Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

 

NHẬN DIỆN CÁC QUAN ĐIỂM, LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI,

XUYÊN TẠC VỀ HÒA HỢP DÂN TỘC

Phạm Xuân 

Các thế lực chống đối và thù địch cho rằng ở Việt Nam không có hòa hợp dân tộc thực sự vì xã hội Việt Nam luôn có sự bất đồng và mâu thuẫn giữa các tộc người với nhau, đặc biệt là mâu thuẫn giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số, giữa người Công giáo và phần còn lại của dân tộc...

Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với hơn 14 triệu người chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước. Mặc dù người Kinh là dân tộc chiếm đa số, nhưng thực tế cho thấy dưới sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, vai trò và tham gia vào bộ máy chính quyền cũng như những đóng góp vào đời sống xã hội của người dân tộc thiểu số ngày càng được đảm bảo. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, ở Việt Nam không có sự bất đồng và mâu thuẫn giữa các tộc người với nhau, đặc biệt là giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số. Thực tiễn mâu thuẫn hoặc xung đột tộc người, tôn giáo thường bắt nguồn từ sự khác biệt về hệ tư tưởng, lợi ích (kinh tế) và cả những khác biệt văn hóa… giữa các tộc người, tôn giáo. Tuy nhiên điều này chỉ đúng đã và đang diễn ra ở một số nước, khu vực trên thế giới. Còn ở Việt Nam lại hoàn toàn khác trải qua suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam cũng đã có những xung đột hoặc cuộc chiến xảy ra (ví dụ như sự chuyển tiếp, thay thế quyền lực giữa các vương triều: Đinh, Lý, Trần, Hồ, Lê…; Phân tranh Trịnh - Nguyễn; Đàng Trong - Đàng Ngoài…) nhưng các cuộc chiến, xung đột này (bao gồm những liên minh và đối địch, tạm thời hay lâu dài) không phải là xung đột hoặc chiến tranh mang màu sắc thanh trừng sắc tộc, tôn giáo mà chỉ là các cuộc chiến, xung đột dựa trên quyền lợi thiết thân với tính chất chuyển giao hoặc thôn tính quyền lực, lợi ích được thực hiện bởi các vua, chúa; ở mỗi bên “tham chiến”, đội quân thường là sự tập hợp lực lượng bao gồm những người cùng chung mục đích về lợi ích kinh tế, quyền lợi hay địa vị xã hội... được xuất thân từ nhiều thành phần dân tộc, tầng lớp xã hội khác nhau.

Phát huy truyền thống văn hóa dân tộc kết hợp thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc: “Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chính sách, luật pháp cùng những hành động thiết thực về hòa giải, hòa hợp dân tộc, có thể kể đến Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới... Đặc biệt, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được Đảng cụ thể hóa vào các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, như: “đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”, “Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại”, “Làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài và tranh thủ tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp phục vụ phát triển đất nước”Các cơ quan chuyên trách về công tác người Việt ở nước ngoài (Ủy ban người Việt ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao) cũng đã làm tốt công tác hòa hợp, hòa giải dân tộc thông qua giúp người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại, hướng về Tổ quốc…

Về tôn giáo, Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo và không có sự mâu thuẫn hoặc xung đột giữa các tôn giáo, tín ngưỡng; các tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bình đẳng, không bị phân biệt đối xử và được Nhà nước bảo hộ hoạt động bằng pháp luật; người dân được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo… Điều này đã được kiểm chứng, thừa nhận bởi nhiều quốc gia, nhiều tổ chức tôn giáo lớn trên thế giới. Trong Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế - Việt Nam 2018 của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã khẳng định: “Hiến pháp (của Việt Nam) quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm cả quyền tự do không theo một tôn giáo nào. (...) Hiến pháp quy định tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và nhà nước phải tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp cấm công dân vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” và “Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”. Trong sinh hoạt, vào những ngày lễ lớn của các tôn giáo ở Việt Nam (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo...), lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều tới thăm, chúc mừng và cùng các tôn giáo hướng tới lẽ sống “tốt đời đẹp đạo”. Đặc biệt, với đặc tính dung hòa sẵn có của đời sống văn hóa Việt Nam, trong hầu hết các lễ hội tôn giáo, ngoài sự hiện diện của tín đồ, còn có rất nhiều người dân, thậm chí là tín đồ của các tôn giáo khác cũng đến xem lễ, tham quan, du lịch, tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng…

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét