Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022


 Phản bác các luận điệu phủ nhận kết quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng; quy chụp vấn đề tham nhũng là bản chất của một đảng lãnh đạo

                                             Thiếu tá Phạm Hồng Thái

                                  Lớp CH KTCT 2022

Tham nhũng là một phạm trù lịch sử. Nó xuất hiện ngay khi có sự phân chia giai cấp và sự hình thành Nhà nước và xuất hiện ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Ở nước ta, theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì "tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019).

Vụ lợi: " Là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng" (Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2018).

Như vậy, từ khái niệm trên ta cho ta thấy là: Tham nhũng là hành vi của người (hoặc nhóm người) có quyền lực, đã lợi dụng quyền lực để trục lợi riêng. Vì vậy, một hành vi được coi là tham nhũng phải bao gồm đồng thời ba dấu hiệu đặc trưng sau:

Thứ nhất, tham nhũng phải được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn.

Thứ hai, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao.

Thứ ba, người thực hiện hành vi tham nhũng phải có mục đích, động cơ vụ lợi (vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng). Đây là dấu hiệu bắt buộc phải có để phân biệt hành vi tham nhũng với những hành vi vi phạm pháp luật khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

Nguyên nhân dẫn đến hành tham nhũng:

Hiện nay, tham nhũng là vấn đề mang tính toàn cầu nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng những yếu tố đặc thù gắn với từng quốc gia. Về cơ bản mỗi quốc gia có những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng riêng. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở xem xét nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng của các nước trên thế giới, thấy rằng tuy có điểm riêng nhưng cũng có một số nguyên nhân, điều kiện mang tính chất chung, tương đồng, đó là:

Sự phát triển của các hình thái Nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, chính trị tạo ra tiền đề khách quan cho tham nhũng nảy sinh, phát triển. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng nguồn gốc sâu xa của tệ tham nhũng là sự gặp nhau của hai nhân tố: Quyền lực công và lòng tham cá nhân.

Trong xã hội có giai cấp, Nhà nước trước hết đại diện cho quyền lực của một giai cấp nhất định, nó có chức năng điều hòa những lợi ích của các giai cấp khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Quyền lực của Nhà nước khi được trao cho những con người cụ thể, những người đại diện cho Nhà nước thực thi quyền lực công, nếu không có cơ chế kiểm soát dễ dẫn tới sự lợi dụng quyền lực hoặc lạm quyền. Sự gặp nhau giữa quyền lực công khi không được chế ước với nhu cầu cá nhân vượt quá giới hạn cho phép, lòng tham, đã dẫn tới việc sử dụng quyền lực công phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Đó chính là cơ sở nảy sinh tham nhũng. Tham nhũng còn được coi là “sản phẩm của sự tha hóa quyền lực”.

Tham nhũng là hệ quả tất yếu của của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế, xã hội lỏng lẻo, yếu kém. Thực tế cho thấy ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, quản lý công khai, minh bạch, văn minh thì tham nhũng xảy ra ít hơn. Ngược lại, ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang phát triển, trình độ quản lý và dân trí chưa cao thì ở đó tham nhũng phức tạp hơn.

Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ hoặc thực thi pháp luật yếu kém cũng là một nguyên nhân và điều kiện của tham nhũng. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán có nhiều “kẽ hỡ” tạo cho những người có chức vụ, quyền hạn, điều kiện để “lách luật” trục lợi, làm giàu bất chính.

Phẩm chất chính trị đạo đức của đội ngũ có chức, có quyền bị suy thoái đặc biệt là suy thoái tư tưởng chính trị. Họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung, lợi ích tập thể để trục lợi, làm giàu bất chính cho bản thân, gia đình, họ hàng mình; nhất là trong điều kiện khủng hoảng chính trị, xã hội, kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức của đội ngũ công chức.

Trình độ dân trí thấp, ý thức pháp luật của người dân chưa cao tạo điều kiện cho những người có chức quyền có thể nhũng nhiễu, hạch sách dân chúng, vòi vĩnh nhận quà biếu, tặng hay nói cách khác là nhận hối lộ. Thực tế ở các nước phát triển có trình độ dân trí cao thì tham nhũng ít xảy ra hơn là những nước đang phát triển và kém phát triển với trình độ dân trí thấp, người dân chưa có điều kiện tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, với nhiều thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý tạo điều kiện cho một số cán bộ, công chức nhà nước sách nhiễu, ăn hối lộ của người dân, doanh nghiệp. Một số cơ chế “xin - cho”, đó là “mảnh đất màu mỡ” của tham nhũng.

Chế độ, chính sách đãi ngộ, nhất là vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức chưa thỏa đáng. Một khi cán bộ, công chức Nhà nước chưa thể sống no ấm, đầy đủ với tiền lương của mình thì tất yếu họ sẽ tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập từ chính công việc, chức vụ mà nhà Nước giao cho mình kể cả tham nhũng.

Việt Nam là một nước thuộc địa, nửa phong kiến bỏ qua hính thái kinh tế Tư bản chủ nghĩa đi lên Chủ nghĩa xã hội phải tất yếu trải qua thời kỳ quá độ. Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta xác định: “Thời kỳ quá độ ở nước ta do tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đương nhiên phải lâu dài và rất khó khăn. Đó là một thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để nhằm xây dựng từ đầu một chế độ xã hội mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng”. Như vậy có thể thấy ở nước ta tham nhũng ở Việt Nam là hệ quả tất yếu. Nó gây nguy hại cho sự phát triển của đất nước và là một trong các nguyên nhân gây ra nạn đói nghèo cho người dân. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, phù hợp với quy luật khách quan.

Thực tiễn cho thấy, tham nhũng không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà nó còn là vấn nạn trên toàn thế giới, xảy ra trên mọi lĩnh vực. Tình trạng tham nhũng ngày càng có xu hướng phát triển sâu rộng hơn, tinh vi hơn và khó ngăn chặn hơn. Chính vì thế, tháng 12-2003, đại diện hơn 120 nước trên thế giới đã họp tại Mêhicô để thông qua Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc (LHQ). Công ước này được đánh giá là bước tiến lớn của cộng đồng quốc tế trong hợp tác chống tham nhũng. Hiện nay, đã có hơn 110 nước, trong đó có Việt Nam, đã ký Công ước chống tham nhũng. LHQ thống nhất lấy ngày 09 tháng12 hằng năm làm Ngày Quốc tế chống tham nhũng. Để đánh giá mức độ tham nhũng của các nước trên thế giới. Năm 1995, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố một chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI). Chỉ số được dùng để đánh giá mức độ tham nhũng của các nước hằng năm. Theo số liệu công bố ngày 18-10-2005 của CPI, có tới 2/3 trong số 159 nước thăm dò có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Đây là tình trạng báo động về tham nhũng trên thế giới. Cũng theo báo cáo này, các nước Bắc Âu được đánh giá là ít tham nhũng nhất. Trong khi đó các nước nghèo, tham nhũng nặng nhất. Chỉ số CPI năm 2020, các nước ít tham nhũng nhất vẫn là Đan Mạch và Niu Di-lân với 88 điểm, Phần Lan, Xin-ga-po, Thụy Điển, Thụy Sỹ với 85 điểm, Úc, Hồng Kông 77 điểm; Trung Quốc 42 điểm, Ấn Độ 40 điểm. Đứng cuối bảng là các nước Nam Xu-đăng và Xô-ma-li với 12 điểm, Xy-ri 14 điểm, Y-ê-men và Vê-nê-xu-ê-la 15 điểm. Việt Nam đạt 36/100 điểm đứng thứ 104/180 nước. Đánh giá theo khu vực thì Tây Âu và Liên minh châu Âu có điểm trung bình cao nhất với 66 điểm; châu Á - Thái Bình dương là 45 điểm; Đông Âu và Trung Á là 36 điểm; Khu vực châu Phi cận Xa-ha-ra là thấp nhất với 32 điểm. Theo nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB), đã chỉ ra rằng hàng năm trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Chỉ riêng ở châu Phi hằng năm có khoảng 148 tỷ USD đã bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng, tương đương với 1/2 khoản nợ nước ngoài của lục địa này. Theo Viện Công tố Liên bang Nga, lượng tiền tham nhũng hàng năm của Nga lên tới 240 tỷ USD chiếm hơn 15% GDP của Nga. Chính vì vậy các nước trên thế giới đều ra sức phòng, chống tham nhũng. Mỹ và Tây Âu nhấn mạnh việc hoàn thiện xây dựng thể chế và kiểm soát quyền chéo giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cộng hòa Liên bang Đức vừa chú trọng xây dựng pháp luật về công chức, công vụ, vừa chú trọng xây dựng đạo đức đội ngũ công chức. Nga ngoài việc thành lập Hội đồng chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống, do Thủ tướng đứng đầu, còn kiên quyết trừng trị kẻ tham nhũng bằng “bàn tay sắt" như Tổng thống V. Pu-tin từng tuyên bố: Đánh mạnh vào tham nhũng là việc làm rất quan trọng của Nga trên con đường phát triển

Hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực đã có bước tiến mạnh mẽ, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Các lực thù địch phản động lại “quy chụp vấn đề tham nhũng là bản chất của một đảng lãnh đạo”. Âm mưu của chúng là gây ra tình trạng nghi ngờ, hoang mang, gây lầm tưởng tham nhũng phức tạp là do chế độ một đảng lãnh đạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Đồng thời, thông qua đó, các đối tượng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, Nhà nước; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Những âm mưu, hành động ấy sẽ bị đập tan trước sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, của hơn 97 triệu đông bào luôn một lòng, một dạ kiên định, tin tưởng, ủng hộ tuyệt đối sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta. Niềm tin, ý chí, sức mạnh ấy sẽ mãi mãi trường tồn cùng với sự trường tồn, lớn mạnh không ngừng của dân tộc Việt Nam./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét