
dân tộc.
Đất nước bước vào thời kỳ công
nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thế hệ con cháu của bà Trưng, bà
Triệu tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh, vai trò của mình trên mọi lĩnh vực với ý chí
và niềm tin, sự năng động và sáng tạo. Có nhiều người giữ các cương vị lãnh đạo
cao cấp của đất nước, đứng đầu các cơ quan chính phủ, các Bộ, ban ngành từ
Trung ương đến địa phương, như: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng
ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng...
Nhiều nữ doanh nhân thành đạt, năng động, đi tắt đón đầu làm giàu cho đất nước,
nhiều nữ bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học đang làm việc trong và ngoài nước đã có
những đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Và rất nhiều
những người phụ nữ bình dị khác họ đang âm thầm cống hiến và khẳng định vị thế
của mình trong xã hội, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành
tặng: Phụ nữ Việt Nam “anh hùng, buất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Trong xã hội hiện nay vẫn
còn nhiều hạn chế về sự bất bình đăng giới, nhiều nhất là việc “bạo lực ga
đình” vẫn đang diễn ra rất thường xuyên trong gia đình Việt hiện nay. Người chồng
trong gia đình còn cấm cản người vợ tham gia các hoạt động xã hội hay phát triển
kinh tế, họ còn quan niệm người phụ nữ chỉ cần chăm lo công việc nội trợ trong
gia đình, trong một số ít cũng đã nhận thức được vai trò và trách nhiệm của người
phụ nữ trong gia đình và đã biết chia sẻ công việc nội trợ giúp đỡ vợ để họ có
thời gian tham gia công tác xã hội. Để hiểu và giúp đỡ người phụ nữ như vậy thì
người đàn ông trong gia đình phải có tư duy đổi mới, có tri thức và nhận thức tầm
quan trọng của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Với truyền thống của Bà
Trưng, Bà Triệu, trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được
vai trò, vị trí của mình không chỉ với gia đình mà còn với cả xã hội. Với tầm
vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh và trí tuệ của những người phụ nữ Việt Nam
“anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã làm lên tượng đài đẹp nhất,
thiêng liêng nhất về người mẹ, người phụ nữ mọi thời đại…/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét