ĐẤU
TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CƠ HỘI, XÉT LẠI - VẤN ĐỀ
SỐNG
CÒN CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC
Để tồn tại, phát
triển và thực sự có ảnh hưởng tích cực trong phong trào công nhân, là lý luận
khoa học - cách mạng, kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân,
chủ nghĩa xã hội khoa học nhất định phải kinh qua chiến đấu chống lại các trào
lưu tư tưởng tư sản, phản động, cơ hội, xét lại dưới mọi hình thức. Đó là vấn
đề có tính quy luật trong quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã
hội khoa học. V.I.Lênin từng chỉ ra: không có gì làm lạ nếu trên con đường phát
triển của chủ nghĩa Mác mà không phải kinh qua chiến đấu; nhưng càng kinh qua
chiến đấu và chiến thắng kẻ thù tư tưởng của mình thì chủ nghĩa Mác càng được
khẳng định, củng cố và phát triển, càng có sức sống vươn lên.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét
lại là cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận của những người cộng sản chân chính
nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và phản bác những quan điểm, tư tưởng sai
trái, vạch rõ nguồn gốc, bản chất phản động, ảnh hưởng tác hại của chủ nghĩa cơ
hội, xét lại, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân.
Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, bởi chủ nghĩa cơ hội, xét lại rất nguy
hiểm, nó là những trào lưu tư tưởng chính trị đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin
nhưng nằm ngay trong phong trào công nhân, núp dưới chiêu bài chủ nghĩa Mác để
chống lại chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân, những lúc phong trào công nhân
gặp khó khăn, thách thức thì chủ nghĩa cơ hội, xét lại càng trỗi dậy chống phá
ngay từ bên trong, sẵn sàng hy sinh lợi ích của giai cấp công nhân, tiếp tay
cho kẻ thù giai cấp.
Thực chất, chủ
nghĩa cơ hội là sự phản bội sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân, từ bỏ
phương pháp đấu tranh cách mạng và mục tiêu cách mạng; hy sinh lợi ích của giai
cấp công nhân, phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản; hợp tác với giai cấp tư sản
chống lại giai cấp công nhân và đảng cộng sản, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin.
Chủ nghĩa cơ hội thường giấu mặt, không thể hiện rõ lập trường chính trị theo
nguyên tắc mácxít. Những khi buộc phải bộc lộ quan điểm của mình thì chủ nghĩa
cơ hội thường biểu hiện thành hai thái cực trái ngược nhau, đó là: chủ nghĩa cơ
hội hữu khuynh và chủ nghĩa cơ hội tả khuynh.
Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh là chủ nghĩa
cơ hội kết hợp lý thuyết cải lương với phương châm sách lược thỏa hiệp, phủ
nhận các phương pháp đấu tranh bằng bạo lực cách mạng, thỏa hiệp với giai cấp
tư sản và xét cho đến cùng trên thực tế là từ bỏ cuộc đấu tranh giai cấp. Đây
là một khuynh hướng mà toàn bộ những quan điểm lý luận và phương châm sách lược
đều dựa trên cơ sở sùng bái phong trào tự phát của công nhân, chủ trương cải
lương nhờ sự "biến đổi" dần dần chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã
hội, từ bỏ cách mạng xã hội chủ nghĩa và phủ nhận việc giai cấp công nhân giành
chính quyền bằng bạo lực cách mạng. Chủ nghĩa cơ hội tả khuynh là chủ nghĩa cơ
hội mà bản chất được che đậy bởi một sự hỗn hợp lý thuyết "cách mạng"
cực đoan với phương châm sách lược phiêu lưu, chủ quan, manh động.
Cả hai khuynh hướng này đều là sự xa rời
các nguyên tắc mácxít chân chính. Trong thực tiễn, hai khuynh hướng này không
bài trừ lẫn nhau mà sớm hay muộn họ cũng hợp nhất lại dưới ngọn cờ chủ nghĩa
xét lại, chống cộng. Đó là sự tuyên chiến công khai với chủ nghĩa Mác - Lênin, là
công cụ của chủ nghĩa đế quốc trong cuộc đấu tranh nhằm thủ tiêu các đảng cộng
sản và công nhân. Do vậy, từ chủ nghĩa cơ hội đến chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa
chống cộng không có ranh giới rõ ràng và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội thắng
lợi tức là gạt bỏ được người bạn đồng hành, một đồng minh chiến lược của giai
cấp tư sản, là cơ sở, điều kiện để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa
học.
Lịch sử đã chứng
minh bản thân chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời cũng là sản phẩm của cuộc đấu
tranh quyết liệt của C.Mác và Ph.Ăngghen chống các trào lưu tư tưởng tư sản,
tiểu tư sản ảnh hưởng trong phong trào công nhân đầu thế kỷ XIX. Đến những năm
giữa thế kỷ XIX, cuộc đấu tranh này cũng không kém phần quyết liệt, nhất là
chống lại học thuyết xã hội chủ nghĩa tiểu tư sản của Pruđông, khắc phục ảnh
hưởng của chủ nghĩa cơ hội Latxan trong Liên minh công nhân Đức. Phái Látxan
nêu lên cái gọi là “luật sắt về tiền lương” để phủ nhận đấu tranh bãi công và
đấu tranh kinh tế, phủ nhận tổ chức công đoàn. Mọi hoạt động của họ đều thu hẹp
trong phạm vi giành quyền phổ thông đầu phiếu, lập hội sản xuất với sự giúp đỡ
của Nhà nước phản động Phổ. Họ phủ nhận khả năng liên minh công nông, coi các
giai cấp khác ngoài công nhân đều là phản động, nhưng lại chủ trương liên minh
với tư sản và thực tế họ đã cấu kết với kẻ thù, phản bội cuộc đấu tranh của
quần chúng. Trong khi phê phán những quan điểm cơ hội của chủ nghĩa Pruđông,
Latxan, C.Mác và Ph.Ănghen đã phát triển toàn diện chủ nghĩa xã hội khoa học,
tạo tiền đề cho sự phát triển của phong trào công nhân với sự ra đời hàng loạt
các đảng dân chủ xã hội và Quốc tế II.
Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tình
hình có những diễn biến mới, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ
nghĩa với đầy đủ bản chất hiếu chiến, xâm lược, phản động toàn diện của chúng,
trong khi nguy cơ về cuộc chiến tranh thế giới do chủ nghĩa đế quốc gây ra và
những tiền đề của cách mạng xã hội chủ nghĩa đang là vấn đề trực tiếp thì Quốc
tế II bị chủ nghĩa cơ hội lũng đoạn, dẫn đến phá sản, phân liệt. Cuộc đấu tranh
chống chủ nghĩa cơ hội trong Quốc tế II với hai đại biểu tiêu biểu của nó là
Becstanh và Cauxky đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử đấu tranh bảo
vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học gắn liền với công lao to lớn của
V.I.Lênin.
V.I.Lênin đã vạch trần mục đích xét lại
chủ nghĩa Mác của Bécstanh, chứng minh tính vô căn cứ khi ông ta đưa ra quan
điểm bảo vệ chủ nghĩa tư bản và cho rằng có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng
con đường hòa bình, phủ nhận vai trò của giai cấp vô sản, đảng vô sản và cuộc
đấu tranh giai cấp trong lòng xã hội tư bản; đấu tranh vạch trần lý luận cơ hội
của Bécstanh về vấn đề chuyên chính vô sản, xem chuyên chính vô sản - một hình
thức chính quyền của giai cấp vô sản, là sự “thụt lùi về chính trị” và cần phải
xoá bỏ.
V.I.Lênin cũng đã
phê phán biểu hiện giấu mặt của phái giữa Cauxky: ca ngợi nền dân chủ tư sản,
đề cao cái gọi là "dân chủ thuần tuý" nhằm tô vẽ ưu điểm của nền dân
chủ tư sản, phục tùng nền dân chủ ấy và coi đó là nền dân chủ cho mọi giai cấp;
nền dân chủ đó sẽ tồn tại vĩnh viễn và ngày càng hoàn thiện. V.I.Lênin vạch
trần lý luận chủ nghĩa "siêu đế quốc" của Cauxky khi ông ta cho rằng
chủ nghĩa đế quốc có khả năng phát triển hòa bình, có thể xóa bỏ khủng hoảng và
sự sản xuất vô chính phủ vì các tập đoàn đế quốc có thể thỏa hiệp với nhau để
ổn định thế giới. V.I.Lênin phê phán con đường giành chính quyền và sự phủ nhận
chuyên chính vô sản của Cauxky; vạch trần lập trường xã hội - sô vanh được che
đậy bằng những lời nói suông về vấn đề chiến tranh và chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Vạch trần bản chất
của chủ nghĩa cơ hội, xét lại phía sau khẩu hiệu “Bảo vệ Tổ quốc” là thành công
lớn của V.I.Lênin, góp phần làm sáng tỏ quan điểm của C.Mác, Ph.Ănghen về vấn
đề này. V.I.Lênin phản đối khẩu hiệu “Bảo vệ Tổ quốc” của giai cấp tư sản, Ông
cho rằng giai cấp công nhân lúc này chưa có tổ quốc thực sự của mình, cái tổ
quốc trong khẩu hiệu trên là tổ quốc của giai cấp tư sản. Ông cũng đưa ra khẩu
hiệu “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”, đòi hỏi giai cấp
công nhân mỗi nước phải tiến hành cách mạng lật đổ giai cấp tư sản, giành chính
quyền, thiết lập chuyên chính vô sản rồi dùng chính quyền đó lãnh đạo nhân dân
bảo vệ tổ quốc của mình.
Trong khi đấu tranh chống chủ nghĩa cơ
hội, xét lại và ảnh hưởng của nó trong phong trào công nhân cuối thế kỷ XIX,
đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin đã vạch ra nhiều vấn đề chiến lược, sách lược của cách
mạng, phát triển toàn diện những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa
học, đồng thời trực tiếp lãnh đạo thành công Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng
Mười Nga vĩ đại, chứng minh trên thực tế sức sống của chủ nghĩa xã hội khoa học
thông qua đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng cơ hội, xét lại.
Những năm 1945 -
1960, chủ nghĩa xã hội hiện thực phát triển thành hệ thống, cán cân so sánh lực
lượng trên thế giới ở thế cân bằng tương đối, các phong trào đấu tranh vì hòa
bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội phát triển mạnh. Lúc này chủ
nghĩa cơ hội, xét lại tạm thời lắng xuống, tuy vậy, những quan điểm, tư tưởng
đòi xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn xuất hiện ở một số nơi.
Khi chủ nghĩa xã hội hiện thực bước vào
thời kỳ khủng hoảng, thoái trào, chủ nghĩa cơ hội, xét lại trỗi dậy như nấm mọc
sau mưa. Họ ra sức xuyên tạc, phủ định những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội
khoa học, xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng
sản, phủ nhận mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội; hết lời ca tụng
chủ nghĩa tư bản, đưa ra cái gọi là "con đường thứ ba" - chủ nghĩa xã
hội dân chủ, họ đề cao những giá trị dân chủ tư sản… Cuộc đấu tranh chống chủ
nghĩa cơ hội - xét lại với những biểu hiện mới để kiên địch mục tiêu, con đường
tiến lên chủ nghĩa xã hội trở nên gay go, phức tạp chưa từng có trong lịch sử.
Các đảng cộng sản, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại tiếp tục đẩy mạnh đấu
tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận, phê phán, vạch trần bản chất, thủ đoạn
của chủ nghĩa cơ hội, xét lại, tiếp tục giữ vững thành quả cách mạng xã hội chủ
nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực.
Giá trị thực tiễn trong việc chống lại
các khuynh hướng cơ hội, xét lại trong phong
trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay là rất lớn. Nó là cơ sở để chúng ta
tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Rõ ràng, chủ
nghĩa Mác - Lênin vẫn có giá trị thực tiễn hết sức lớn lao, chủ nghĩa cộng sản
vẫn là cái đích đi đến của nhân loại. Các Đảng cộng sản kiên định lấy chủ nghĩa
Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong đó có
Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin trước sự tấn công
của chủ nghĩa cơ hội, xét lại từ nhiều phía.
Trong tiến trình
cách mạng Việt Nam, những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội có khác với một số
nước khác. Phong trào cách mạng Việt Nam chưa có thời kỳ nào xuất hiện chủ
nghĩa cơ hội với tư cách là một lực lượng, một phong trào có khả năng ảnh hưởng
đến sự phát triển của cách mạng. Nhưng biểu hiện về tư tưởng chủ nghĩa cơ hội
dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh tư tưởng cơ hội với những quan điểm
chính trị sai trái, phản động, ta còn thấy một sắc thái nữa về cơ hội chính
trị. Đó là một số người không có quan điểm về chính trị rõ ràng, phai nhạt lý
tưởng cách mạng, ngả nghiêng, do dự, mơ hồ, không vững vàng trên những vấn đề
về quan điểm, đường lối của Đảng. Họ không hẳn chống lại nhưng thiếu niềm tin
vào chủ nghĩa xã hội khoa học, hoài nghi vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu không
được giáo dục nâng cao trình độ nhận thức lý luận chính trị thì họ dễ có nguy
cơ lầm đường, lạc lối, bị các thế lực phản động lung lạc, mua chuộc.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, một bộ
phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản
và xã hội - dân chủ, họ sùng bái mô hình kinh tế thị trường và chế độ đa đảng,
tuyệt đối hóa cái gọi là "xã hội dân sự", tin và nghe lời rao giảng
của các học giả tư sản hơn là đi sâu vào nghiên cứu những điều kiện cụ thể của
Việt Nam, tổng kết kinh nghiệm đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những lúc tình hình
thế giới, khu vực có diễn biến phức tạp, có cả những yếu tố bất trắc, khó lường,
họ đã ngả nghiêng dao động trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội. Từ lâu Đảng ta
đã nhận ra nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới đất
nước. Do đó, từ Cương lĩnh đến các nghị quyết của Đảng đều đề cập đến vấn đề
giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội không phải hoàn toàn bằng phẳng. Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và
chủ nghĩa tư bản vẫn tiếp tục và ngày càng gay gắt dưới nhiều hình thức khác
nhau. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội - xét lại vẫn là một
thách thức lớn đối với việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học cũng
như trong thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét
lại là một trong những vấn đề có tính quy luật đối với sự phát triển của chủ
nghĩa xã hội khoa học và thực tiễn phong trào công nhân. Cuộc đấu tranh này bắt
đầu từ khi chủ nghĩa xã hội khoa học mới ra đời, diễn ra hết sức gay gắt trên
diễn đàn chính trị của Quốc tế II cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và tiếp tục
tồn tại cho đến ngày nay dưới nhiều hình thức khác nhau, lúc ngấm ngầm, lúc
công khai.
Việc các đảng cộng sản và công nhân quốc tế vận dụng sáng tạo những quan điểm của các nhà kinh điển trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội - xét lại và ảnh hưởng của nó trong các đảng cộng sản là hết sức cần thiết, góp phần vào sự phát triển đúng hướng và củng cố sức mạnh của các đảng cộng sản trên thế giới, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trước sự tấn công của chủ nghĩa cơ hội, xét lại và âm mưu chống phá của các thế lực phản động quốc tế. Đây chính là nhiệm vụ cấp bách của phong trào công nhân quốc tế nói chung và các đảng cộng sản cầm quyền cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng; cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta./.
Trọng Đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét