DÂN CHỦ LÀ GÌ?
Phạm Xuân
Dân chủ, theo nghĩa trực tiếp của từ này, là sự làm chủ
vận mệnh của mình, làm chủ xã hội của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực và
trong mọi hoạt động của xã hội; khác với sự độc tài, chuyên chế, sự độc tôn làm
chủ xã hội của một người (vua, chúa) hay của một nhóm người (qúy tộc, tư sản).
Dân chủ được hiểu theo các nghĩa khác:
Trước hết, theo nghĩa chính
trị xã hội, dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa
trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận và thực hiện
nguyên tắc bình đẳng và tự do của mọi công dân trong xã hội. Theo đó, dân chủ
là một khái niệm dùng để chỉ một chế độ xã hội mà ở đó nhân dân là chủ thể của
quyền lực.
Thứ hai, thuật ngữ dân chủ
được dùng để chỉ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của một loại tổ chức chính trị
hay tổ chức xã hội cụ thể, trong đó xác định và thực hiện quyền bình đẳng tham
gia của mọi thành viên.
Thứ ba, dân chủ là giá trị xã hội, là khát vọng của nhân loại.
Trình độ dân chủ phát triển cùng với tiến bộ xã hội và là một tiêu chí đánh giá
tiến bộ xã hội.
Từ “dân chủ” (democracy) bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “demo”
(nhân dân) và “kratia” (cai trị hoặc uy quyền), nghĩa là sự “cai trị của nhân
dân”. Đầu tiên, sử gia Hy Lạp Herodotus dùng khái niệm “dân chủ” để khái quát
một thực tế trong các đô thị cổ Hy Lạp, mọi công việc đều do đại hội công dân
bàn bạc và biểu quyết quyết định; khác hẳn với sự thống trị độc tài của vua
chúa hoặc thiểu số trùm quý tộc. “Dân chủ” là một chế độ nhà nước, một thể chế
chính trị, trong đó toàn dân có quyền tham gia quyết định công việc chung. Đặc
điểm lớn nhất của chế độ này là các quyết sách chính trị đều dựa vào ý kiến
công dân, họ có quyền phủ quyết chính sách chung và bãi miễn người lãnh đạo của
họ.
Dân chủ có bước phát triển mới sau thế kỷ XVIII, khi có
sự nổi lên của xã hội thị dân, sự suy vong của “chính trị thần quyền” và “chính
trị vương quyền”. Về sau, sự phát triển của kinh tế thị trường, sự phổ cập giáo
dục, sự phai nhạt của quan niệm đẳng cấp xã hội và mở rộng quyền bầu cử của
công dân,… đã đưa nội dung mới vào lý thuyết và thực tiễn của dân chủ, từ đó
chế độ dân chủ được cải tạo căn bản và có tính hiện đại.
Như vậy, dân chủ có nghĩa là quyền
lực thuộc về nhân dân; là một khái niệm để chỉ một chế độ xã hội mà ở đó nhân
dân là chủ thể của quyền lực. Dân chủ được thực hiện theo hai hình thức: dân
chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Dân chủ luôn gắn bó chặt chẽ với quyền sống của con
người, là nhu cầu không thể thiếu trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Dân
chủ không phải là một hiện tượng xã hội tự phát, nó nảy sinh và phát triển
trong tiến trình lịch sử nhân loại, trong quá trình đấu tranh giai cấp, trong
mối quan hệ đối lập với áp bức, chuyên chế, với mọi hiện tượng độc tài, độc
đoán, chuyên quyền. Từ khi xuất hiện giai
cấp và nhà nước, dân chủ luôn gắn liền với chính trị và trở thành hiện thực
chính trị. Trong xã hội phân chia thành giai cấp và tổ chức thành nhà nước thì
mọi cuộc đấu tranh cho dân chủ đều bị chi phối bởi quyền lực và lợi ích giữa
các giai cấp, bởi địa vị thực tế của giai cấp đó trong chính quyền nhà nước.
Đây là thiết chế chính trị chủ yếu quy định việc giải quyết vấn đề dân chủ.
Là một hình thái của nhà nước và là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của
nhà nước, dân chủ xuất hiện và tồn tại cùng với sự xuất hiện và phát triển của
nhà nước, nên khi giai cấp và nhà nước tiêu vong thì dân chủ với tư cách là một
thành tố của chính thể cũng sẽ không còn.
Dân chủ gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát
triển của lịch sử qua các thời đại, các chế độ xã hội khác nhau. Xã hội muốn
đạt được sự tiến bộ và phát triển cần phải có dân chủ, thông qua dân chủ, xem
dân chủ là động lực và là một tiêu chí đánh giá. Mặt khác, mỗi bước tiến và mỗi
trình độ phát triển của dân chủ trong lịch sử nhân loại là kết quả được tạo ra
từ hoạt động thực tiễn của con người trong những điều kiện xác định về kinh tế,
chính trị, văn hóa, xã hội cùng với những hình thức, phương pháp tổ chức quản
lý xã hội tương ứng với những điều kiện đó.
Ở
nước ta, dân chủ thực sự của đại đa số những người lao động chỉ mới có được khi
dân tộc ta giành được độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, thực hiện “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[1].
Trên thực tế, việc xây dựng và thực thi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều
kiện xuất phát điểm kinh tế thấp, lại chịu hậu quả chiến tranh kéo dài, là một
công việc rất khó khăn. Hơn nữa, những tiêu cực xã hội như: quan liêu, tham
nhũng, vi phạm dân chủ, coi thường pháp luật,... nảy sinh và diễn biến hết sức
phức tạp đã và đang gây trở ngại cho quá trình thực hiện nền dân chủ ở nước ta
hiện nay. Chủ trương của Đảng đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
chính là một giải pháp quan trọng để khắc phục những trở ngại, thực hiện triệt
để chế độ dân chủ và xây dựng, củng cố nền dân chủ của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét