Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

 

ĐỐI THOẠI, ĐẤU TRANH TRÊN LĨNH VỰC QUYỀN CON NGƯỜI

Trong thời gian qua, hoạt động đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền của Việt Nam đã góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, thúc đẩy quan hệ với các đối tác, bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bài viết làm rõ quan niệm, đối tượng, đặc điểm đối thoại, đấu tranh về nhân quyền; nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực này. Từ đó, đề xuất cách thức tiến hành đối thoại, đấu tranh với các tổ chức quốc tế, các tổ chức và cá nhân thù địch trong và ngoài nước.

1. Những nhận thức cơ bản về đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người

Đối thoại trên lĩnh vực quyền con người (QCN) là sự trao đổi, thương lượng một cách bình đẳng giữa những người tham gia đối thoại trên cơ sở pháp lý nhất định, hướng vào một chủ đề cụ thể, nhằm nhận thức sâu hơn về đối phương và đạt tới chân lý cao hơn cho cả hai bên, tiến đến giải quyết được một hoặc một số vấn đề cụ thể liên quan đến danh dự, nhân phẩm hay quyền lợi của các bên đối thoại.

Đấu tranh trên lĩnh vực QCN là sự chủ động, tích cực nhận diện, phê phán và kiên quyết xử lý nghiêm minh bằng pháp luật nhằm làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề QCN như một công cụ chống phá chế độ chính trị - xã hội Việt Nam.

Đối tượng đối thoại, đấu tranh là các lực lượng thù địch, phản động, các tổ chức và cá nhân.

Các lực lượng thù địch: Gồm lực lượng cực hữu ở một số nước phương Tây (chủ yếu tại Mỹ), lực lượng người Việt ở ngoài nước và những cá nhân ở trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc, lợi dụng để chống phá chế độ chính trị - xã hội Việt Nam.

Các lực lượng cạnh tranh về tư tưởng, chính trị: Gồm những người nghiên cứu lý luận, hoạt động chính trị tại một số nước phương Tây và những người cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng chính trị tại Việt Nam. Đến nay, cuộc đối thoại, đấu tranh giữa ý thức hệ CNXH và CNTB vẫn diễn ra trên phạm vi thế giới. Những người cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng chính trị, thực chất là những đối tượng thù địch “giấu mặt” đóng vai “phái giữa” nên có sức nguy hại rất lớn, vì họ “đánh từ trong đánh ra”, gián tiếp thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “chệch hướng” nền tảng tư tưởng của Đảng ngay từ trong nội bộ.

Đối thoại, đấu tranh về tư tưởng chính trị - pháp lý giữa hai loại hình giá trị tư tưởng XHCN và tư sản về dân chủ, nhân quyền: là đặc điểm có tính bản chất của đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực QCN. Nó cho thấy, đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền không có giới tuyến địch - ta rõ ràng, mà nằm ngay trong nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức. Vì thế, nhân dân - trước tiên là mỗi cán bộ, đảng viên, đều là chủ thể đối thoại, đấu tranh với các thế lực thù địch trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.

Về nội dung đấu tranh: trước hết là nhận diện rõ các âm mưu, thủ đoạn chống phá về nhân quyền. Các lực lượng thù địch ra sức truyền bá hệ tư tưởng tư sản với nội dung cơ bản là: Quan niệm một cách phiến diện, có khi tuyệt đối hóa quyền cá nhân và các quyền dân sự, chính trị đến mức đồng nhất chúng với quyền con người nói chung; coi nhẹ quyền của tập thể, của dân tộc và chủ quyền quốc gia; coi tư tưởng nhân quyền phương Tây mang tính phổ quát toàn nhân loại, thậm chí cao hơn chủ quyền quốc gia; coi nhẹ tính bình đẳng của các chủ thể quyền và các nội dung quyền, nhất là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, vốn chiếm vị trí cơ bản và là yêu cầu có tính bức thiết đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Về mặt chính trị, đây là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc về văn hóa.

Chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận các giá trị lý luận - thực tiễn về QCN; tiến hành các hoạt động chống phá thực tiễn bảo đảm QCN ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, dân tộc, thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, văn hóa nghệ thuật, tư pháp,... kể cả hợp tác quốc tế; tuyên truyền, ca ngợi các giá trị nhân quyền tư sản nhằm kích động, cổ vũ việc phân hóa, chuyển hóa tư tưởng chính trị XHCN, đồng thời thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sang tư tưởng nhân quyền tư sản, trước tiên trong nội bộ Đảng, Nhà nước; tạo dựng “ngọn cờ” về nhân quyền thông qua tuyên truyền, ca ngợi, trao giải thưởng cho nhiều nhân vật chống đối nhằm kích động hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong và ngoài nước.

Các thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc, kích động vấn đề dân tộc thiểu số và xuyên tạc chính sách tôn giáo; xuyên tạc Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp. Hơn thế, còn kích động khuynh hướng cực đoan nhằm “hạ bệ thần tượng”, đòi “giải thiêng” các giá trị lịch sử dân tộc, phủ nhận thành quả cách mạng, bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đòi khơi thông dòng văn chương của những cây bút chống cộng trước năm 1975; thành lập “Nhóm mở miệng” (xuất hiện từ khoảng năm 1995) chủ trương thơ tục, thơ rác, thơ bụi để “đẩy thơ vào ngõ cụt”, nhằm thúc đẩy báo chí “lề trái” (phi chính thức) thay thế “lề phải” (báo chí cách mạng);... để tạo tiền đề cho việc chuyển sang hệ tư tưởng tư sản, không chỉ trên lĩnh vực QCN.

Xuyên tạc cái gọi là “việc  áp dụng một cách bất công Bộ luật Hình sự”, nhất là các điều 19, 79, 87, 88 và 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, mặc dù Bộ luật này đã được sửa đổi từ năm 2015. Các luận điệu xuyên tạc Việt Nam có chính sách hai mặt trong việc giam giữ “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”; hay các luận điệu xuyên tạc về bức cung, nhục hình đối với những người bị tạm giữ, tạm giam; vu khống Việt Nam bắt giữ và xét xử tùy tiện; cáo buộc tình trạng đàn áp, ngăn chặn, cản trở hoạt động của luật sư;...

Các thế lực thù địch tăng cường ưu tiên cấp học bổng để thu hút học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu “lối sống Mỹ”, “nghiên cứu nhân quyền”, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức hội nhóm tôn giáo...

Hoạt động xâm nhập, kích động, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” sang tư tưởng nhân quyền tư sản. Đồng thời, tăng cường tác động “từ bên ngoài”, như đòi Nhà nước Việt Nam phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về các quyền dân sự, chính trị (tự do lập hội, tự do xuất bản báo chí tư nhân, hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước,...) tương tự các quốc gia phát triển phương Tây. Gắn QCN với các vấn đề hợp tác phát triển, dân chủ, tôn giáo, tiếp cận thông tin và các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp,...

Kích động các cá nhân, tổ chức trong nước tổ chức bạo động, bạo loạn và nhờ nước ngoài khiếu kiện Việt Nam. Ví dụ, trong UPR chu kỳ I, II và III, một số tổ chức quốc tế có quy chế quan sát viên tại Hội đồng Kinh tế xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) như Ủy ban bảo vệ QCN cho người Việt Nam - VCHR, Tổ chức Đảng cấp tiến xuyên quốc gia - TRP,... và một số tổ chức phi chính phủ của nhóm người Việt phản động đã lợi dụng diễn đàn của Hội đồng nhân quyền vu cáo Việt Nam vi phạm QCN.

Về thủ đoạn chống phá: Lấy chống phá về chính trị, tư tưởng làm khâu đột phá; lấy mua chuộc kinh tế làm mũi nhọn; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, làm ngòi nổ; dùng ngoại giao, đầu tư kinh tế để hỗ trợ, hậu thuẫn chống phá.

Về cách thức chống phá: Các thế lực thù địch sử dụng báo chí, truyền thông, đặc biệt là báo mạng, internet; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài (như VOA tiếng việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ) để xuyên tạc, kích động về tư tưởng, chính trị để kích động biểu tình trái phép; tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử; dùng chiêu bài “mớm lời”, “rắc thính”, kích động để gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, suy thoái về tư tưởng chính trị.

2. Phương hướng, giải pháp đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người

Trên cơ sở kiên định đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, trong đó có lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Đổi mới nội dung, phương pháp đối thoại, đấu tranh. Thực hiện nguyên tắc trong đấu tranh có đối thoại, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh, chủ động, tích cực nhận diện, phê phán, xử lý công khai, minh bạch bằng pháp luật, trước hết đối với những kẻ cầm đầu, đồng thời phù hợp với các quan hệ liên quan trực tiếp đến vấn đề đấu tranh và đối tượng đấu tranh.

Đối thoại, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân quốc tế và nước ngoài, cần tiến hành theo cách thức sau:

Đối thoại, đấu tranh theo cơ chế dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc tại Hội đồng Nhân quyền và tại Ủy ban của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) thuộc ECOSOC: Theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và nghĩa vụ là thành viên Liên hợp quốc. Trên cơ sở đó, lựa chọn và tiến hành các phương pháp, biện pháp đối thoại, đấu tranh thích hợp với từng vụ việc cụ thể.

Đối thoại, đấu tranh theo cơ chế dựa trên công ước tại các ủy ban (tiểu ban) về QCN của Liên hợp quốc, phù hợp với quy chế của mỗi ủy ban công ước.    

Đối thoại, đấu tranh tại các tổ chức như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...: Theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và hợp tác với thể chế của các tổ chức mà Việt Nam đã tham gia. Việc lựa chọn và tiến hành các phương pháp, biện pháp đối thoại, đấu tranh phải phù hợp với thể chế của mỗi tổ chức quốc tế, hệ thống công pháp quốc tế và với mỗi loại quyền (lao động, nghiệp đoàn, an sinh xã hội, kinh doanh, thương mại, môi trường,...).

Đối thoại, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động chống phá chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam: Theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và trên cơ sở các văn kiện hợp tác với các nước, các tổ chức này. Việc xác định phương pháp, biện pháp đối thoại, đấu tranh nên phù hợp với hệ thống công pháp quốc tế và quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với quốc gia đó. Chẳng hạn, đấu tranh với sự không khách quan, xuyên tạc về tình hình tôn giáo, buôn người và nhân quyền ở Việt Nam trong các báo cáo về tự do tôn giáo của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), báo cáo về nạn buôn người và về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ,... chứ không phải đấu tranh với nhân dân Hoa Kỳ hay phương Tây nói chung. Điều này đồng thời chỉ rõ trong phương thức đấu tranh phải coi trọng hợp tác, đối thoại theo nguyên tắc giữ vững chủ quyền quốc gia và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, kể cả một bộ phận chính quyền tại phương Tây.

Đối thoại, đấu tranh với một số tổ chức phi chính phủ quốc tế như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế, Tổ chức Phóng viên không biên giới... về những báo cáo phiến diện, xuyên tạc, không khách quan đối với tình hình nhân quyền tại Việt Nam, theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và trên cơ sở hệ thống công pháp quốc tế. Việc xác định phương pháp, biện pháp đối thoại, đấu tranh phải phù hợp với vị trí, tính chất của mỗi tổ chức và mỗi vụ, việc cụ thể.

Cách thức tiến hành đối thoại, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân người Việt thù địch ở trong và ngoài nước: Cách thức chung là tuân thủ hệ thống pháp luật Việt Nam. Đối với các lực lượng chống phá là người Việt sống ở nước ngoài cần phải tính đến mức độ phù hợp với hệ thống công pháp quốc tế và pháp luật của nước sở tại. Việc xác định phương pháp, biện pháp đối thoại, đấu tranh về dân chủ, nhân quyền phải thích hợp với tính chất của các phần tử chống đối ở trong nước ở ngoài nước, nhất là phải phù hợp với mức độ, tính chất chống đối của mỗi vụ việc cụ thể. 

Trong phương thức đối thoại, đấu tranh cần coi trọng cách thức, phương pháp, biện pháp tư tưởng chính trị như truyền thông, vận động nhằm nâng cao nhận thức, tích cực phòng - chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng cách thức kết hợp đối thoại với đấu tranh hay ngược lại.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021

PGS, TS NGUYỄN THANH TUẤN

Viện Quyền con người,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét