Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

 

THAM NHŨNG Ở VIỆT Á KHÔNG PHẢI DO THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ

Vụ việc công ty Việt Á bị khởi tố về hành vi nâng giá kit xét nghiệm Covid-19 cho đến nay vẫn đang được các cơ quan chức năng Việt Nam tích cực mở rộng điều tra, lần lượt "đưa ra ánh sáng" những cán bộ sai phạm. Rõ đến đâu, xử lý đến đó. Tuy nhiên, lợi dụng những bức xúc của dư luận, thời gian gần đây, trên các trang báo nước ngoài và mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết công kích, hoài nghi, phủ nhận công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta. Thậm chí, một nhóm tự xưng là các tổ chức xã hội dân sự đã ra “Tuyên bố” về đại án kit xét nghiệm Việt Á, trong đó kêu gọi “giải quyết tận gốc vấn đề bằng việc khẩn trương cải cách thể chế chính trị”. Nhóm này cho rằng, nếu không “sớm muộn cũng dẫn đến ngày tàn của chế độ và đẩy đất nước vào con đường diệt vong”.

Cũng từ vụ việc Việt Á, một số đối tượng gắn mác “chuyên gia”, “học giả” xâu chuỗi những vụ án tham nhũng lớn gần đây rồi quy kết, công cuộc chống tham nhũng “chỉ trên khẩu hiệu”, không đạt kết quả đáng kể nào do “chế độ độc đảng”!

Trước hết phải khẳng định, đây là một vụ án nghiêm trọng, xảy ra vào thời điểm “nhạy cảm”. Toàn xã hội đang nỗ lực cao nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Tổn thất về người và của là rất lớn. Lợi dụng tình hình gấp gáp, “nước sôi lửa bỏng”, một số cán bộ thoái hóa, biến chất đã “bắt tay” với doanh nghiệp để ăn chia lợi nhuận theo kiểu “đục nước béo cò”. Hành động đó phải bị nghiêm trị thích đáng.

Những diễn biến liên quan vụ án cho thấy, cơ quan chức năng đã rất quyết liệt để không bỏ lọt sai phạm. Tháng 12/2021, Bộ Công An khởi tố vụ án, bắt Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á và các phần tử liên quan về tội nâng giá bộ xét nghiệm Covid 19 và đưa nhận hối lộ. Theo khai nhận bước đầu của các đối tượng, 62 tỉnh, thành đã mua bộ kít xét nghiệm của Công ty Việt Á với tổng số tiền lấy từ ngân sách các địa phương lên tới 4.000 tỉ đồng. Mức “lại quả” trong mỗi thương vụ như vậy dành cho bên mua là các cơ sở y tế, trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), bệnh viện được khai là khoảng 20% trên doanh số bán (khoảng 800 tỷ đồng). Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã khởi tố hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương, trong đó có các cán bộ cấp vụ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc CDC 5 tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế. Và chắc chắn, con số chưa dừng lại ở đó.

Cũng như các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn từng xảy ra, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam là xử lý triệt để, bất kể người sai phạm là ai, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị. Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực,  năm 2022, trong 10 đại án được yêu cầu xét xử, dứt khoát phải có vụ “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á và nhiều địa phương. Ngày 27/1/2022,  Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử. 

Vụ án liên quan kít xét nghiệm Việt Á cho thấy sai phạm mang tính hệ thống vì xảy ra trên diện rộng và liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Nhưng nó không đồng nghĩa với "lỗi hệ thống". Nguyên nhân căn bản là do một số thủ tục trong quá trình đấu thầu được rút gọn để phục vụ công tác chống dịch, việc giám sát còn nhiều sơ hở, thiếu công khai, minh bạch dẫn đến những việc làm khuất tất. "Miếng mồi ngon" đó đã khơi dậy lòng tham của những kẻ thoái hóa, biến chất.

Tuy nhiên, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á chỉ là một biểu hiện tự phát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên đất nước ta. Nếu quy kết nguyên nhân gây ra vụ án là do bản chất và hậu quả của chế độ “độc đảng” và kêu gọi “cải cách thể chế chính trị” là điều không thể chấp nhận được.

Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đó cũng là thời kỳ nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, bất mãn cá nhân. Những tiêu cực, tham nhũng đó thường bị lợi dụng để suy diễn, thổi phồng, nhào nặn, chế biến thành công cụ để hướng lái dư luận, đánh lận giữa “hiện tượng” và “bản chất”. Mục đích của những kẻ cơ hội chính trị là vẽ lên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, gây hoài nghi trong nhân dân về hệ thống chính trị, hoài nghi về con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn là xây dựng CNXH.

Thực tế cho thấy, không một quốc gia nào trên thế giới dám khẳng định là đã loại bỏ tham nhũng ra khỏi hệ thống chính trị. Còn Nhà nước là còn tham nhũng. Ngay ở các quốc gia dân chủ, cựu tổng thống cũng phải hầu tòa vì cáo buộc tham nhũng. Đối với Việt Nam, trong mấy nhiệm kỳ gần đây, các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều thể hiện thái độ đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, coi đây là “giặc” nội xâm. Quyết tâm đó thể hiện bằng hành động cụ thể và vụ việc Việt Á nối dài danh sách những đại án mà Đảng và Nhà nước quyết tâm xử lý. Tất nhiên, để giải quyết tận gốc những vụ việc như Việt- Á, chúng ta vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật để đạt được mục tiêu cao nhất là "không dám" và "không thể" tham nhũng. Những gì cản trở con đường phát triển của đất nước sẽ từng bước bị dẹp bỏ nhưng dứt khoát không vì những cản trở đó mà chúng ta “rẽ lái” sang một con đường khác- con đường mà không ai bảo đảm rằng, nó sẽ tốt đẹp hơn, nhân văn hơn, công bằng hơn cho số đông.

Việt Nam- quốc gia gần 100 triệu dân đã và đang nỗ lực không ngừng để khẳng định tiềm lực, vị thế và uy tín của mình trong khu vực và trên thế giới. Quốc gia ấy đã có hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới với những thay đổi căn bản trong đời sống xã hội, từ kinh tế- xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận. Bởi vậy, nếu cho rằng, những vụ việc tiêu cực như Việt Á có thể dẫn đến "ngày tàn của chế độ" và cần phải “cải cách thể chế chính trị” là những suy diễn thiếu căn cứ!

 ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét