Sau 35 năm đổi mới,
thế và lực của đất nước được nâng lên tầm cao mới. Từ một nước nhỏ bé, nghèo
nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội lạc hậu,
trình độ rất thấp, ngày nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia có quy
mô dân số gần 100 triệu người, thuộc nhóm nước đang phát triển, có thu nhập
bình quân thấp; văn hóa - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất
và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể; sức mạnh về mọi mặt của đất
nước được nâng lên; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên
trường quốc tế.
a. Chính trị- Ngoại giao
Thực hiện đường lối đối ngoại
độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc
tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tạo điều kiện thuận lợi cho sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam tập trung tăng cường, củng cố quan
hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng và các nước ASEAN, các nước có quan
hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước có quan hệ truyền thống kết
hợp các hoạt động ngoại giao với hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa,
khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch và một số lĩnh vực khác phục vụ thiết thực
sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đến nay, Việt Nam đã trở
thành quốc gia tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, sẵn
sàng đóng góp có trách nhiệm vào công việc của thế giới với vị thế ngày càng
cao. Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan
hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, xây
dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất
cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều đó đã củng cố thêm vị
thế quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng
tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu
vực và trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận các trọng trách quốc tế quan
trọng là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA-41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng
Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao
kỷ lục 192/193 phiếu. Điều này cho thấy sự tín nhiệm và tình cảm của
cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Hội nhập về quốc phòng - an
ninh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam
trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bên cạnh đó, ta tích cực tham gia và xây dựng
các cơ chế hợp tác quốc phòng- an ninh đa phương mà Việt Nam là thành viên có
trách nhiệm. Từ tháng 6/2014, Việt Nam đã chính thức cử lực lượng
tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tính đến tháng 8/2020,
Việt Nam đã cử 50 lượt sĩ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp
quốc tại Cộng hòa Trung phi và Nam Xu đăng; đã tổ chức triển khai 2 bệnh viện
dã chiến cấp 2 mỗi bệnh viện gồm 63 quân nhân tại phái bộ Nam Xu đãng và đang
tích cực chuẩn bị Đội công binh để triển khai tới phái bộ theo yêu cầu của Liên
hợp quốc.
b. Kinh tế- xã hội
Trong suốt 35 năm tiến hành
công cuộc đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Giai đoạn đầu Đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ
đạt 4,4%. Trong các giai đoạn tiếp theo, tỷ lệ này được cải thiện
đáng kể: giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2% năm; giai đoạn
1996-2000 tốc độ tăng GDP tăng 7%; giai đoạn 2001- 2010 GDP tăng
bình quân 7,26%; giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng GDP giảm nhẹ còn 6%
năm, giai đoạn 2016-2019 mức tăng GDP đạt 6,8%, năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề
của đại dịch Covid-19, mức tăng GDP chỉ đạt 2,91% năm nhưng vẫn nằm trong số ít
các quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô nền kinh tế được mở
rộng đáng kể, năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD và
GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.
Nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Hệ thống pháp luật, cơ
chế, chính sách tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng
nền kinh tế thị trường hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa. Môi trường đầu
tư, kinh doanh được cải thiện, thông thoáng, công khai , minh bạch,
thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế nhiều thành phần hình thành
và phát triển, các thành phần kinh tế đều có đóng góp tích cực vào phát triển
đất nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch
mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp có tốc độ tăng
trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 28,2%
vào năm 2020; trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt
Nam lên vị trí thứ 19 trong số các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm
2019. Ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho quốc
gia mà còn xuất khẩu được nhiều mặt hàng nông sản giá trị cao. Trong 10 năm
(2009- 2019) tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt trung bình đạt
trung bình 2,61% năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 3,64%, đóng góp đáng kể
vào tăng trưởng GDP của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm,
thủy sản liên tục tăng, năm 2020 đạt 41 tỷ USD. Ngành dịch vụ có những bước
phát triển vượt bậc, chất lượng và khả năng cạnh tranh ngày càng cao. Tỷ trọng
khu vực dịch vụ trong GDP đạt 42% trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch
vụ luôn đạt trên 6% năm.
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu
rộng, trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, đóng góp tích cực vào tăng trưởng
kinh tế. Việt Nam đã và đang trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập
toàn diện nhất thế giới qua các cấp độ (song phương, đa phương, khu vực) và
theo các hình thức, khuôn khổ khác nhau, đối tác chiến lược, hiệp định (thương
mại, đầu tư, môi trường), diễn đàn (APEC, ASEM..), tổ chức quốc tế (Ngân hàng
thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Châu Á), trong đó, việc trở
thành thành viện WTO là sự kiện quan trọng nhất đánh dấu một mốc mới trong tiến
trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới: nền kinh
tế Việt Nam hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Trong 10
năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa
phương hóa. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là Trung Quốc;
các nước EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản... Quá trình hội nhập đã góp phần cải
cách toàn diện nền kinh tế Việt Nam và có đóng góp lớn cho tăng trưởng và chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là mở rộng đầu tư nước ngoài và tăng trưởng xuất
khẩu.Việt Nam được đánh giá là nước phát triển đầy tiềm năng, có nền chính trị
ổn định, có thị trường với gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, lực
lượng lao động dồi dào với cơ cấu dân số vàng và chất lượng nguồn lao động có
trình độ công nghệ cao được cải thiện, có không gian phát triển rộng mở với 13
FTA đã ký kết có hiệu lực. Sau 35 năm mở cửa, hội nhập và cải cách môi trường
kinh doanh, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước
ngoài. Trong giai đoạn 2005-2018, vốn FDI đăng ký đạt gần 360 tỷ USD, năm 2017
đạt 38,2 tỷ USD, năm 2020 đạt 28,53 tỷ USD
- Giáo dục và đào tạo,
khoa học và công nghệ đạt nhiều thành tựu, tạo động lực phát triển kinh tế- xã
hội. Giáo dục và đào tạo từng bước được đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực. Khoa học và công nghệ từng bước khẳng định vai trò là động lực
trong phát triển kinh tế- xã hội. Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển
đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước.
- Thực hiện tiến bộ và công
bằng xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường hợp
tác quốc tế và văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến cộng
đồng quốc tế. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ xã hội
chủ nghĩa tiếp tục được phát huy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét