Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự
thể hiện tính đúng đắn, nhất quán về chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước
ta.
Có
quan điểm cho rằng Việt Nam rút kinh nghiệm từ xung đột Nga - Ukraina, tham gia
liên minh quân sự để tăng cường sức mạnh bảo vệ đất nước. Quan
điểm đó hoàn toàn sai với đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Đối với Việt Nam, kể từ khi giành được độc lập, thực hiện
công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, nước ta đã đạt được thành tựu
to lớn, sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên, quan hệ đối ngoại ngày
càng mở rộng và đi vào chiều sâu, vị thế, uy tín trên trường quốc tế được khẳng
định, nâng cao,... tạo tiền đề quan trọng cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Để tiếp tục khẳng định quan điểm, đường lối, chính sách quốc phòng nhất
quán, góp phần tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các
quốc gia trên thế giới, năm 2019, Bộ Quốc phòng đã công bố Sách trắng Quốc
phòng Việt Nam; trong đó, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương “không tham gia liên
minh quân sự”. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại và bản
chất, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc; điều đó được thể hiện ở một
số quan điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và
tự vệ. Hiện nay, tình hình thế giới, khu
vực diễn biến phức tạp, khó dự báo, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá
cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực với âm mưu, thủ đoạn rất tinh vi, xảo
quyệt. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước ta đã, đang tiến hành nhiều biện pháp
để tạo lập, phát huy cao nhất mọi nguồn lực của đất nước; tận dụng có hiệu quả
môi trường quốc tế thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với
quan điểm kiên trì, nhất quán thực hiện chính sách quốc phòng là hòa bình và tự
vệ; không xâm lược hoặc đe dọa xâm lược bất kỳ quốc gia nào, không sử dụng vũ
lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, mọi hoạt động xây dựng,
củng cố quốc phòng, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quân sự, hiện đại hóa quân
đội đều nhằm duy trì sức mạnh cần thiết, đủ sức để tự vệ, giữ vững hòa bình, ổn
định đất nước, ngoài ra không có mục đích nào khác.
Thứ hai, tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác quốc phòng vì hòa bình
và phát triển. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta
thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói
riêng độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Với quan
điểm đó, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách
nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, tăng
cường đối ngoại quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc
chắn, linh hoạt, hiệu quả” trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Nhờ đó,
vị thế nước ta trên trường quốc tế được tăng cường; việc kết hợp sức mạnh dân
tộc với sức mạnh thời đại được phát huy; lòng tin chiến lược, môi trường hòa
bình không ngừng tạo lập, củng cố, tạo điều kiện thuận lợi bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định để phát triển đất nước đúng như Sách trắng Quốc phòng Việt Nam
2019 đã khẳng định: “đẩy mạnh hợp tác với các nước trong và ngoài khu
vực nhằm đối phó với các thách thức an ninh chung” Với đường lối đúng đắn
đó, đến cuối năm 2019, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với trên 80
nước và tổ chức quốc tế; đặt Văn phòng Tùy viên quốc phòng tại Liên hợp quốc và
37 nước; có 49 nước đặt Văn phòng Tùy viên quốc phòng, quân sự tại Việt Nam.
Việt Nam tích cực tham gia vào các vấn đề chung của thế giới, như: đăng cai tổ
chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước
ASEAN, tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi
và Nam Xu-đăng,… được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thứ ba, thực hiện nhất quán đường lối, chính sách quốc phòng độc
lập, tự chủ, tự cường. Theo
Luật Quốc phòng năm 2018, tiềm lực quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên
nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính mang tính chất toàn
dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường và từng bước hiện đại. Trong đó, sự
lãnh đạo của Đảng bằng đường lối chính trị, quân sự đúng đắn; sự quản lý, điều
hành tập trung, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự vững mạnh
của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định
thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng. Việt Nam chủ trương xây dựng sức mạnh quốc
phòng tổng hợp bằng chính nguồn lực của đất nước và trí tuệ con người Việt Nam,
không lệ thuộc vào bên ngoài. Việc củng cố, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ
trọng yếu, thường xuyên nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của
cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Với
đường lối quốc phòng toàn dân, công tác quốc phòng đều hướng đến lợi ích của
quốc gia, dân tộc và quyền lợi của nhân dân, được đông đảo nhân dân tham gia,
tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ bạo
loạn lật đổ, xung đột vũ trang và chiến tranh xâm lược. Đồng thời, chuẩn bị chu
đáo về mọi mặt, sẵn sàng chuyển tiềm lực quốc phòng thành thực lực quốc phòng,
xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng và đánh thắng mọi hình thái
chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Những nhân tố trên đã khẳng định, chính sách quốc phòng
của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, bảo đảm vừa giữ vững độc
lập, tự chủ, tự cường, vừa bảo đảm được thế “cân bằng động” trong quan hệ quốc
tế, không để rơi vào vòng xoáy của sự cạnh tranh, giành ảnh hưởng giữa các nước
lớn, nhất là không để bị rơi vào thế phải đi với nước này để chống nước khác,
tác động tiêu cực đến các mối quan hệ và hội nhập quốc tế; đồng thời, tranh thủ
tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét