HỌC BÁC HỒ
PHONG CÁCH NÊU GƯƠNG
Kiều Nguyễn
Nêu gương vừa là trách nhiệm, cũng là bổn phận của cán bộ, đảng
viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt,
gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nội dung nêu gương và gương mẫu trong lời nói-việc làm cũng là một
trong 5 đặc trưng cơ bản phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, được khái quát trong Nghị quyết
số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ
đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm
gương sáng ngời, mẫu mực về sự nêu gương. Tấm gương đạo đức của Người đã đạt tới
sự nhất quán, chặt chẽ giữa lời nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu
gương đạo đức, giữa việc công và đời tư; hướng mọi người đến với những giá trị
chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Khi mở đầu bài viết: “Nâng cao đạo đức cách mạng,
quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Bác khẳng định: “Đảng viên đi trước, làng nước
theo sau”. Đây vừa là lời nhắc nhở, vừa là sự chỉ bảo ân cần của Người đối với
cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự nêu gương trong công việc,
trong đạo đức, lối sống, tác phong hằng ngày.
Nêu gương không chỉ hô hào khẩu hiệu, không chỉ nói suông mà phải
luôn thực hiện “nói đi đôi với làm”. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác là
sự thống nhất trọn vẹn giữa nhận thức và hành động, giữa lời nói và việc làm.
Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng
bào cả nước cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa, đem gạo đó để cứu
dân nghèo và Người nêu gương “tôi xin thực hành trước” rất nghiêm túc... Những
hành động, việc làm của Bác thật bình dị ấm áp, nhưng lại có ý nghĩa giáo dục
sâu sắc, có sức thuyết phục cao về nêu gương cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học
tập, noi theo.
Thực tiễn qua các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, đã có nhiều tấm gương cán
bộ, chiến sĩ quân đội học tập phong cách nêu gương của Người, chấp nhận hy
sinh, gian khổ để mang lại bình yên cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Trong
những năm qua, học tập và làm theo phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí
Minh ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có nhiều sự chuyển biến rõ nét. Rất
nhiều cán bộ, đảng viên là những tấm gương điển hình trong nhiều lĩnh vực công
tác; phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thực hiện nhiều nhiệm vụ khó khăn,
gian khổ trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng như: Tìm kiếm-cứu hộ cứu nạn,
gìn giữ hòa bình, phòng chống dịch Covid-19... được biểu dương, tôn vinh là điển
hình tiên tiến. Họ chính là những tấm gương sống tiêu biểu của chủ nghĩa anh
hùng cách mạng; tinh thần và ý chí của họ như hoa mùa xuân, làm cho cái thiện,
cái đẹp được gieo mầm, nảy nở, lấn át, đẩy lùi cái ác, cái xấu xa. Học tập và
làm theo phong cách nêu gương của Bác Hồ đã thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên khắc
phục mọi khó khăn trong công tác, vươn lên trở thành tấm gương sáng về trí tuệ,
đạo đức, bản lĩnh và gương mẫu trong từng lời nói và hành động.
Thế nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế rằng, việc
thực hiện nêu gương ở một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa phát huy được hiệu quả; vẫn
còn một số cán bộ, đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm
việc, áp đặt cá nhân, dẫn đến mất dân chủ trong tập thể. Đáng nói hơn, vẫn còn
số ít cán bộ thiếu gương mẫu trong lời nói và việc làm, đề cao lối sống vật chất,
sùng bái đồng tiền, quên tình nghĩa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quân
đội; trực tiếp hoặc tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, giờ phải trả giá đắt cho
những việc làm trái quy định pháp luật của mình.
Để học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt hiệu
quả thiết thực, mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn quân cần gương mẫu nêu gương
trước tập thể, “nói đi đôi với làm” theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà
nước, theo đúng chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng, xây dựng uy tín
trong tập thể quân nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy hiệu quả công việc làm
thước đo năng lực, phẩm chất, trình độ. Thường xuyên sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ,
nói ít làm nhiều và đạt hiệu quả cao trong công việc, đó chính là sứ mệnh lịch
sử thiêng liêng cao cả của mỗi người đảng viên chân chính. Để cán bộ, đảng viên
thực hành nêu gương, nhất là cán bộ chủ trì ở các cơ quan, đơn vị, mỗi đồng chí
phải thể hiện bằng việc hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao; phải
gương mẫu trong lời nói, hành động; giữ nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước,
điều lệnh, điều lệ của quân đội. Phải thương yêu đồng chí, kính trọng nhân dân,
sống có nghĩa tình; tuyệt đối không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, sa vào chủ
nghĩa cá nhân...
Có thể khẳng định, thực hiện phong cách nêu gương, đó chính là mệnh
lệnh không lời đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ,
phong cách nêu gương sẽ mang lại hiệu quả khi và chỉ khi việc nêu gương của người
đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực chất, “nói
đi đôi với làm”; đây chính là động lực to lớn để lan tỏa văn hóa nêu gương sâu
rộng trong cơ quan, đơn vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét