Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

 

PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM “CHUYỆN CỦI LÒ HIỆN NAY

PHẦN LỚN LÀ ĐỂ AN DÂN”


Như một thói quen, bất cứ sự kiện nào của Đảng, Nhà nước Việt Nam dù tốt hay chưa tốt cũng có thể trở thành chủ đề cho các đối tượng lưu vong chống đối lại tạo cớ xuyên tạc, chống phá. Gần đây nhất liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang quyết tâm thực hiện cũng không phải ngoại lệ. Cụ thể, ngày 09/9/2022, trên trang blog Việt Nam Thời Báo, đối tượng Nguyễn Nam tán phát bài “Chuyện củi lò hiện nay phần lớn là để an dân”;ngày 10/9/2022, trên trang facebook Việt Tân, đối tượng Ngọc Thu tán phát bài “Ngăn chặn tình trạng phạm tội của giới quan chức vô phương trong chế độ độc đảng”, nội dung xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, nhà nước ta; vu cáo Đảng “bao che” cho tội phạm tham nhũng; bôi nhọ, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ; kích động người dân đấu tranh xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Không chỉ dừng lại ở việc xuyên tạc công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và nhân dân ta, các đối tượng này cũng tung ra những thông tin mang tính suy diễn, quy chụp liên quan đến công tác cán bộ của Đảng để gây hoang mang dư luận.

Trong các bài viết của mình, các đối tượng đã tập trung công kích vào một số vấn đề chính như: Vấn đề tham nhũng, suy thoái của một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ các vị trí lãnh đạo cơ quan chính quyền, quản lý kinh tế; những hạn chế, yếu kém của một số cấp ủy, tổ chức đang trong đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tệ quan liêu, tham ô, tham nhũng còn để xảy ra các vụ tham ô, tham nhũng trong cán bộ, đảng viên. Một số người đã tung ra luận điểm “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”. Cần khẳng định ngay rằng, đây là luận điệu của những kẻ hồ đồ, võ đoán hòng phủ nhận, xuyên tạc, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta.

Trên thực tế ngay từ khi nắm quyền, Đảng ta đã rất chú trọng đến hoạt động chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Tiếp đó, liền trong 5 kỳ Ðại hội, từ VIII, IX, X, XI đến XII, XIII Ðảng ta đều coi việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ quan trọng của xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Ðại hội XII xác định: Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của toàn thể hệ thống chính trị. Đến Ðại hội XIII khẳng định “Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021. T1. tr.21).

Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đã được thực hiện một cách quyết liệt, đúng hướng, mang lại hiệu quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã theo dõi, chỉ đạo khởi tố nhiều vụ án, trong đó, có một số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Việc Trung ương quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các cấp là thể hiện quyết tâm không khoan nhượng, bao che với tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện thông suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, giúp cho “trên dưới đồng lòng, dọc ngang sáng suốt”, đẩy lùi tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Những hành động quyết liệt trên cho thấy sự đồng lòng và quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, là minh chứng cụ thể cho quan điểm của Đảng ta là không có “vùng cấm” trong xử lý các vụ tham nhũng, thể hiện nguyên tắc: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, xóa đi những “thành ngữ” như: “hạ cánh an toàn”, “tắm từ vai tắm xuống”. Và kết quả đó cũng là lời khẳng định đanh thép, đập tan những luận điệu xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Việt Nam nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng, Nhà nước ta, kích động gây chia rẽ nội bộ, gieo rắc sự hoài nghi, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tin tưởng rằng, nhất định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ đạt được những kết quả như mong muốn với tinh thần: “Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”. Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2022, tr.97).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét