Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

NỖ LỰC PHỤC HỒI ĐƠM 'TRÁI NGỌT', KINH TẾ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN VƯỢT BẬC

 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn và bất định, bức tranh sáng màu của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 rất đáng tự hào, lạc quan.

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 còn khó lường, giai đoạn phục hồi sau đại dịch gặp vô vàn khó khăn, nhưng vượt lên tất cả, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vượt bậc và đạt nhiều thành tựu, chứng tỏ những nỗ lực không ngừng đã góp phần xoay chuyển cục diện.

Những chỉ số vụt sáng

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6/2021 và 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2022 ước tính tăng trưởng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011 - 2021. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, hầu hết các ngành sản xuất chính đều tăng trưởng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, (đóng góp 48,33%); khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%). Đáng chú ý, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển đã đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm của nền kinh tế với giá ổn định. Đó là nền tảng trong kiểm soát lạm phát 6 tháng ở mức 2,44% trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng lương thực và giá thực phẩm tăng cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6%; đón 602 nghìn lượt khách quốc tế; FDI cũng đạt mức tăng cao nhất cùng kỳ 5 năm qua khi đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021…

Một điểm nhấn đáng tự hào của nền kinh tế Việt Nam nữa đó là những thành tựu trong thương mại quốc tế. 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt tới 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD. Có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). Ngược lại, có 30 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Kỳ vọng bức tranh sáng cuối năm

Theo các chuyên gia, những tín hiệu tích cực trên chứng tỏ đà phục hồi của nền kinh tế rất đáng khích lệ trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động và những hậu quả của đại dịch COVID-19 còn chưa được khắc phục hết.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế trong nước phục hồi rõ nét, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân tăng cao, thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng từ biến động giá trên thị trường thế giới. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021.

"Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước phản ánh nền kinh tế đang hồi phục và phát triển", bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Bà Hương cũng chỉ rõ những biến động khó lường của kinh tế thế giới khi tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine vẫn căng thẳng. Hầu hết các tổ chức lớn đều bi quan về sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 giảm so với trước, ở mức 3,6%; Liên hợp quốc dự báo chỉ tăng trưởng 3,1%; Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng nghiêng về con số 3%...

Vì thế, những thành tích của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh này rất đáng tự hào và kỳ vọng rằng sẽ góp phần tạo thế và lực cho những tháng còn lại của năm 2022 và cả năm 2023 sắp tới.

Các chuyên gia kinh tế khác cũng khẳng định, những nỗ lực phục hồi kinh tế sau dịch đã đơm trái ngọt. Tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đúng thời điểm đã xoay chuyển cục diện phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, những tháng đầu năm 2022, kinh tế của Việt Nam phát triển rất tích cực và phù hợp với suy đoán của các nhà kinh tế. Ngành sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và dần phục hồi. Ngoài ra, có được kết quả này là nhờ các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng và nhờ sự chủ động, nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Thịnh tin tưởng: "Tuy không cần đến những gói hỗ trợ mới mà chỉ cần triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ trước như giãn hoãn thuế, miến giảm thuế thì dù xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, giá nguyên nhiên vật liệu, nhất là xăng dầu tăng…nhưng tốc độ tăng trưởng của chúng ta cũng không thể dưới ngưỡng 6,5% trong năm nay”.

Cũng tin tưởng vào điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm và mục tiêu đặt ra trong cả năm 2022, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, điều nổi bật là Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại và đảm bảo an toàn cũng như khôi phục lại các hoạt động kinh tế.

Theo ông Doanh, ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bản thân các các doanh Nghiệp Việt Nam rất năng động, vì vậy nên kinh tế của chúng ta được hồi phục một cách nhanh chóng, trong đó nông nghiệp Việt Nam trở thành trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo đời sống của người dân và xuất khẩu nông thủy sản.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, PGS-TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, những tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu có nhiều biến động và tăng cao, kéo theo nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu khác cũng tăng theo, nhưng Việt Nam đã kiểm soát rất tốt lạm phát. Điều này chắc chắn sẽ tạo được niềm tin với người dân và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

“Điểm sáng là vốn đổ vào Việt Nam vẫn tăng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Tuy nhiên, nhằm tiếp tục thu hút nhà đầu tư có chất lượng, chúng ta cần tiếp tục đổi mới thể chế để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển”, ông Điều nói.

Ông Điều dẫn chứng thêm, sự tăng trưởng kinh tế thể hiện rõ ở 6 tháng đầu năm, sau khi chúng ta quyết định mở cửa các dịch vụ một cách đồng bộ từ 1/4. Với đà tăng trưởng như hiện nay, ông Điều dự đoán, nếu không có biến động lớn thì chúng ta có 2 kịch bản là tăng trưởng ở mức từ 7-7,5% và kịch bản thứ hai là từ 7,5-8,4%, tức là tương đối cao trong năm 2022 này.

“Với hai kịch bản cơ bản đó, chúng tôi tin tưởng rằng, từ nay đến cuối năm, kinh tế của Việt Nam rất sáng và đạt được triển vọng mà Quốc hội đặt ra. Thậm chí tôi kỳ vọng vào mức tăng trưởng rất cao, nếu như chúng ta tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hồi phục và tăng trưởng tốt hơn”, ông Điều nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét