Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

NGƯỜI CHA THÂN YÊU CỦA CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN VIỆT NAM

 Là người lãnh đạo cao nhất và trực tiếp Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết xây dựng và rèn luyện các LLVT nhân dân Việt Nam tận trung với nước, tận hiếu với dân, "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", cùng với toàn dân đưa cách mạng nước ta tiến lên, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ðúng như Ðiếu văn của Trung ương Ðảng ta đã viết khi Bác qua đời 2-9-1969: "Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Ðảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam".

Trong di sản lý luận Hồ Chí Minh, tư tưởng xây dựng đội quân vũ trang cách mạng của nhân dân làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một hệ thống quan điểm về quân sự, quốc phòng... và hình thành, phát triển gắn liền với quá trình thực tiễn cách mạng Việt Nam. Ngay khi tổ chức hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, trong Chính cương vắn tắt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ghi rõ nhiệm vụ của Ðảng cần phải tổ chức đội quân công nông để đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, thành lập chính phủ công nông.

Tháng 2-1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 5-1941 Bác chủ tọa Hội nghị Trung ương 8 đã đề nghị tập trung toàn lực giải quyết nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Việt Minh, thành lập các đội du kích và xây dựng căn cứ địa, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Bác và Trung ương Ðảng chủ trương chuyển từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh vũ trang và kết hợp cả hai hình thức để chống phát-xít, tổ chức quần chúng rộng rãi và tiến hành huấn luyện quân sự và vũ trang cho quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang của nhân dân, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát động chiến tranh du kích, thực hiện khởi nghĩa từng phần, chớp thời cơ tổng khởi nghĩa khắp thành thị, nông thôn trong cả nước.

Từ yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng phải có LLVT cách mạng, năm 1941 Bác ra chỉ thị tổ chức đội tự vệ vũ trang ở Cao Bằng. Người trực tiếp lựa chọn nòng cốt và biên soạn tài liệu về chiến thuật du kích để huấn luyện cho đội tự vệ các địa phương, huấn luyện cán bộ quân sự... Năm 1943, khi thoát khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Bác đã tìm mọi cách đưa một số thanh niên được cử đi học quân sự ở Trung Quốc về tăng cường cho lực lượng vũ trang trong nước. Và khi thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân những người này được chọn làm cán bộ nòng cốt của Ðội. Cuối năm 1944, dự báo cuộc tổng khởi nghĩa đang đến gần, Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện.

Chỉ thị của Bác thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có ý nghĩa như cương lĩnh quân sự của Ðảng ta, bao gồm những vấn đề cơ bản về đường lối quân sự của Ðảng. Chỉ thị nêu rõ: "Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Ðội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên". (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, tr 377, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1983).

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để có LLVT nhân dân hùng mạnh thì phải chăm lo xây dựng toàn diện cả ba thứ quân, trong đó bộ đội vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác mà công tác dân vận là hàng đầu và thường xuyên. Kỷ niệm một năm ngày thành lập quân giải phóng, Bác nhắc nhở: Phải tăng cường huấn luyện quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, nâng cao thể lực và trình độ văn hóa, phải phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng. Phải rèn luyện cho bộ đội tác phong chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, mưu trí dũng cảm, thắng không kiêu, bại không nản, tuyệt đối giữ bí mật. Người yêu cầu cán bộ quân đội phải gương mẫu, thương yêu binh sĩ như ruột thịt "từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên" (Huấn thị tại hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường 18, tháng 5-1951).

Hơn 25 năm kể từ khi chỉ thị thành lập LLVT nhân dân, trên cương vị cao nhất lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc, Bác luôn dành muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể bộ đội. Dù bận nhiều công việc, Người vẫn dành thời gian chăm sóc và giáo dục, rèn luyện các lực lượng vũ trang nhân dân. Trong các chiến dịch Bác đi thăm các đơn vị bộ đội, đốc thúc công tác hậu cần, dự các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, tổng kết rút kinh nghiệm chỉ đạo, tác chiến... Người viết thư khen, tặng cờ thi đua, biểu dương các đơn vị, cá nhân lập công xuất sắc và phê bình những việc chưa tốt của cán bộ quân đội. Thông qua những việc làm cụ thể và bằng tấm gương của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo dục cho lực lượng vũ trang và nhân dân ta phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần tự lực kháng chiến, chống tư tưởng muốn đánh mau thắng mau hoặc bi quan, sợ địch cũng như chủ quan khinh địch...

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu thấu những hy sinh, gian khổ của lực lượng vũ trang phải chiến đấu với quân xâm lược có trang bị vũ khí hiện đại và tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh. Trong những năm kháng chiến gian lao, thiếu thốn trăm thứ, khó khăn mọi bề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Người động viên toàn dân, kêu gọi toàn dân chăm lo cho bộ đội và giúp đỡ thương binh, bệnh binh và gia đình các thương binh, liệt sĩ. Bác thường tặng quà thương binh, bộ đội tác chiến, bộ đội phòng không bằng tiền lương của Bác và những món quà mọi người tặng Bác. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Ðảng, Chính phủ và nhân dân ta phải làm tốt chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ; đối với những cán bộ, chiến sĩ LLVT nhân dân đã chiến đấu, công tác tỏ ra dũng cảm còn sức khỏe thì phải chăm lo đào tạo thành đội quân chủ lực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội./.

Đ.Đ.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét