Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

 

XUNG ĐỘT NGA - UKRAINA VÀ ĐƯỜNG LỐI NGOẠI GIAO ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA


Những ngày qua, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina đã nổ ra. Đây là hệ quả của một loạt những căng thẳng xung quanh mối quan hệ giữa hai nước.

Chính phủ Ukraine tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô vào tháng 8.1991. Khi đó, Ukraine là nơi tập trung sức mạnh nông nghiệp, công nghiệp quốc phòng và quân sự của Liên Xô, cũng là nước đông dân thứ 2 trong liên bang, sau Nga. Vì vậy, việc nước này tuyên bố độc lập có tác động rất lớn, dẫn đến việc Liên Xô giải thể. Ukraine có vai trò đặc biệt quan trọng với Nga khi xét tới vị trí của nước này, vốn được coi là bức tường thành giữa Nga và các nước Đông Âu, cũng như có tầm quan trọng mang tính lịch sử và biểu tượng. Ukraine thường được ví như "viên đá quý" trên chiếc "vương miện" của Liên Xô. Tổng thống Putin từng nhận định Ukraine có mối quan hệ về kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa chặt chẽ với Nga, đồng thời miêu tả người dân Nga và người dân Ukraine là "một dân tộc".

Dù vậy, dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine lại hướng về phương Tây để nhận được sự hỗ trợ kinh tế và vị thế địa chính trị, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Ukraine cũng nhiều lần thể hiện mong muốn gia nhập EU và NATO. Ukraine là vị trí cuối cùng của NATO khi tiến về hướng Đông giáp Nga. Bởi vậy, Ukraine được coi như là khu cấm địa của Nga và là nơi “tranh chấp bóng” quyết liệt nhất của Mỹ, phương Tây và Nga.

Tổ chức hiệp ước Bắc đại tây dương - NATO là tổ chức quân sự được phương Tây lập ra do Mỹ đứng đầu nhằm đối phó với phe Xã hội chủ nghĩa trong chiến tranh lạnh. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, tổ chức này không ngừng mở rộng việc kết nạp các thành viên mới về phía Đông, hướng tới các quốc gia thuộc Liên xô cũ. Mục đích của hoạt động này rất rõ ràng đó là tạo sự kiềm tỏa về quân sự đối với Liên Bang Nga, đất nước kế thừa địa vị của Liên Xô trên trường quốc tế. Nếu Ukraina gia nhập, NATO sẽ áp sát biên giới Nga và hoàn thành mục tiêu tạo sự răn đe quân sự với Nga. Và sự việc vừa qua, Ukraina có mong muốn gia nhập NATO như là giọt nước tràn ly trong mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ukraina. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xung đột vũ trang giữa hai nước như hiện nay.

Như vậy, có thể thấy, xoay quanh vấn đề Ukraina hiện nay là việc cạnh tranh lợi ích, ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây đứng đầu là Mỹ. Đây là vấn đề không thể tránh khỏi xuất phát từ vị trí địa chính trị và lịch sử để lại đối với Ukraina. Nếu như Ukraina lựa chọn một cách tiếp cận phù hợp hơn, hài hòa lợi ích giữa Nga và phương Tây thay vì đứng hẳn về một bên như hiện nay sẽ giúp nước này hạn chế được những mất mát, thiệt thòi về lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Bởi nếu ngả về phương Tây và Mỹ, Ukraina có thể có được lợi ích kinh tế, nhưng sẽ phải đối đầu quân sự trực diện với Nga. Và nước Nga dưới thời Putin sẽ sẵn sàng trả bất cứ giá nào để củng cố nền quốc phòng và an ninh Nga. Một đất nước có 1/4 dân số người Nga, lại phân bố tập trung vào vùng Donbass và Crimea mà ở đó có căn cứ quân sự của Nga; một đất nước mà hoàn toàn phụ thuộc Nga về năng lượng, khí đốt…mà lại ngả về phía phương Tây và Mỹ để chống lại Nga. Đường lối ngoại giao đó đã đẩy mối quan hệ giữa Nga và Ukraina đi vào ngõ cụt và đi tới chiến tranh.

Thực tiễn từ Ukraina cho chúng ta thấy sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước trong hài hòa các mối quan hệ ngoại giao, đặc biệt là với Trung Quốc và Mỹ. Với chủ trương "thêm bạn, bớt thù", Đảng đã phát triển thành hệ thống quan điểm, phương châm chỉ đạo xuyên suốt đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế"; nắm vững hai mặt đối tác- đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, khôn khéo về sách lược, "dĩ bất biến, ứng vạn biến"...

Với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần rất quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 17 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20)… Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký.

Trần Kiên 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét