NHÂN DÂN
HAI NƯỚC VIỆT NAM VÀ LÀO PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT ĐẶC BIỆT
Hồng Hạc
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi trên
bán đảo Đông Dương, có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau lâu đời. Quan hệ
đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hình thành nên không phải do ý
muốn chủ quan của bất kỳ bên nào, cũng không phải là một hiện tượng nhất thời,
mà bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn,
nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc, được nâng lên thành quan hệ đặc biệt.
Có thể khẳng định rằng, sự hài
hoà giữa tình cảm nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc của triết
lý nhân sinh người Việt Nam cũng như người Lào. Chính trong cuộc sống chan hoà
này, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đã ngày càng hiểu nhau hơn và bày tỏ những
tình cảm rất đỗi chân thành với nhau. Ngạn ngữ Lào có câu: “Nói hợp lòng thì
xin, cho cũng chả tiếc, nói trái lý thì dẫu xin, mua cũng chẳng bán”. Với
những cảm xúc bình dị, nhưng đầy tinh tế mà người dân nước Việt dành nhận xét về
người bạn láng giềng của mình: “người Lào thuần hậu chất phác”.
Do những điều kiện tự nhiên và
hoàn cảnh lịch sử gần gũi, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hình thành từ
rất sớm, có thể nói ngay từ khi xuất hiện những cư dân Việt Nam và Lào trên khu
vực địa lý lịch sử này. Điều kiện địa
- nhân văn hay sự gặp gỡ về những phẩm chất nhân văn cao quý của hai dân tộc Việt
Nam và Lào, từ người cầm quyền đến người dân, đã là mảnh đất vô cùng màu mỡ để
kết tinh thành quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời đại Hồ
Chí Minh. Bởi vì quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam ấy, được
nảy sinh trực tiếp từ trái tim đến với trái tim của cả hai dân tộc. Hợp lòng
người là yếu tố căn cốt, quyết định tính trường tồn của mối quan hệ đoàn kết đặc
biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Trong thời kỳ cổ, trung đại, quan hệ giữa hai nhà nước
phong kiến Việt Nam và Lào về cơ bản là quan hệ bang giao láng giềng hoà hiếu.
Trong lịch sử thế giới, hiếm có quan hệ láng giềng nào thánh thiện như hai dân
tộc Việt Nam và Lào. Giữa hai nước không hề có cuộc chiến tranh nào nhằm thôn
tính lẫn nhau, không có hiềm khích và thù hằn dân tộc, lại có cả ngàn năm giúp
đỡ, đùm bọc lẫn nhau, là láng giềng tốt của nhau.
Trong thời kỳ cận, hiện đại,
khi các nước Đông Dương còn chìm trong đêm tối của chủ nghĩa thực dân và phong
kiến, với việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc chẳng những
có công đầu trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng về vai trò lãnh đạo sự nghiệp
cứu nước ở Việt Nam, mà còn là người đầu tiên góp phần giải quyết cuộc khủng
hoảng đó ở Lào, đưa sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Việt Nam và Lào ngày càng
hoà quyện vào nhau, nương tựa lẫn nhau, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa
nhân dân hai nước, cùng hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và tiến lên
con đường xã hội chủ nghĩa.
Quá trình chuẩn bị công phu về mọi mặt: chính trị, tư
tưởng và tổ chức cho cách mạng Việt Nam, đồng thời với việc quan tâm xây dựng
nhân tố bên trong cho cách mạng Lào, cả về phương diện tổ chức lẫn chỉ đạo thực
tiễn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thật sự tạo ra nền tảng hoàn toàn mới về chất
cho lớp người cộng sản Đông Dương đầu tiên, bất luận họ là người Việt Nam, người
Lào hay người Campuchia. Đây chính là nền móng vững chắc của quan hệ đoàn kết đặc
biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc là kiến trúc sư vĩ đại của
tình đoàn kết đặc biệt đó. Hoạt động lý luận và tổ chức thực tiễn của lãnh tụ Nguyễn
Ái Quốc từ những năm 20 thế kỷ XX đã mở đường tiến tới hình thành quan hệ đặc
biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, lấy nền tảng là sức mạnh đoàn kết to lớn
của nhân dân hai nước được khơi dậy như Người đã chỉ dẫn trong tác phẩm “Đường
cách mệnh”: “Dân khí mạnh, thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống
lại”.
Những mục tiêu phấn đấu của quan hệ đặc biệt Việt Nam -
Lào, Lào - Việt Nam bao quát những nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam
và Lào. Đó là đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng chống kẻ thù đế quốc xâm lược và tay
sai của chúng, giành độc lập, tự do cho dân tộc và nhân dân hai nước, xây dựng
quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia. Nhân dân hai nước cũng hiểu rằng chỉ có chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, chỉ có Đảng Cộng sản chân
chính với đường lối cách mạng và phương pháp đoàn kết chân thành, tôn trọng
quyền độc lập, tự chủ của mỗi quốc gia, dân tộc mới có thể thực hiện những
nguyện vọng đó. Xuất
phát từ nhận thức chính trị và niềm tin ấy mà nhân dân hai nước đã không quản
gian khổ, hy sinh, đóng góp sức người, sức của
để thực hiện những mục tiêu của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét