Chuyện rằng có người tìm
thấy trên 3 chiếc võng dù cùng cột chung đầu vào một thân cây là 3 bộ hài cốt
của 3 chiến sĩ Quân giải phóng. Cạnh mỗi bộ hài cốt là một khẩu AK đã han rỉ,
một đôi dép cao su. Gần đó, có bức thư được bọc kỹ càng trong ni lông và được
cột chặt ở đầu võng. Những dòng viết run rẩy, nguệch ngoạc vì bị thương, đói
khát...
Đó là các chiến sỹ: 1. Lê
Hoàng Vũ, Thái Bình; 2. Nguyễn Chí, Quảng Ngãi; 3. Trần Viết Dũng, Sài Gòn, là
chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải
phóng miền Nam Việt Nam.
Sau trận tập kích của
Trung đoàn Bình Giã và một số đơn vị khác thuộc Bộ Tư lệnh Miền, diệt một lực
lượng lớn quân Mỹ - Ngụy ở Bông Trang - Nhà Đỏ (Thủ Dầu Một), tháng 2-1966,
trên đường rút về hậu cứ, một tiểu đội, trong đó có các anh Vũ, Chí, Dũng, được
phân công nghi binh, đánh lạc hướng địch, để trung đoàn trở về an toàn.
Một tiểu đội 11 người với
những chiếc bật lửa và vài chiếc máy thông tin, mỗi người một khẩu AK đã làm
tròn nhiệm vụ tạo dấu vết một trung đoàn hành quân về hậu cứ sau trận tập kích
thắng lợi. Sau mấy ngày băng rừng, vượt suối, hứng chịu hàng chục phi vụ rải
thảm của B-52 khiến 8 người hy sinh, phương tiện thông tin hư hỏng.
Vượt qua những ngày “đói
quay đói quắt, khát như khô cháy cả ruột gan…” và mang trên mình đầy thương
tích, 3 chiến sĩ còn lại đã tới được cánh rừng này. Sức kiệt, không thể đi
tiếp, không còn phương tiện thông tin, các anh quyết định dừng lại và “chọn khu
rừng đẹp đẽ này làm nơi an nghỉ cuối cùng…”
Chúng ta hãy nghe các anh
tâm sự: “Quyết định rồi chúng tôi tự thấy khoan khoái lạ thường. Sáng suốt hẳn
lên… Dừng lại ở đây với một ít sức lực còn lại viết một tường trình cuộc chiến
đấu gửi lại cho ai đó tìm được…
Mỗi người đứng trước cái
chết của mình cố gắng dùng một chút sức còn lại, quả thật rất ít ỏi, để thay
nhau chấp bút. Chúng tôi đã chọn cây gỗ tơ còn sống lâu này làm trụ, giúp nhau
mắc võng cho từng người, thống nhất nhau tư thế nằm trên võng, sắp xếp vài đồ
vật còn lại… Chúng tôi sẽ chết ung dung thư thái như đã từng sống mãnh liệt mà
thư thái với công việc chúng tôi đã làm…”
Sau khi chọn cho mình cái
chết, 3 chiến sĩ - người yếu viết trước, người còn sức dành viết sau; các anh
dồn chút sức lực còn lại viết về cuộc chiến đấu trong mấy ngày qua, về sự hy
sinh của đồng đội; những tình cảm thân thương da diết đối với bố, mẹ, vợ con,
người thân, quê hương… và bày tỏ niềm tin vào ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ
toàn thắng.
Lần lượt, Lê Hoàng Vũ,
Nguyễn Chí vĩnh viễn ra đi. Người để lại những dòng lưu bút cuối cùng là Trần
Viết Dũng. Những dòng như rút từ gan ruột của anh:
“…Nhưng rồi các bạn giục
kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cảm
thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được
bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư phải về tới tay
những người đang sống…
Nếu lá thư này được về
với đồng đội chúng tôi trong Trung đoàn Bình Giã Quân giải phóng miền Nam hay
một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển giùm lên cấp trên.
Tiểu đội Giải phóng quân
chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được
ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa xuân
giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc
và dân tộc sống còn.
Còn như chúng tôi được
phát hiện muộn hơn sau 5 năm - 10 năm - tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi -
gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại
vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi
giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã
chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm
no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng.
Hay trong trường hợp đến
50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì
cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui
mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà
chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích - Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng
tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người
bạn mới giữa các hành tinh.
Mùa xuân giữa rừng miền
Đông Nam Bộ”.
Trận chiến đã kết thúc từ
lâu, những thế hệ Việt Nam sinh ra từ sau thời khắc đó cũng đã trở thành lứa
trung niên, cũng như không thể đếm hết những người lính đã hóa thân vào đất
đai, cây cỏ, núi sông của Tổ quốc chúng ta ...
Mình lại chia sẻ thêm cho
các bạn trẻ về những lời gửi gắm trong nhật ký mà Liệt sĩ Vũ Xuân viết cho em
gái của mình ngày 01/05/1969.
“Hãy học cho giỏi và
ngoan. Chuẩn bị tiếp nhận cái gia sản quý báu mà bằng máu, bằng sinh mệnh các
Anh đã hi sinh để giành giật lấy nó.
Bàn giao nguyên vẹn cái
cơ đồ, cái giang sơn Việt Nam cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của chúng
mình,của thế hệ thanh niên đang sống và chiến đấu chống Mỹ này.”
Nhưng liệu lớp trẻ bây
giờ, có mấy người nhớ về công ơn của họ. Rồi một mai những cựu chiến binh cuối
cùng ấy trở về đất mẹ, người ta sẽ nhìn nhận về cuộc chiến nằm xưa thế nào đây?
Liệu còn mấy ai biết nhớ về “màu hoa đỏ” với ký ức một thời rực lửa của dân
tộc, những câu chuyện về lòng hi sinh, về sự quả cảm của tuổi trẻ, và cả sự mất
mát chia ly.
“Đất nước Việt Nam giờ đã
thanh bình, không còn những cảnh chia li, không còn những giọt nước mắt đau
thương... Nhưng ở phía chân trời xa ấy, “màu hoa đỏ” vẫn ngời lên như màu của
lửa để nhắc nhớ thế hệ mai sau hiểu hơn về giá trị của bình yên hôm nay.
Nên nhớ rằng, hòa bình
độc lập có được ngày hôm nay đã được đánh đổi bằng xiết bao máu xương của thế
hệ cha anh đi trước, lớp cháu con phải biết trân trọng để cố mà giữ gìn. Như
lời của anh hùng LLVT, liệt sỹ Vũ Xuân: “Tôi chỉ mong một câu nói mãi vang bên
tai thế hệ mai sau là: đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét