Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (sau đây gọi là Nghị quyết 847) có ý nghĩa rất quan trọng, giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ tự mình soi chiếu, từ đó không ngừng rèn luyện, bồi đắp và tô thắm thêm phẩm chất cao quý.
Yêu cầu đặt ra với mỗi cấp ủy, tổ chức đảng
các cấp trong toàn quân phải hết sức coi trọng và làm tốt công tác nhân rộng
điển hình tiên tiến (ĐHTT), để mỗi điển hình không chỉ là những tấm gương sáng
đẹp, tiêu biểu mà còn có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ.
Nghị quyết 847 đặt ra yêu cầu phát huy phẩm
chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân là trách nhiệm của mọi
cán bộ, đảng viên và quần chúng trong quân đội, trước hết là đội ngũ cấp ủy
viên, cán bộ chủ trì các cấp; đồng thời phải làm cho hình ảnh cao đẹp, phẩm
chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ không ngừng được củng cố, bồi đắp và lan tỏa trong
đời sống chính trị tinh thần của toàn quân thông qua các ĐHTT, gương người
tốt-việc tốt. Trong đó, nghị quyết xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp
chủ yếu để phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân
là “khen thưởng, biểu dương, động viên và nhân rộng những mô hình mới, cách làm
sáng tạo, các ĐHTT, tấm gương tiêu biểu”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch
Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, coi trọng việc nêu gương. Người khẳng định: “Một
tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vai trò
quan trọng của nêu gương theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị to lớn
trong thực hành đạo đức cách mạng mà còn có ý nghĩa lớn lao trong phong trào
thi đua ái quốc. Mỗi ĐHTT trong chiến đấu, trong lao động sản xuất khi được
tuyên dương, khen thưởng thực sự là những tấm gương tiêu biểu, có sức mạnh lôi
cuốn, cổ vũ toàn quân, toàn dân ta ra sức thi đua, học tập, noi theo gương điển
hình và lập nhiều chiến công mới.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm
lược, tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân với
câu nói nổi tiếng “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” đã có sức mạnh to lớn, như lời
hiệu triệu cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và toàn quân ra sức thi đua diệt
giặc lập công. Hình tượng anh Nguyễn Viết Xuân trở thành biểu tượng của chủ
nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm cảm hứng cho lớp lớp các lứa thanh niên Việt
Nam hăng hái xung phong lên đường ra mặt trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Hay như với tấm gương chiến đấu, hy sinh của
Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, nhà thơ Tố Hữu đã thốt lên những lời đầy cảm thán:
“Nguyễn Văn Trỗi!/ Anh đã chết rồi/ Anh còn sống mãi/ Chết như sống, anh hùng,
vĩ đại”...
Những tấm gương chiến đấu anh dũng, sẵn sàng
hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc như anh Nguyễn Viết Xuân, anh Nguyễn Văn
Trỗi, chị Võ Thị Sáu... không chỉ có sức lan tỏa, lôi cuốn, cổ vũ mạnh mẽ trong
một thời điểm, một giai đoạn mà chiến công, khí phách hiên ngang quật cường của
các anh, các chị có sức sống mãnh liệt, trường tồn mãi mãi cùng đất nước, cùng
dân tộc.
Cũng từ những tấm gương ấy, cả nước đã dấy lên
hàng trăm phong trào thi đua ở hai miền Nam-Bắc để học tập, noi gương. Từ các
phong trào thi đua đã vun bồi, hình thành và xuất hiện thêm hàng nghìn, hàng
vạn gương điển hình là những anh hùng trong chiến đấu, trong lao động sản xuất,
làm phong phú và giàu có thêm truyền thống quân đội anh hùng của một dân tộc
Việt Nam anh hùng. Đó là giá trị đích thực của những tấm gương điển hình, là
minh chứng rõ nét nhất cho lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, tầm
quan trọng của nêu gương.
Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển
mạnh mẽ của thông tin truyền thông, những hình ảnh đẹp về Bộ đội Cụ Hồ dầm mình
trong mưa lũ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai càng được chia sẻ, lan
tỏa trong đời sống xã hội. Hay hình ảnh những người lính không quản ngại vất
vả, hy sinh sẵn sàng xông pha trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 lan
truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và lan tỏa ra
khắp năm châu bốn biển càng làm sáng đẹp, tô thắm thêm phẩm chất cao quý Bộ đội
Cụ Hồ.
Có thể khẳng định, thời gian qua, các cơ quan,
đơn vị trong toàn quân đã phát huy tốt hiệu quả tuyên truyền, thông qua nhiều
kênh thông tin, nhất là từ các trang mạng xã hội. Trong đợt dịch Covid-19 vừa
qua, có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm Covid-19 khi tham gia phòng, chống
dịch; hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ liên tục nhiều tháng liền túc trực trên
chốt kiểm soát dịch bệnh ở cả khu vực biên giới và nội địa. Hàng vạn cán bộ,
chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ vì nghĩa lớn mà gác lại niềm riêng, tình
nguyện viết đơn vào vùng tâm dịch.
Nhiều đồng chí dù hoàn cảnh gia đình rất khó
khăn, vợ con đau yếu, “cha già, mẹ héo” không thể làm tròn chữ hiếu, chưa thể
vẹn nghĩa vợ chồng, tình phụ tử... Những hình ảnh đẹp, hay những câu chuyện làm
lay động lòng người như thế được lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền
thông, các fanpage trên mạng xã hội đã thật sự chạm đến trái tim của mỗi người
dân đất Việt; qua đó, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội có thêm ánh nhìn
thấu tỏ về những cống hiến, hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
Nghị quyết 847 được Quân ủy Trung ương ban
hành trong thời điểm toàn quân đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
Quân đội lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết có ý nghĩa
quan trọng giúp cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về
phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ; nhận diện rõ ràng, cụ thể hơn những biểu hiện
chủ nghĩa cá nhân. Việc triển khai thực hiện nghị quyết một cách đồng bộ, quyết
liệt theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực noi theo” là bước
cụ thể hóa để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung
ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; qua đó góp phần xây
dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán
bộ.
Yêu cầu đặt ra với các cấp ủy, tổ chức đảng
các cấp trong toàn quân ngoài việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu
quả những nội dung cốt lõi của Nghị quyết 847; đồng thời phải hết sức coi trọng
và làm tốt công tác nhân rộng ĐHTT, để mỗi điển hình không chỉ là những tấm
gương sáng đẹp, tiêu biểu mà còn có sức lôi cuốn, cổ vũ mạnh mẽ mọi người cùng
thi đua học tập, noi theo. Chúng ta biết rằng, để giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ
đội Cụ Hồ không phải điều gì quá cao siêu, xa vời mà được hình thành, củng cố
trong công việc và sinh hoạt hằng ngày. Vì thế, những tấm gương cán bộ, chiến
sĩ điển hình trong việc học và làm theo Bác, trong giữ gìn và phát huy phẩm
chất Bộ đội Cụ Hồ cũng sẽ xuất hiện hằng ngày, hằng giờ, ở mọi cơ quan, đơn vị
từ những hành động, việc làm tuy có thể nhỏ bé nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ
trong đời sống xã hội.
Để làm tốt việc nhân rộng ĐHTT thì một trong
những biện pháp quan trọng đó là phải làm tốt công tác thi đua-khen thưởng.
Theo đó, từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc việc sơ kết, tổng kết,
đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và đẩy
mạnh tuyên truyền về các ĐHTT, những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong thực
hiện nghị quyết; đồng thời sớm xây dựng kế hoạch để nhân rộng mô hình, cách
làm. Trong đó chú trọng việc biểu dương, khen thưởng đột xuất với những gương
người tốt-việc tốt, qua đó tạo hiệu ứng tích cực, cổ vũ, động viên mọi người
cùng thi đua.
Bên cạnh đó, việc xây dựng ĐHTT phải thực
chất, sát với đặc điểm nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; gắn với 5 đặc trưng
cơ bản của Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới và 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Tuyệt đối không thể xây dựng điển hình theo kiểu “nuôi gà chọi”, khiến cho điển
hình quá cao siêu, kỳ vĩ nên mọi người không thể học tập, noi gương, từ đó khó
có thể nhân rộng điển hình. Nên chăng, mỗi cơ quan, đơn vị cần phát động và tổ
chức các cuộc thi hiến kế tìm ra những cách làm mới, giải pháp hay để phát huy
phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chống chủ nghĩa cá nhân ở cơ quan, đơn vị mình. Đó cũng
là biện pháp hữu hiệu để Nghị quyết 847 thực sự thấm sâu vào đời sống chính trị
tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và chuyển hóa thành hành động cách mạng của các
tập thể, cá nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét