Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

 TƯ TƯỞNG HỌC LÀM NGƯỜI CỦA HỒ CHÍ MINH 

                                 VẪN CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ

Thế Xự 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức cần, kiệm, liêm, chính/ Thiếu một mùa thì không thành trời/ Thiếu một phương thì không thành đất/ Thiếu một đức thì không thành người". Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh con người phải có đủ những phẩm chất cơ bản ấy.

Cụ thể hơn, con người phải có tình yêu thương đồng loại, lòng nhân ái. Vậy nên trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên "phải có tình đồng chí thương yêu nhau". Muốn cho xã hội tốt đẹp thì bản thân mỗi người phải nén lợi ích cá nhân, vì lợi ích cộng đồng. Bác không phủ nhận lợi ích cá nhân nhưng quan niệm lợi ích cá nhân hoà vào lợi ích chung hoặc đặt dưới lợi ích chung. Thậm chí, nếu vì cái chung tốt đẹp thì mình sẵn sàng hi sinh cả tính mạng. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ lý tưởng sống "vì mọi người" khi gắn quyền lợi cá nhân với lợi ích dân tộc. Dù là nguyên thủ quốc gia nhưng Người có cuộc sống giản dị như bao người khác. Khi ra đi, tài sản cá nhân để lại là số không tròn trĩnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng đạo đức trong giáo dục làm người. Người từng nói, sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, cây không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, nếu không có đạo đức cách mạng thì căn bản không làm nổi việc gì.

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục là để tạo ra con người có đức và có tài chứ không phải là lệch lạc một mặt nào đó. Điều khó nhất là phải học để làm việc, làm người rồi mới nghĩ đến làm cán bộ. Có như vậy thì mỗi cán bộ mới không trở thành "quan cách mạng"./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét