KIÊN QUYẾT BẢO VỆ TÍNH KHOA HỌC, TÍNH CÁCH MẠNG,
TÍNH NHÂN VĂN TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, như một ngọn cờ dẫn
đường, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách đi từ thắng
lợi này đến thắng lợi khác. Tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần
vô giá của Đảng, dân tộc và nhân dân ta.
Vì vậy, nhận thức đúng đắn
những giá trị khoa học, giá trị cách mạng, giá trị nhân văn trong tư tưởng Hồ
Chí Minh chính là chúng ta góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản
Việt Nam. Qua đó bác bỏ, phủ nhận những luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc,
bôi nhọ tư tưởng Hồ Chí Minh.
Kiên quyết bảo vệ tính
khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là
thái độ tôn trọng sự thật lịch sử, bảo vệ chân lý và đạo lý, giữ vững niềm tin
khoa học, ra sức trau dồi đạo đức cách mạng trong sáng và rèn luyện bản lĩnh
chính trị vững vàng, mà còn là mệnh lệnh của cuộc sống, là sự thôi thúc và giục
giã từ trái tim của mỗi chúng ta.
Khoa học, cách mạng, nhân văn là bản chất của tư tưởng Hồ
Chí Minh
Từ Đại hội VII (năm 1991)
của Đảng, cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính thức được Đảng
Cộng sản Việt Nam khẳng định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động
cách mạng của Đảng. Nhận thức mới của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh đã được khẳng
định trong Văn kiện Đại hội XI (năm 2011), đã được ghi vào Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm
2011), trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân trang trọng kỷ niệm Đại lễ nghìn năm
Thăng Long.
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một
hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt
Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều
kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp
của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô
cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp
cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(1).
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn
và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam-Đảng cách mạng chân chính do Người sáng
lập và rèn luyện, dạn dày kinh nghiệm và bản lĩnh trong đấu tranh cách mạng trước
đây, trong đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta kiên định lý tưởng, mục
tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thấm nhuần và thực hành lời dạy của
Người “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nêu cao quyết tâm, tín tâm và đồng tâm (chữ
dùng của Hồ Chí Minh), cố kết sức mạnh “ý Đảng-lòng dân-phép nước” để thực hiện
thắng lợi mục tiêu đổi mới và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội nước ta:
“Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đó cũng là tâm nguyện,
hoài bão và khát vọng phát triển của Người, được Người nêu rõ trong Di chúc
thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước khi trở về với tổ tiên, với
Mác-Lênin ở cõi vĩnh hằng: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng
một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp
phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(2).
Kiên quyết bảo vệ tính khoa học, tính cách mạng, tính
nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ
Chí Minh, như một ngọn cờ dẫn đường, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn
khó khăn, thử thách đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ảnh minh họa/tư liệu
Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn
liền với đạo đức và phong cách của Người trong một hệ thống chỉnh thể, hữu cơ
không thể tách rời. Tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn thấm nhuần
trong toàn bộ hệ thống chỉnh thể ấy, thể hiện nhất quán trong cuộc đời và sự
nghiệp của Hồ Chí Minh, nhất quán giữa tư tưởng và hành động, lời nói đi đôi với
việc làm, suốt đời tranh đấu, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, tự do cho dân tộc
và hạnh phúc của nhân dân.
Khoa học, cách mạng, nhân
văn là bản chất và đặc điểm nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện cả trong
lý luận và hoạt động thực tiễn của Người trên tư cách nhà tư tưởng mác xít sáng
tạo, nhà tổ chức thiên tài của cách mạng Việt Nam.
Giá trị tư tưởng Hồ Chí
Minh qua thử thách của thời gian trở thành những giá trị bền vững, được chứng
nghiệm qua lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta trong
thế kỷ 20 đã qua cũng như hiện nay và mai sau, là kim chỉ nam hành động cho
toàn Đảng, toàn dân trong đổi mới, hội nhập và phát triển.
Giá trị, sức sống và ý
nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ được khẳng định ở trong nước mà còn có sức
lan tỏa rộng lớn trong đời sống chính trị quốc tế, trong văn hóa của thế giới
nhân loại. Việt Nam đến với thế giới và có mặt xứng đáng trong hàng ngũ các dân
tộc tiên phong trên thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân là nhờ
có Hồ Chí Minh-biểu tượng kiệt xuất cho cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì Độc lập-Tự
do-Hạnh phúc của dân tộc và nhân loại.
Bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh là bảo vệ chân lý và đạo lý
Thế giới hiểu Việt Nam, ủng
hộ, giúp đỡ Việt Nam, yêu mến, tin cậy và tự hào về Việt Nam là nhờ có Hồ Chí
Minh-vĩ nhân và danh nhân ở tầm vóc tư tưởng và văn hóa, sứ giả của hòa bình và
hữu nghị, một biểu tượng kiệt xuất của văn hóa hòa bình, văn hóa khoan dung.
Hồ Chí Minh đi vào lịch sử
với dấu ấn không thể phai mờ, là một trong những lãnh tụ hiếm hoi đã trở thành
huyền thoại ngay từ khi còn sống như đánh giá của bạn bè quốc tế.
Khi Người qua đời, 53 năm
về trước (ngày 2-9-1969), hàng nghìn bức điện và thư chia buồn từ khắp nơi trên
thế giới gửi tới Đảng và nhân dân ta, trong đó có Cuba anh em với đánh giá sâu
sắc, thấm thía của đồng chí Fidel Castro Ruz: Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những
người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất
diệt...
“Người sống mãi trong lòng
dân và trong trái tim nhân loại”, đó không chỉ là lời ngợi ca thành kính và
thiêng liêng dành cho Người mà còn là chứng thực của lịch sử, vượt thời gian và
không gian, từ dân tộc tới nhân loại. Đó cũng là sự khẳng định chân giá trị Hồ
Chí Minh.
Kiên quyết bảo vệ tính
khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là
thái độ tôn trọng sự thật lịch sử, bảo vệ chân lý và đạo lý, giữ vững niềm tin
khoa học, ra sức trau dồi đạo đức cách mạng trong sáng và rèn luyện bản lĩnh
chính trị vững vàng mà Người là một tấm gương cao cả để muôn đời noi theo mà
còn là mệnh lệnh của cuộc sống, thôi thúc và giục giã tự trái tim của mỗi người
chúng ta.
Cuộc sống mách bảo chúng
ta, đó là điều cần thiết để phê phán và bác bỏ mọi sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí
Minh, thậm chí xúc phạm cả đời tư và phẩm hạnh của Người từ những kẻ chống đối,
những thế lực phản động với dã tâm thâm độc, bất minh, bất chính.
Mọi sự xúc phạm Hồ Chí
Minh là xúc phạm tới dân tộc, nhân dân và Đảng ta, tới lương tâm, lương tri của
cả loài người tiến bộ đã từng tôn vinh những cống hiến vô giá của Người đối với
lịch sử. Thực tiễn là tiêu chuẩn cao nhất, thước đo khách quan nhất của chân
lý.
Thời gian là sự kiểm nghiệm,
sự sàng lọc khách quan nhất, chân thực nhất giúp cho sự phân biệt tốt xấu, đúng
sai, thật giả. Sự xuyên tạc thâm độc, thậm chí bỉ ổi của các thế lực thù địch,
phản động, kể cả những kẻ phản bội, tự bán rẻ nhân cách của mình, tự tách mình
ra khỏi cộng đồng nhân dân và dân tộc nhằm vào Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người
không thể che lấp sự thật, không thể lung lạc được niềm tin và tình cảm của
chúng ta đối với Hồ Chí Minh.
Đó là niềm tin khoa học bắt
nguồn từ giác ngộ chân lý, là tình cảm bền chặt đã trở thành máu thịt làm nên sự
sống, trong từng nhịp đập của trái tim, của tâm hồn mỗi người chúng ta.
Sinh thời, Thủ tướng Phạm
Văn Đồng đã nói: “Đời Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Nó phản ánh lịch sử đấu
tranh cách mạng của nhân dân ta. Nó phản ánh cả một thời đại lịch sử đấu tranh
cách mạng của nước ta và của thế giới”(3)...
Người học trò xuất sắc của
Hồ Chí Minh, người đã sống, làm việc, chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh
trong nhiều chục năm, người thấu hiểu và thấu cảm Hồ Chí Minh đã nói hộ lòng ta
về niềm tin và tình cảm đối với Người...
Nguồn: Quân đội nhân dân,
bản điện tử, Thứ năm, 19/05/2022
GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO,
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
(1) Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), CTQG,
H.2011, tr.32.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập,
CTQG, H.2011, tập 15, tr.624.
(3) Phạm Văn Đồng, Hồ Chí
Minh, Tinh hoa và khí phách của dân tộc, CTQG, H.2012, tr.89.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét