Những ngày qua, liên quan đến việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, nhiều người hay đề cập đến thuật ngữ “tự do ngôn luận trên mạng”. Tất nhiên, để có thể nói về điều đó đòi hỏi hai điều kiện cơ bản: Một là, xuất phát từ quyền tự nhiên của con người được tôn trọng, bảo vệ và thực thi trên thực tế và, hai là, kể từ khi Internet (nhất là mạng xã hội) trở nên phổ biến.
Tự do và tự do ngôn luận - đó là giá trị và là quyền con người. Đề
cập đến điều này, không phải tới tận xã hội cận hiện đại mới có, mà từ thời cổ
đại cả ở phương Tây và phương Đông đều nêu lên rồi. Chẳng hạn, Solon, vị chính
khách thời cổ đại Hy Lạp cho rằng, muốn có tự do và công bằng thì chúng ta phải
đặt luật pháp ngang hàng với sức mạnh (chính trị). Tới thế kỷ XVIII, Tuyên ngôn
Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp đã chính thức khẳng định: “tự do là
quyền của con người được làm tất cả những gì mà không phương hại đến quyền của
người khác”.
Ở Trung Quốc cổ đại, Tử Sản, khi còn làm quan nước Trịnh (thời
Xuân Thu) đã đặt ra quy định cho phép mọi người dân được phê bình kẻ chấp
chính, hay Chiêu Công Hổ - một quan đại thần nhà Tây Chu đã ví việc tạo điều
kiện cho người dân có thể nêu ý kiến về mọi việc trong đời sống xã hội chẳng
khác gì khơi thông dòng nước cho con sông chảy ra biển.
Đối với Việt Nam, vào năm 1919, quyền tự do ngôn luận lần đầu tiên
được nêu lên khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành chính thức sử dụng tên
Nguyễn Ái Quốc để thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước ký vào Bản yêu
sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị các nước Đồng minh thắng trận trong
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất được tổ chức tại Véc-xây (cách thủ đô Paris
của nước Pháp 14 km) mà trong đó, quyền tự do ngôn luận được đặt ở vị trí thứ 3
trong 8 điều của bản Yêu sách. Kể từ đó, nhân dân Việt Nam đã trải qua hơn 25
năm đấu tranh đầy cam go, gian khổ để hiện thực hóa thành công cuộc cách mạng
vô sản, giành lại nền độc lập và tự do cho dân tộc Việt Nam vào năm 1945. Đặc
biệt, năm 1946, quyền tự do ngôn luận được trịnh trọng ghi nhận và bảo đảm thực
hiện tại điều 10 Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cho tới
hiện nay, quyền tự do ngôn luận tiếp tục được khẳng định và bảo đảm thực hiện
tại điều 25 Hiến pháp 2013.
Khái lược một số thông tin lịch sử để thấy rằng, nhân loại, trong
đó có nhân dân Việt Nam, khi thức tỉnh và đấu tranh cho những quyền cơ bản của
con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, đã phải trải qua những cuộc đấu
tranh khốc liệt, thậm chí hy sinh xương máu của bao thế hệ. Vì lẽ đó, quyền tự
do ngôn luận nhất quyết không phải là thứ mà những kẻ nào đó đem tới đất nước
này để rao giảng, dạy dỗ hay xuyên tạc, bịa đặt về việc thực hiện nó trong cuộc
sống. Nó cũng không phải là một quyền mà một bộ phận với nhận thức nông cạn,
nửa vời, thô thiển có thể sử dụng để dễ dãi lên tiếng phê phán, chỉ trích, kích
động, nói xấu vô căn cứ đối với các cá nhân, tổ chức. Thậm chí, trong bối cảnh
hiện nay, một bộ phận xã hội tự cho mình cái quyền tự do ngôn luận lại “tung
tăng buông lời trên mạng” một cách vô nguyên tắc.
Vậy thì, muốn thực hiện tự do ngôn luận, trong đó cụ thể ở đây là
tự do ngôn luận trên mạng, đòi hỏi mỗi cá nhân công dân phải tuân thủ và đáp
ứng một số yêu cầu sau:
Một là, phải nắm vững, hiểu rõ những quy định của pháp luật có
liên quan. Nhà triết học cổ điển Đức G.W.F. Hegel từng có luận điểm nổi tiếng:
“Tự do là nhận thức được cái tất yếu”. C.Mác tán thành quan điểm này và còn làm
rõ thêm: “Luật pháp không phải là những biện pháp đàn áp chống lại tự do… Ngược
lại, luật pháp là những tiêu chuẩn khẳng định rõ ràng, phổ biến, trong đó tự do
có một sự tồn tại vô ngã, có tính chất lý luận, không phụ thuộc vào sự tùy tiện
của cá nhân riêng lẻ. Bộ luật là kinh thánh của tự do của nhân dân”[1]. Công
dân Việt Nam phải hiểu biết đầy đủ, chính xác pháp luật, biết được quyền và
nghĩa vụ của mình khi thực hiện quyền tự do ngôn luận. Chỉ khi thực hiện quyền
tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật sẽ mang đến cho họ quyền tự do, không
xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người khác.
Hai là, tự do ngôn luận, nhất là tự do ngôn luận trên mạng là tự
tương tác của cá nhân có thể diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, ít chịu sự giám sát,
phê duyệt mang tính tổ chức, chính vì vậy đòi hỏi mỗi cá nhân công dân phải tự
chịu trách nhiệm đối với mỗi lời nói, câu viết của mình trên các phương tiện
thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, không phải thích nói và viết một cách
bừa bãi, cảm tính nhất thời. Thực hiện quyền tự do ngôn luận trên mạng phải
chính đáng, có tính mục đích tiến bộ rõ ràng, mang tính xây dựng, mang đến điều
tốt đẹp, tích cực cho bản thân, cộng đồng, xã hội và quốc gia.
Ba là, tự do ngôn luận trên mạng là được bày tỏ quan điểm, chính kiến
trên các báo mạng, diễn đàn, mạng xã hội, v.v.. Cho nên, cá nhân công dân bên
cạnh việc tuân thủ những quy định của pháp luật chung, còn phải tuân thủ Luật
Báo chí, đưa tin lên mạng phải trung thực, đúng sự thật, không được bóp méo,
cắt gọt gây hiểu lầm hoặc khi đánh giá, phê bình phải có căn cứ rõ ràng.
Bốn là, thực hiện quyền tự do trên mạng phải phù hợp với văn hóa
truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, lời nói hay câu viết cần phải phù
hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Khi bình phẩm, nhận xét phải có lời
lẽ ôn hòa, văn minh, lịch sự, không được sử dụng ngôn từ cực đoan, gay gắt hay
lai căng mang tính lăng mạ, sỉ nhục, kỳ thị người khác.
Thực hiện quyền tự do
ngôn luận nói chung và tự do ngôn luận trên mạng nói riêng là điều hoàn toàn chính
đáng và được bảo đảm thực hiện trong xã hội. Mỗi cá nhân công dân cần nhận rõ
quy định pháp luật liên quan, nhận rõ tư duy và hành vi xử sự của bản thân, góp
phần xây dựng một xã hội Việt Nam tiến bộ, văn minh và phát triển./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét