Từ lâu, một số cơ quan truyền
thông phương Tây, nhất là các trang tiếng Việt của những “ông lớn” như VOA,
RFA, RFI, BBC… luôn nhân danh tự do, bảo vệ tự do báo chí, tự do ngôn luận để
vi phạm một cách trắng trợn hoặc tinh vi, bóp méo sự thật khiến thông tin bị
sai lệch, gây phương hại đến sự phát triển của quốc gia khác, ảnh hưởng không tốt
đến quan hệ quốc tế…
Trong thời gian gần đây của Đài
châu Á Tự do (RFA), một đài phát thanh tư nhân của Hoa Kỳ, xem họ thông tin gì
về tình hình Việt Nam. Ví như: “Nước cộng sản Lào khủng hoảng, báo chí Việt
tránh đưa tin”, “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: Thay đổi thể chế!”…
Một số tiêu đề bài báo trên một cơ
quan báo chí khác của Mỹ là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ví như: “Đảng Cộng sản
nhắm kỷ luật cựu Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong”, “Xây dựng chủ nghĩa xã hội,
xã hội hóa và ơn… đảng”, “Báo chí cách mạng Việt Nam cần cởi mở hơn”, “Dân mong
nhà nước mau giảm giá xăng, chớ “so sánh” nữa”... Không riêng gì hai cơ quan
báo chí kể trên, một số cơ quan báo chí ở châu Âu cũng xuất bản trang tiếng Việt
với những chủ đích không hề dựa trên nguyên tắc cơ bản nhất của báo chí là sự
thật, nhất là việc tôn trọng sự thật khách quan. Có thể kể đến BBC tiếng Việt
(Anh), RFI tiếng Việt (Pháp). Có lẽ, cũng không cần phải dẫn thêm những ví dụ về
các tiêu đề lệch lạc, không đúng bản chất kiểu này nữa. Bởi chưa cần đọc những
bài báo đó viết về vấn đề gì, tính chính xác đến đâu, nhưng chỉ nhìn riêng các
tiêu đề đã thấy sự quy kết, chụp mũ những vấn đề chính trị quan trọng, cũng như
sự dễ dãi, tùy tiện, “chợ búa” trong cách dùng từ ngữ…
Có một điểm chung nữa hết sức nguy
hiểm của các cơ quan báo chí phương Tây kể trên, đó là sự phiến diện, mất cân bằng,
mất công bằng trong thông tin. Điều này thể hiện thông qua việc họ chỉ nhăm
nhăm vào những thông tin tiêu cực, những hạn chế, khiếm khuyết trong các lĩnh vực
mà đào bới, xoáy sâu vào phản ánh. Họ coi những hiện tượng cá biệt ấy là bản chất,
là sự phổ biến. Họ cố tình quên những thành quả to lớn mà Việt Nam đạt được
trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, nhất là từ khi đổi mới
năm 1986 đến nay. Là một nhà báo, một cơ quan báo chí, lẽ nào họ không biết các
tổ chức quốc tế đánh giá khách quan, chân xác về sự phát triển vượt bậc của Việt
Nam, là mức sống của người dân được nâng lên đáng kể, là các quyền tự do về
ngôn luận, báo chí, tôn giáo, tín ngưỡng, nhân quyền… đều được đề cao, bảo đảm.
Những thông tin quan trọng về
thành tựu của Việt Nam thì họ không bao giờ đưa. Ví dụ, ngày 07/6/2022, Đại hội
đồng Liên hợp quốc đã đồng thuận bầu Việt Nam làm Phó chủ tịch Đại hội đồng
Liên hợp quốc khóa 77 đại diện châu Á-Thái Bình Dương. Trước đó, Việt Nam đã
hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
(các nhiệm kỳ: 2008-2009, 2020-2021), 5 lần được bầu làm thành viên Hội đồng Chấp
hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (các nhiệm kỳ:
1978-1983, 2001-2005, 2009-2013, 2015-2019 và 2021-2025), thành viên Hội đồng
Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội
Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2016-2018)…
Trong hơn hai năm qua, khi đại dịch
Covid-19 hoành hành khiến cả thế giới chao đảo, Việt Nam đã rất thành công
trong phòng, chống đại dịch, sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa mọi hoạt động trở
lại trạng thái bình thường mới. Việt Nam đã “mở cửa bầu trời” quốc nội và quốc
tế, hoạt động kinh tế nói chung, du lịch nói riêng đã tấp nập trở lại với những
mức tăng trưởng đầy khích lệ, hết sức lạc quan. Cuối tháng 6/2022, Ngân hàng
UOB (Singapore) đã công bố Báo cáo tăng trưởng kinh tế và dự báo quý kế tiếp
cho các thị trường, trong đó có Việt Nam. Báo cáo của UOB vẫn giữ nguyên dự báo
tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%, bởi đà tăng trưởng cơ bản của
Việt Nam vẫn giữ nguyên trong quý II/2022…
Trước đó, vào đầu tháng 6/2022,
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi
ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế
(IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin
rằng tiến trình phục hồi kinh tế tại Việt Nam sẽ mạnh lên từ việc thực thi
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ông Francois Painchaud-Trưởng
đại diện IMF tại Việt Nam-cho rằng, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong
năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…
Có lẽ, chỉ cần đưa những dẫn chứng
hết sức cụ thể, khách quan kể trên, theo sự nhìn nhận, đánh giá của thế giới
cũng đủ sức thuyết phục về sự tăng trưởng kinh tế, cũng như uy tín, vị thế của
Việt Nam hiện nay! Xin được nhắc lại lời khẳng định nhiều lần của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị
thế và uy tín như ngày nay”.
Chính vì thế, những kiểu nhân danh
tự do để vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí một cách trắng trợn, tinh vi,
có hệ thống, cần phải bị phê phán thích đáng, bất kể chúng ở đâu, nói về vấn đề
gì đi chăng nữa. Chỉ một lẽ đơn giản, sự thật cần phải được đề cao, bảo đảm và
tôn trọng một cách trọn vẹn !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét