Tham nhũng, tiêu cực là một hiện tượng xã hội khách
quan, xảy ra ở mọi chế độ xã hội có phân chia gia cấp. Đây cũng là thứ giặc
nội xâm tàn phá sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, suy giảm uy tín lãnh đạo
của Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Do đó, ở mọi thời kỳ cách mạng,
Đảng và Nhà nước ta luôn quyết tâm đấu tranh làm giảm dần và triệt tiêu vấn nạn
này.
Ngay khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã có những cảnh cáo về nguy cơ tha hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Người đã lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực nhà nước trong không
ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người coi tham ô, lãng phí và quan liêu
là kẻ thù nguy hiểm của cách mạng. Theo Người, ba căn bệnh này có liên hệ chặt
chẽ với nhau, nó ẩn náu kín đáo trong mỗi con người, nó chống phá từ bên trong
nội bộ của tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ địch bên ngoài chống phá ta.
Người viết: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ
đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng mà
nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”; và để xây dựng
một xã hội mới, một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính và chí công vô tư thì phải loại bỏ vấn nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan
liêu vẫn tồn tại trong lòng xã hội.
Ngày nay, với quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
Đảng, Nhà nước ta đã và đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực
và bước đầu đạt được những kết quả tích cực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân
đồng tình, ủng hộ, dư luận quốc tế đánh giá cao. Kết quả này cũng được nêu rõ
trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, công tác đấu tranh phòng, chống
tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào
chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại
lệ dù bất kể người đó là ai, là
tổ chức nào. Đã đạt được nhiều kết quả
rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ,
đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn
chặn, có chiều hướng thuyên giảm.
Trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng
cấm với tham nhũng, tiêu cực này, đã có hàng nghìn đảng viên bị kỷ luật, trong
đó có cả cán bộ cao cấp. Theo số liệu do Tổ chức Minh bạch thế giới (TI) công
bố, Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam trong 10 năm, từ mức thấp
nhất là 30 điểm trong năm 2012 lên 39 điểm trong năm 2021. Theo đó, chỉ số CPI
của Việt Nam trong năm 2021 là 39/100 điểm, tăng 3 điểm từ mức 36/100 điểm năm
2020, xếp thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây chính là sự khẳng định
những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt
Nam hiện nay.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động với dã tâm đen tối lại sẵn sàng phủ nhận, xuyên tạc quyết tâm cũng như những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Âm mưu của chúng là nhằm kích động các tầng lớp nhân dân gây hoài nghi, làm mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ một bộ phân nhân dân với chính quyền và cao hơn nưa gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, không “mắc bẫy” của chúng và kịp thời đấu tranh bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam của các thế lực thù địch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét