Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

THÀNH CÔNG CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở VIỆT NAM KHÔNG PHẢI DO “KHOẢNG TRỐNG QUYỀN LỰC”

 

Đã thành thói quen, cứ vào dịp nhân dân Việt Nam kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9 là trên một vài trang mạng có địa chỉ ở nước ngoài lại xuất hiện quan điểm của một số học giả phương Tây về cái gọi là "khoảng trống quyền lực" hay "khoảng chân không chính trị”.

Cần khẳng định rõ rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam không hoàn toàn như những gì họ nhìn nhận. Trong cuộc cách mạng ấy, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn chủ động về chiến lược, có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Nếu không có hành trình ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành khởi đầu vào năm 1911; không có sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930... thì chắc chắn sẽ không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Việc tìm đến và nghiên cứu vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin để hoạch định ra chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng sát đúng với thực tiễn Việt Nam đó chính là sự chủ động chuẩn bị về lý luận. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và thành lập, phát triển các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, đặc biệt là Mặt trận Việt Minh; Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và sau đó là Việt Nam giải phóng quân... đó chính là sự chủ động về tổ chức. Sự ra đời của các căn cứ địa cách mạng để nuôi dưỡng, chở che bảo đảm an toàn cho Trung ương và các lực lượng cách mạng cũng cho thấy sự chủ động của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh trong chuẩn bị về tiềm lực cơ sở vật chất...

Trong thời gian diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa (từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945), trên lãnh thổ Việt Nam không hề tồn tại một khoảng trống quyền lực nào. Mặc dù bị thất bại thảm hại trước Hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh, nhưng ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, quân Nhật vẫn rất mạnh về quân sự, họ chỉ bị sa sút về ý chí, tinh thần. Do đó, việc phát xít Nhật đầu hàng Hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh chỉ tạo ra điều kiện khách quan thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Thực tiễn khi đó Nhật vẫn kiên quyết bám giữ sự thống trị ở Việt Nam, bởi họ cho rằng đây là mắt xích kết nối cuối cùng của họ với vùng Đông Nam Á. Mặt khác, nếu Việt Nam giành độc lập thì Nhật không chỉ bị mất về quyền lợi kinh tế mà danh dự của họ cũng chẳng còn. Do đó, họ không dễ gì tạo "khoảng trống" để Việt Nam giành lấy.

Mặt khác, tuy bị thiệt hại lớn, nhất là về tinh thần trước những đòn tấn công của Hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh, nhưng tiềm lực quân sự của Nhật ở Việt Nam vẫn rất mạnh cả về quân số (khoảng 100.000 quân) và vũ khí trang bị hiện đại đồn trú nguyên trạng tại các vị trí mà chúng chiếm đóng. Dù tinh thần chiến đấu có sa sút, rệu rã nhưng quân Nhật vẫn là lực lượng mạnh sẵn sàng thực hiện lệnh của thượng cấp để chiến đấu với bất cứ lực lượng, bất cứ đối thủ nào nếu dùng quân sự tấn công họ... Như vậy có thể thấy, dù bị thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, quân Nhật vẫn rất mạnh, sự sa sút về tinh thần chỉ tạo ra điều kiện khách quan có lợi cho Việt Nam. Qua phân tích, nhận định tình hình, Đảng ta đã kịp thời nắm bắt thời cơ thuận lợi này lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc đứng lên giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Việt Minh, phong trào cách mạng đã đồng loạt nổ ra từ thành thị đến nông thôn, trên khắp đất nước. Tại Hà Nội, chúng ta đã khéo léo thương lượng và đã giải tỏa thành công cuộc bao vây, uy hiếp của quân Nhật, tránh xảy ra xung đột vũ trang... Việc làm này được đánh giá là một thắng lợi quan trọng góp phần vào thành công của cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội cũng như trong cả nước.

Bên cạnh đó, cho đến trước ngày 19-8-1945, chính phủ thân Nhật ở Việt Nam do Trần Trọng Kim đứng đầu vẫn tồn tại và hoạt động. Nhà văn, nhà báo Mỹ Lây-đi Bớc-tơn (Lady Borton), khi trao đổi với các nhà nghiên cứu Việt Nam tại Hội thảo khoa học quốc tế "Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay" diễn ra tại Hà Nội tháng 5-2010 cũng thừa nhận: "Khi nhân dân Việt Nam nổi dậy giành chính quyền, các lực lượng chính trị và quân sự tại đây vẫn còn nguyên và tiếp tục những cố gắng của mình". Trước thời điểm nhạy cảm ấy, nhiều tổ chức chính trị, đảng phái cũng nhìn ra cơ hội xuất hiện và ráo riết chạy đua để giành địa vị chính trị của mình. Nhưng với vị trí, vai trò và uy tín, đặc biệt là được quần chúng nhân dân tin theo, hết lòng ủng hộ, cuối cùng Việt Minh, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi. Rõ ràng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và thành công ở Việt Nam trước hết là nhờ nhân tố chủ quan, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo và khéo léo của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh chứ hoàn toàn không phải là có sự xuất hiện của “khoảng trống quyền lực", hay "khoảng chân không chính trị" nào. Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam không phải từ trên trời rơi xuống mà đó là kết quả tất yếu của tiến trình lịch sử, của quá trình chủ động chuẩn bị công phu, chu đáo về mọi mặt. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả tổng hợp của 15 năm đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh của toàn thể dân tộc Việt Nam. Với lực lượng đông đảo được tập hợp và rèn luyện đấu tranh trong tổ chức Việt Minh, với một Đảng Cộng sản đứng đầu là lãnh tụ xuất sắc Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên tự “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” chứ không hề ngồi yên trông mong, chờ đợi vào một “khoảng trống quyền lực” hay một “khoảng chân không chính trị”.

Thực chất của quan điểm cho rằng, có sự xuất hiện “khoảng trống quyền lực” hay “khoảng chân không chính trị” trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam và sự tung hô, tô vẽ, tán dương gần đây của một số người xét cho cùng vẫn là trò xuyên tạc, bôi đen lịch sử nhằm phục vụ cho mưu đồ phủ nhận thành quả cách mạng để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam của các thế lực thù địch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét