Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2022

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

 


Ngày nay, dường như mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng mạng xã hội vẫn liên tục tăng qua các năm; hiện, một số mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, You Tube… có số lượng người dân Việt Nam tham gia rất lớn, trong đó có cán bộ, đảng viên.

Tận dụng ưu thế của mạng xã hội, nhiều cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội như một phương thức có hiệu quả trong công việc cũng như trong cuộc sốngbiến mạng xã hội thành công cụ hữu ích. Thông qua mạng xã hội, có thể nhanh chóng chia sẻ, trao đổi, nhận biết thông tin. Nhiều cán bộ, đảng viên biết tận dụng mạng xã hội để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm công tác; thông tin, tuyên truyền, quảng bá các hoạt động, hình ảnh của Đảng, Nhà nước, địa phương, đơn vị đến với Nhân dân; mạng xã hội cũng là công cụ đắc lực trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng trong điều tra, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ cho công tác tuyên giáo…

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy vẫn còn hiện tượng một số cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội khá tùy tiện, gây ảnh hưởng không tốt hình ảnh, lợi ích của cá nhân, tổ chức, địa phương. Không ít trường hợp cán bộ, đảng viên dùng mạng xã hội để nói xấu, xúc phạm, miệt thị người khác bằng loại ngôn từ thiếu văn hóa; đăng tải, chia sẻ thông tin độc hại, bịa đặt, xuyên tạc, không kiểm chứng nguồn gốc, không bảo đảm tính chính xác; đăng tải những nội dung mang tính bất mãn, gây mất đoàn kết... Nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên đã bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt hành chính, thậm chí bị cách chức (nguyên Trưởng khoa của Trường chính trị Hà Tĩnh), khai trừ khỏi Đảng (chuyên viên Văn phòng thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh)... Những trường hợp đáng tiếc đó, có những người chủ ý, nhưng cũng không ít người vì chủ quan, thiếu thận trọng, thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết về các quy định.

Thực tế này cho thấy việc xử phạt các sai phạm trên không gian mạng nói chung, và việc truy cứu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên để xảy ra sai phạm khi tham gia mạng xã hội nói riêng cần phải nghiêm khắc, kiên quyết hơn nữa, để mỗi người luôn ý thức rằng bản thân là cán bộ, đảng viên thì càng phải có trách nhiệm cao trong tự giác điều chỉnh nhận thức và hành xử đúng đắn trên môi trường mạng.

Ðến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định quyền tự do thông tin của công dân và trách nhiệm của người dân khi sử dụng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng như: Luật Báo chí năm 2016; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định số 72/2013/NÐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 174/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; Quy định về những điều đảng viên không được làm…Tuy nhiên, đối với những văn bản luật này vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa chịu khó tiếp cận, nghiên cứu, nên vẫn còn có sự hiểu biết mập mờ, dẫn đến sự thiếu trách nhiệm và dễ sai phạm trong sử dụng mạng xã hội. Vậy nên, các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng cần thiết phải nghiên cứu, ban hành văn bản quy định về việc tham gia mạng xã hội của cán bộ, đảng viên trong phạm vi điều chỉnh của mình.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; cấp ủy; các tổ chức đoàn thể cần nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, định hướng, theo dõi, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, đoàn viên về những nguyên tắc cần tuân thủ khi tham gia mạng xã hội; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm theo quy định.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực nghiên cứu và tuân thủ nghiêm túc các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng và cơ quan, đơn vị mình đang công tác khi tham gia mạng xã hội; phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, tổ chức nếu sai phạm trong quá trình tham gia. Khi tham gia mạng xã hội phải lan tỏa các nội dung, hình ảnh tích cực, có tính tuyên truyền, giáo dục cao; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, đất nước; thông tin, tuyên truyền những sự kiện trọng đại, những kết quả nổi bật về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đất nước; giới thiệu, quảng bá hình ảnh và thế mạnh của địa phương, đất nước đến với bạn bè trong nước và quốc tế…Sử dụng mạng xã hội để trao đổi, chia sẻ, chuyển tải các nội dung thông tin phục vụ nghiệp vụ công tác. Xây dựng quan điểm, lập trường vững vàng; chung tay, góp sức nhận diện, phản bác, đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn và các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét