Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

 

PHÍA SAU LUẬN ĐIỆU PHỦ NHẬN CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động không lúc nào từ bỏ sự chống phá đối với cách mạng Việt Nam, các luận điệu phản động rêu rao rằng: “Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một sai lầm” và từ sau Đại hội XIII, không nên nói đến chủ nghĩa xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa nữa, mà chỉ theo trào lưu chung của thế giới là nước đang phát triển và phát triển; con đường nào, nhà nước nào, chế độ nào cũng được miễn là dân giàu, nước mạnh.

Chúng còn cho rằng: ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng thì việc đề cao giá trị độc lập dân tộc là quan điểm lỗi thời; càng lỗi thời hơn khi đem độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Đó chỉ là sự lựa chọn của những người cộng sản, không phải là sự lựa chọn của dân tộc, của lịch sử?

Thực chất của luận điệu này là chúng muốn Việt Nam từ bỏ mục tiêu đã lựa chọn là độc lập dân tộc và CNXH để phát triển theo con đường TBCN.

Một sự thật lịch sử không thể phủ nhận, đó là: nhờ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng sáng tạo vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển lý luận để tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam - đó là con đường: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã giải quyết được bài toán bế tắc về đường lối cứu nước vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và độc lập dân tộc gắn với CNXH trở thành mục tiêu, lý tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đồng sức, đồng lòng, nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân đế quốc xâm lược giành độc lập dân tộc và đưa đất nước phát triển theo con đường XHCN cho đến ngày nay. Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước đã chứng minh rằng, đường lối cách mạng độc lập dân tộc và CNXH đã được Đảng ta kiên định thực hiện sáng tạo trong từng giai đoạn phát triển và đạt được nhiều thắng lợi vĩ đại, cho thấy đó là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Nhờ kiên định lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng và kiên định mục tiêu, con đường đã chọn, sau hơn 35 năm đổi mới với muôn vàn khó khăn thách thức, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cách mạng Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua, đồng thời, đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Mặt khác, cần khẳng định rằng, chủ nghĩa tư bản hiện nay đã có những điều chỉnh và đạt được nhiều thành tựu lớn, nhất là trong phát triển khoa học và công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất, song không vì thế mà cho rằng: chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất bóc lột.

Sự thật là, dù đã gặt hái nhiều thành tựu (chính những thành tựu này có sự đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động), chủ nghĩa tư bản hiện nay vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Tình trạng bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu nghèo, bất ổn xã hội, phát động chiến tranh can thiệp vào các nước có chủ quyền... vẫn tiếp diễn. Nhiều cuộc xuống đường biểu tình đòi công bằng xã hội, dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững vẫn diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm cả trong lòng các nước tư bản phát triển hàng đầu.

Hiện nay, chủ nghĩa dân tộc cực đoan mới, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, sự tranh giành ảnh hưởng, quyền lực của các nước lớn trỗi dậy... đe dọa sự ổn định, hòa bình ở nhiều khu vực, vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ năm năm 2020 đến nay, các cuộc biểu tình ở nhiều nơi phản đối nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng xã hội, phản đối chiến tranh... vẫn gia tăng ở nhiều nước tư bản phát triển.

Hơn nữa, những bất ổn xã hội từ các cuộc xung đột, nội chiến, chiến tranh diễn ra ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới, thí dụ ở khu vực Bắc Phi, nội chiến ở Syria (từ năm 2011), cách mạng màu ở Ucraina (năm 2014), hay xung đột, nội chiến ở Ápganixtăng (từ tháng 8-2021); cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina hiện nay... đang lôi cuốn Mỹ, khối NATO và các nước tư bản ở châu Âu vào cuộc chiến tranh tàn khốc...

Những xung đột, chiến tranh tàn khốc gây ra những thiệt hại to lớn về người và của, đồng thời, đe dọa nền hòa bình thế giới càng cho thấy giá trị của công cuộc đổi mới, của sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển mà toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đồng sức, đồng lòng nỗ lực đạt được nhờ vào việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Từ những phân tích trên đây cho thấy, không có lý do gì để đặt lại vấn đề mục tiêu, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét