Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

CHỐNG LẠI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

Mỗi khi đất nước ta có những sự kiện trọng đại sắp diễn ra thì các quan điểm chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị lại nổi lên. Một trong những nội dung chống phá trọng điểm của chúng là xuyên tạc với mục đích hạ bệ hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể nhận thấy, cái “võ” quen thuộc của những cây “bồi bút” thù địch, phản động và cơ hội chính trị chuyên nghiệp đã tỏ vẻ như công bằng, khách quan với công lao và những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với những câu mở đầu của bọn chúng đại loại như “nhận thức và đánh giá như thế nào để đạt tới sự chính xác, công bằng, khách quan, phù hợp với thực tế lịch sử” hoặc “công lao to lớn của Cụ Hồ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc là điều không ai có thể phủ nhận” làm cho người đọc dễ lầm tưởng. Song ai đọc kỹ cũng dễ dàng nhìn thấy dã tâm và bản chất của những cây bút đã đánh mất hết tình cảm với dân tộc và lãnh tụ kính yêu. Với những kiểu lập luận mập mờ và đánh lận lịch sử, bọn chúng đã xảo quyệt, tráo trở dựng nên những thông tin giả trá, sai sự thật xung quanh những vấn đề liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Ai là người đầu tiên đưa chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam; sự kiện thành lập Đảng, vấn đề cải cách ruộng đất sau năm 1954, về tấm gương đạo đức của Người…

Chúng ta đều biết, ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định làm phụ bếp trên chiếc tàu của Pháp, khởi đầu cuộc hành trình ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Quá trình đi tìm đường cứu nước chính là quá trình Người khảo nghiệm, tìm tòi những lý luận đúc rút từ thực tiễn đấu tranh ở các nước tư bản phát triển trên thế giới, đặc biệt là vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa. Bản thân Người đã tham gia vào sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và có rất nhiều đồng chí trong các tổ chức cộng sản ở Âu Châu. Mỗi bước chân trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đều in đậm dấu ấn ở những nơi Người từng ở và hoạt động, đó là mối quan hệ với những người bạn ở nhiều nước như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angieri… Vậy mà có tay “bồi bút” đã cố tình dựng chuyện, hồ đồ khi viết: “Nguyễn Ái Quốc đã từng đặt chân tới nhiều nước phương Tây, từng chìa bàn tay hữu nghị ra với họ, nhưng không được ai nắm lấy!” .

Hành trình đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đã có sự thay đổi về chất khi bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự kiện đã in đậm dấu ấn ấy là khi Người bắt gặp bản Sơ thảo lần thứ nhất đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa thuộc địa của V.I.Lênin tháng 7/1920. Tại Đại hội Đảng xã hội Pháp năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế cộng sản. Sự kiện đó đánh dấu bước ngoặt quyết định trong con đường cách mạng của Người, bước ngoặt từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, từ một chiến sĩ giải phóng dân tộc chưa có khuynh hướng rõ ràng thành một chiến sĩ giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa cộng sản và một chiến sĩ quốc tế cộng sản. Ấy vậy mà, lũ “bồi bút”, cơ hội chính trị cố tình không hiểu và quy kết khi cho rằng Người “không phải đến với Quốc tế 3 từ sự giác ngộ sâu sắc về lý tưởng cộng sản”.

Vai trò của Nguyễn Ái Quốc với sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là rất rõ ràng, đó là cả một quá trình lâu dài chuẩn bị cả về tư tưởng và tổ chức. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng, là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở nước ta trong thời đại mới, là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX. Vậy mà lũ phản động giả danh dân chủ dám ngạo mạn cho rằng “đây là sự kiện nằm ngoài dự kiến của Nguyễn Ái Quốc” và rằng “điều kiện ở Việt Nam lúc đó chưa chín muồi cho việc thành lập Đảng Cộng sản”…

Hồ Chủ tịch là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Di sản về đạo đức của Người là những tư tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó đặc biệt là tấm gương đạo đức cách mạng. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân ta nguyện phấn đấu suốt đời học tập và noi theo. Có biết bao học trò ưu tú của Người như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… cùng với sự ghi danh với những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước còn góp phần lan tỏa đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh đến toàn dân, toàn quân. Vậy mà những kẻ thù địch, phản động và cơ hội chính trị lại rất hàm hồ cố tình xuyên tạc hình ảnh cao cả, vĩ đại của Bác. Hành vi đê hèn, đen tối này cần được vạch trần, đấu tranh triệt xóa.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét