Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

Tư tưởng Hồ Chí Minh: tự phê bình và phê bình Giá trị của tư tưởng với công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng ta hiện nay

 

Trong sinh hoạt và hoạt động thực tiễn, mỗi con người và mỗi tổ chức đều có những ưu điểm và khuyết điểm, có mặt thuận lợi và khó khăn, có nhân tố tích cực và tiêu cực, có cái tiến bộ và cái lạc hậu. Các mặt đó luôn mâu thuẫn với nhau, tác động chi phối lẫn nhau. Quá trình phát triển của mỗi con người, mỗi tổ chức như thế nào và theo chiều hướng nào phụ thuộc chính vào cách thức giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt tốt - xấu, thuận lợi - khó khăn, tích cực - tiêu cực đó.

 Mỗi người đảng viên và tổ chức đảng cũng như vậy; muốn tiến bộ và phát triển thì phải phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Muốn sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, phải thiết thực tự phê bình và phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Để quy luật ấy phát huy tác dụng, tạo ra động lực cho sự phát triển, phải thông qua hoạt động của con người, của mỗi cán bộ đảng viên và mỗi tổ chức Đảng. Thực tiễn đã chứng minh: nếu nơi nào, khi nào, đảng viên và tổ chức đảng nhận thức đúng, đầy đủ, có động cơ đúng, hành động kiên quyết thì tự phê bình và phê bình phát huy tác dụng; ngược lại thì tự phê bình và phê bình chỉ còn là hình thức, nửa vời, "gặp chăng hay chớ", thậm chí trở thành công cụ cho những kẻ vụ lợi, phá hoại Đảng. Do đó, nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, tiến hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong toàn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng và bức thiết trong tình hình hiện nay, để tự phê bình và phê bình phát huy tác dụng, thực sự là quy luật phát triển của Đảng.

Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, đây là cấp độ có ý nghĩa sâu sắc bao trùm nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đó là vì Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình". Tự phê bình và phê bình được Hồ Chí Minh xác định là một trong 12 điều "Tư cách của Đảng chân chính cách mạng". Tự phê bình và phê bình "Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ". Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình "Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công".

Vì vậy, ngay từ đầu tác phẩm Sửa đổi lối làm việc - tác phẩm đã thể hiện rất sâu sắc và toàn diện về vấn đề tự phê bình và phê bình - Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề "Phê bình và sửa chữa". Theo Người, Đảng không che dấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ, đảng viên.

Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm; mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Do vậy, mục đích tự phê bình và phê bình là làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu bị mất dần đi. "Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín thể diện càng tăng thêm".

Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa chữa cách làm cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ". Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm.

Tự phê bình và phê bình là quy luật chung của các Đảng Cộng sản, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam lại càng quan trọng. Đảng ta ra đời từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa nửa phong kiến, chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng phong kiến, thực dân "Cũng như những người hàng ngày lội bùn" nên trên người ắt nhiễm hơi bùn. Điều đó không có gì lạ. Mặt khác, khi đảng viên có chức, có quyền rất dễ nảy sinh những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng, quan liêu, xa rời quần chúng. Muốn khắc phục những biểu hiện đó, cần tiến hành tự phê bình và phê bình ráo riết, thường xuyên. Cũng như người lội bùn lâu mà nhiễm hơi bùn thì phải tắm rửa và "phải tắm rửa lâu mới sạch".

Mục đích của tự phê bình và phê bình mà Hồ Chí Minh chỉ ra chứa đựng yếu tố cách mạng và tính nhân văn sâu sắc. Để đạt được mục đích ấy cần phải có thái độ đúng, phương pháp đúng, có lý, có tình, trên tình thương yêu giai cấp. Trước hết phải có thái độ đúng trong tự phê bình và phê bình.

Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v… mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó. Nhưng "phải suy tính cho kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy" "Để chữa khỏi những bệnh kia, ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau". Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Phải biết khuyến khích nhau, bắt chước nhau, giúp nhau tiến bộ.

Hồ Chí Minh yêu cầu tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, liên tục, kiên trì. "Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong đảng sẽ không có bệnh mà đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng". Nếu không làm thường xuyên thì khuyết điểm sẽ ngày càng tích tụ nhiều lên, lấn át ưu điểm. Những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tham ô, tham nhũng, vi phạm tư cách đảng viên, nguyên nhân suy cho cùng là do không thường xuyên tự phê bình và tiếp thu phê bình. Hồ Chí Minh đã cảnh tỉnh nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của chúng ta thì cũng như giấu diếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mệnh. Phát hiện càng sớm, điều trị bệnh càng chóng khỏi; để bệnh nặng rất khó chữa, thậm chí có khi không chữa nổi.

 Hồ Chí Minh kết luận: "Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi"[1]. Trong tự phê bình và phê bình phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, kiên quyết chống bệnh tự mãn, kiêu ngạo, tự tư tự lợi, ba hoa… Phải thực hành khẩu hiệu "chí công vô tư".

Tư tưởng Hồ Chí Minh: tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng có giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, thực tiễn to lớn đối với Đảng, nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên ta. Những tư tưởng đó đã kịp thời định hướng, nâng cao nhận thức và cổ vũ hoạt động tự phê bình và phê bình, khắc phục kịp thời những khuyết điểm yếu kém của cán bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động lãnh đạo cách mạng. Tư tưởng đó không chỉ có giá trị to lớn trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, mà còn có ý nghĩa rất sâu sắc, thiết thực đối với công tác xây dựng Đảng ta hiện nay.

Giá trị của tư tưởng đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng ta hiện nay.

Quán triệt và thực hiện trong quá trình xây dựng và hoạt động, Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình. Khẳng định tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng và là ý thức trách nhiệm của đảng với nhân dân. Tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng để giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, để giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đảng là một tổ chức chính trị, tất yếu trong quá trình vận động, phát triển, nội bộ Đảng sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng đó không phải là mâu thuẫn đối kháng, mà là mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu.

Chính nhờ có sự trung thành, quán triệt và vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong xây dựng và hoạt động, có nhiều chỉ thị nghị quyết, mở nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong toàn đảng mà Đảng ta mới có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; mới có đủ bản lĩnh vượt qua những thử thách cam go, vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng ở những thời điểm hiểm nghèo, thời điểm vận mệnh "ngàn cân treo sợi tóc".

Thực tiễn xây dựng Đảng cho thấy: Lúc nào, nơi nào việc tự phê bình và phê bình không được thực hiện nghiêm túc thì lúc đó, nơi đó xuất hiện những điều kiện làm suy yếu tổ chức đảng, làm nảy sinh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Hiện nay, vẫn còn những biểu hiện xem nhẹ, chưa thực sự nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Ở nơi này, nơi khác, lúc này lúc khác, sinh hoạt tự phê bình và phê bình chỉ còn là hình thức. Người ta vẫn tổ chức sinh hoạt đều đặn, nhưng thực chất lại tước mất linh hồn của các buổi sinh hoạt, đó là nguyên tắc dân chủ, cho nên tự phê bình và phê bình bị biến thành vũ khí cầu lợi cá nhân.

Ngày nay, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, chứa đựng những yếu tố khó lường. Đảng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ của Đảng rất nặng nề. Phạm vi, quy mô lãnh đạo ngày càng mở rộng, đối tượng lãnh đạo đa dạng phức tạp; vai trò lãnh đạo của Đảng tăng lên, đòi hỏi Đảng phải luôn luôn và thực sự trong sạch vững mạnh.

Trong khi đó, cuộc sống sinh hoạt của cán bộ, đảng viên chịu nhiều chi phối, tác động của nhiều yếu tố, cả tích cực và tiêu cực. Do những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, sự du nhập lối sống ngoại lai và các tệ nạn xã hội… đã tác động, làm nhiều người thay đổi về quan niệm thang giá trị đạo đức xã hội, làm xói mòn nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Đó là những nguy cơ đe dọa sự trong sạch của đảng và của cả hệ thống chính trị.

Một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về đạo đức lối sống, sa lầy vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng. Sinh ra nhiều căn bệnh nguy hiểm: cục bộ, ích kỷ, vụ lợi, ham quyền lực, ham của cải làm giàu bất chính; lối sống thì xa hoa, hưởng lạc… Không ít cán bộ, đảng viên vì lợi ích cá nhân, mải lo lợi ích cá nhân, gia đình mà quên hết lợi ích của Đảng, của dân.

Để khắc phục tình trạng trên, tự phê bình và phê bình phải được coi là biện pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình cho phép giải quyết thấu đáo các vấn đề nảy sinh về tư tưởng, đạo đức, lối sống một cách kiên quyết, ráo riết nhưng thiết thực, có lý có tình, không rơi vào tình trạng đối kháng, đao to búa lớn, do đó mà đạt hiệu quả cao. Mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng cần thực hiện nghiêm túc những quy định mới về tự phê bình và phê bình mà Hội nghị Trung ương đảng đã ra: Mở rộng dân chủ, khuyến khích tranh luận; tôn trọng tập hợp và xem xét để tiếp thu hết ý kiến đúng đắn của các cấp ủy viên và đảng viên trước khi quyết định. Tập trung vào một số biện pháp chủ yếu như: tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đặc biệt là giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho cán bộ, đảng viên hiểu rõ vai trò, sự cần thiết phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, mục đích phương pháp tự phê bình và phê bình, kiên quyết duy trì, thực hiện nghiêm túc nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chống mọi biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội thực dụng, cục bộ bè phái, mất đoàn kết.

Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên không thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tự phê bình và phê bình, nhất là những người có thái độ thành kiến, trù dập người phê bình; phải có biện pháp bảo vệ người phê bình đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; mặt khác phải có biện pháp buộc người có khuyết điểm, bị phê bình phải sửa chữa khuyết điểm.

Trong điều kiện xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, các luồng thông tin, các nguồn thông tin, các hình thức truyền tin rất đa dạng phong phú. Một mặt nó mở ra điều kiện thuận lợi mới để thực hiện dân chủ công khai và công bằng trong xã hội.… Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu chu đáo để phát huy tác dụng tốt hơn trong công tác xây dựng Đảng. Mặt khác, cần phải có biện pháp quản lý được tất cả các luồng, các nguồn tin, các phương tiện thông tin, có thể áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm thẩm định, điều tra, kiểm tra nhanh và chính xác các tin tức; quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin tự phê bình và phê bình cả ở diện rộng và diện hẹp; chính nó cung cấp những cứ liệu thực tiễn thiết thực cho công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới; và chỉ như vậy mới đảm bảo cho tự phê bình và phê bình thực sự vì sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong toàn xã hội.

------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, HN, 2000

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, HN, 2000

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, HN, 2000

 

N-Đ-H

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 265.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét