Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

KHÔNG THỂ ĐỒNG NHẤT KHÔNG LIÊN MINH QUÂN SỰ LÀ BỊ CÔ LẬP, “TRÓI BUỘC”

 

Trong chiến lược chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, các thế lực thù  địch đã sử dụng nhiều luận điệu nhằm xuyên tạc đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta. Chúng nêu ra “kiến nghị” rằng: “Việt Nam không liên minh quân sự là đang tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, vì vậy cần phải thay đổi”. Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm và thâm độc, cố tình đồng nhất liên minh quân sự và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, từ đó phủ nhận đường lối đối ngoại độc lâp, tự chủ, hợp tác quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta.

Đầu tiên, chúng ta cần phải thống nhất nhận thức rằng, liên minh quân sự hoàn toàn không đồng nhất với quan hệ hợp tác quốc tế về quân sự, quốc phòng – an ninh. Khi tham gia liên minh, các nước sẽ nằm trong một khối quân sự chung, với những mục tiêu cụ thể, dùng các biện pháp quân sự để tranh giành lợi ích, xung đột chống đối thủ chung. Các nước trong liên minh sẽ phải đặt dưới sự chỉ huy, lãnh đạo của một quốc gia, thường là nước lớn và tuân thủ các nguyên tắc của liên minh, cho dù không hoàn toàn phù hợp với mình. Và chính điều này đã tạo ra sự ràng buộc giữa các nước, làm cho mỗi nước không còn độc lập, tự chủ về những vấn đề của đất nước mình.

Trong khi đó, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc là thiêng liêng và tối cao không thể phó thác hoàn toàn cho bên ngoài, dù đó là một đồng minh cường quốc. Chúng ta không phủ nhận vai trò, tác dụng tích cực của liên minh trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Tuy nhiên, trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chúng ta chưa bao giờ liên minh quân sự với cường quốc nào. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước bạn bè, nhưng chúng ta không tham gia khối liên minh quân sự nào của Liên Xô và Đông Âu. Chúng ta tham gia thành lập khối liên minh Việt Nam - Lào - Campuchia (13-3-1951) nhằm tăng cường khối đại đoàn kết ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và tay sai, giành độc lập hoàn toàn, xây dựng đất nước, làm cho nhân dân ba nước được tự do, hạnh phúc và tiến bộ. Đây là liên minh mang tính tự vệ, chính nghĩa trong vai trò như một trong những phương thức bảo vệ Tổ quốc vào thời điểm lúc đó. Xuyên suốt lịch sử quân sự Việt Nam, cho đến nay, không có quan điểm lý luận liên minh quân sự để chống lại nước khác, hoặc như là một giải pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Ngay trong điều kiện hai cuộc kháng chiến cực kỳ tàn khốc, ác liệt, gian khổ và kéo dài, Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ không tham gia liên minh quân sự với cường quốc.

Thứ hai, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, trong đó có chủ trương không tham gia liên minh quân sự nhưng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh với tất cả các nước trong khu vực, trao đổi thông tin tình báo, hợp tác tuần tra chung biên giới trên bộ, trên biển (Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Thái Lan, Việt Nam - Trung Quốc...); hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia, mua bán người và ma túy... Hiện nay, Việt Nam đang tham gia vào các sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh nội khối như hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN; sử dụng nguồn lực và khả năng quân đội các nước khu vực trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; xác định các biện pháp khả thi cũng như cơ chế tăng cường hợp tác giữa các tổ chức quốc phòng ASEAN. Trong khuôn khổ hợp tác, hằng năm, Việt Nam tham gia đầy đủ các hội nghị như: Hội nghị người đứng đầu quân đội ASEAN (ACDFIM), Hội nghị Tư lệnh Lục quân ASEAN (ACAMM), Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN (ANCM) và Hội nghị Tư lệnh Không quân ASEAN (AACC), Hội nghị không chính thức những người đứng đầu tình báo quốc phòng các nước ASEAN (AMIIM)... 

Hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương của Việt Nam đã đóng góp vào giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, bảo vệ các lợi ích quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; góp phần củng cố và duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, bảo vệ các lợi ích quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Quân đội ta.

Như vậy, trong điều kiện hòa bình hiện nay, “không liên minh quân sự”,  “không phải là “tự trói buộc mình”, mà nó giúp chúng ta độc lập, tự chủ, không bị chi phối, áp đặt bởi yếu tố bên ngoài, tức là không bị “người khác trói mình”. Đồng thời, đây là cơ sở để Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới.

Nguyễn Trung Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét