Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”

 Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là sản phẩm của một trí tuệ to lớn, mang tầm thời đại, tác phẩm đã phân tích sâu sắc cả về mặt lí luận và thực tiễn để định nghĩa chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng và con đường tất yếu để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tác phẩm, góp phần củng cố vững chắc thêm cho người đọc nhận thức chính trị và niềm tin khoa học vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thứ nhất, tác phẩm khẳng định “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử

Tác giả đã đặt ra câu hỏi lớn: chủ nghĩa xã hội là gì, đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào và đã nói lên tình cảm, trách nhiệm của Đảng ta luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để từng bước hoàn thiện đường lối, quan điểm và tổ chức thực hiện, làm sao để vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta“Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng  ta  cần  một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

Tác giả khẳng định: “... Những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Hai là, Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Tác phẩm không chỉ định hướng nhận thức tổng quát xã hội xã hội chủ nghĩa nước ta đang xây dựng, mà còn nhấn mạnh con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp:

Thứ nhất, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta.

Đây là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới; là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ). Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở nước ta là “Phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”.

Tác giả nhấn mạnh: “Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có  công,  những  người  có  hoàn  cảnh  khó khăn”.

Thứ hai, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội.

Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác–Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt  đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích  chân  chính  và phẩm giá con người.

Thứ ba,phát triển kinh tế, thực hiện chính sách công bằng và tiến bộ xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đều hướng đến mục tiêu trung tâm: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Tác giả khẳng định: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và  khoa  học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống  còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.

Thứ tư, điều kiện và sức mạnh để đảm bảo thực hiện thắng lợi con đường  đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là tổ chức, triển khai thành công mô hình chính trị và cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định  hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tác giả chỉ rõ: “Phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng  phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự của dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và tri thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tác giả viết: “Nhà nước đại diện cho quyền làm  chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội”. Điều cốt lõi là “Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị”, phát huy được mọi nguồn lực xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân, nhân dân sức mạnh dời non, lấp biển khi được tổ chức thành lực lượng thống nhất nhận thức, ý chí, và hành động.. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”.

        Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang đầy tâm huyết, tầm cao trí tuệ, kết tinh những giá trị lý luận và thực tiễn, cũng là thông điệp gửi đến toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là nguồn tư liệu lý luận quý, không chỉ nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, mà còn là cơ sở để vận dụng quan điểm, tư tưởng chỉ đạo vào thực tiễn trong xây dựng Quân đội “tinh – gọn – mạnh”, nhất là góp phần củng cố niềm tin khoa học, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; chủ động đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống CNXH, chống phá Đảng, Nhà nước ta… góp phần bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vũng chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét