Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

ĐẤT ĐAI THUỘC SỞ HỮU TOÀN DÂN LÀ QUAN ĐIỂM NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG TA


Một nội dung thu được sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế trong thời gian qua là Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã thống nhất ban hành nghị quyết mới về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó, hai quan điểm nổi bật được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII là: (1) Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; (2) Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Đây cũng là hai vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước cũng có rất nhiều bàn luận.

Tuy nhiên, với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch đã đưa ra những quan điểm sai trái, bóp méo sự thật, phủ nhận những kết quả đã đạt được, thổi phồng những sai phạm trong lĩnh vực đất đai để kích động sự mâu thuẫn trong xã hội. Đặc biệt, Đài RFA rêu rao thông tin: “sáu tổ chức xã hội dân sự trong nước đồng ký tên phổ biến một kiến nghị có tên “Tuyên bố chống tham nhũng và sửa đổi Luật Đất đai”, “việc tổng kết chính sách đất đai có thể gây chú ý nhưng không tạo hiệu quả thay đổi vì cơ bản vẫn đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý”... Từ đây, họ đưa ra ý kiến rằng Việt Nam phải sửa đổi ngay Luật Đất đai và phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu giống như nhiều nước khác. Thực chất, những “kiến nghị”, “đề xuất” mà các đối tượng đang tung ra như nêu trên không phải vì mục đích hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai mà chỉ là chiêu trò để thu hẹp, tiến tới loại trừ vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý đất đai, từ đó tiến đến việc làm thay đổi bản chất xã hội, đánh chệch hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng. Trong điều kiện thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng hiện nay, khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là quan điểm đúng đắn, nhất quán bởi các lí do sau:

Một là, từ ngày ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn đứng vững trên lập trường của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Vì vậy, nhân dân phải là chủ sở hữu đối với tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của quốc gia là đất đai. Đất đai là thành quả của sự nghiệp dựng nước và giữ nước lâu dài qua mấy nghìn năm của cả dân tộc, không thể để cho một số cá nhân có quyền độc chiếm sở hữu.

Hai là, sở hữu toàn dân về đất đai tạo ra cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn. Tất cả các chính sách, pháp luật được xây dựng đều phải theo đường lối phục vụ lợi ích chủ sở hữu, tức là toàn thể nhân dân Việt Nam.

Ba là, sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động được tiếp cận đất đai tự do; là thành quả vĩ đại mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại cho mọi người dân Việt Nam.

Bốn là, về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguồn gốc của những hạn chế, yếu kém, bất cập hiện nay về đất đai. Thực trạng quản lý, sử dụng đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết bắt nguồn không phải từ bản chất vốn có của sở hữu toàn dân về đất đai, mà bắt nguồn từ sự yếu kém kéo dài trong việc không hiện thực hóa thiết chế thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; từ hệ lụy yếu kém trong quản lý đất đai cả ở tầm vĩ mô và vi mô.

Năm là, cần khẳng định sở hữu toàn dân không phải là sở hữu Nhà nước về đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai là sở hữu chung của toàn dân nhưng có sự phân chia việc thực hành quyền sở hữu giữa người sử dụng đất và Nhà nước. Bản chất của cơ chế đó là phân chia một cách hợp lý các quyền của chủ sở hữu đất đai giữa người dân và Nhà nước, cũng như giữa các cơ quan nhà nước các cấp.

Sáu là, sở hữu toàn dân về đất đai đem lại nhiều lợi ích phù hợp với điều kiện lịch sử - cụ thể của Việt Nam. Không những không cản trở quá trình sử dụng đất hiệu quả ở phương diện vi mô của người sử dụng đất cũng như ở phương diện lưu chuyển quyền sử dụng đất trên thị trường bất động sản. Chế độ sở hữu toàn dân còn đem lại nhiều lợi ích phù hợp với đặc thù của nước ta.

Bảy là, đất đai là tài sản chung của dân tộc nên không cho phép Chính phủ hay chính quyền địa phương chuyển nhượng cho người nước ngoài một cách tự do như đối với công dân Việt Nam. Nếu không quy định những điều kiện chặt chẽ về sở hữu đất, nhất là đất sản xuất của người nước ngoài, nếu chúng ta thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai và cho phép người nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân, thì nguy cơ mất nước từ hệ lụy của nền kinh tế thị trường sẽ thành hiện thực và thành quả đấu tranh kiên cường để giành độc lập của dân tộc ta sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu bởi thế lực của đồng tiền.

Có thể nói, trong suốt tiến trình Đổi mới, quan điểm về sở hữu đất đai của Đảng luôn nhất quán và đó là một trong những nguyên tắc sống còn để công cuộc đổi mới thu được thành tựu và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như bảo đảm quyền lợi cho mọi người dân. Đây cũng là cơ sở để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý đất đai, từ đó tiến đến việc làm thay đổi bản chất xã hội, đánh chệch hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét