Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

 

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO VIỆC ĐÀO NGŨ


 Những ngày đầu xuân 2022, tại các địa phương trên cả nước tưng bừng sắc màu cờ hoa trong ngày hội tòng quân. Hi vọng những thanh niên lên đường nhập ngũ năm nay sẽ phát huy được màu cờ sắc áo của QĐNDVN và truyền thống tốt đẹp của địa phương. Khi vào quân ngũ, những ngày đầu, chắc chắn những tân binh này sẽ gặp phải nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, áplực tâm lý và rất dễ nảy sinh tư tưởng đào ngũ. Các tân binh cần phải thấy được cái giá phải trả cho việc đào ngũ. Nhắc đến vấn đề này, các tân binh hãy nhớ lại vụ việc quân nhân Nguyễn Thanh Thuận của Sư đoàn 5, Quân khu 7 cách đây không lâu.

Ngày 29/10/2021, tại hội trường Sư đoàn 5 - Quân khu 7, Toà án Quân sự khu vực Quân khu 7 đã mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thanh Thuận ngụ ấp Bàu Cây cám, Thanh An, Dầu Tiếng, Bình Dương với tội danh “Đào ngũ”.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thanh Thuận, sinh năm 1999, nguyên là Binh nhì, Tiểu đội 1/ Trung đội 13/ Đại đội 4/Tiểu đoàn 1/ Trung đoàn 4/ Sư đoàn 5/Quân khu 7. Trong quá trình tại ngũ. Ngày 14/4/2021 bị cáo Thuận đã tự ý rời khỏi đơn vị đến huyện Dầu Tiếng, Tỉnh Bình Dương gặp bạn gái và cùng đi chơi với bạn gái. Ngày 16/4/2021 Thuận về nhà, Tại đây mẹ Thuận khuyên Thuận trở lại đơn vị nhưng Thuận nói nếu ép lên đơn vị thì Thuận sẽ tự tử. Tối hôm đó chỉ huy đơn vị đến nhà Thuận đưa Thuận trở lại đơn vị. Ngày 19/4/2021 Thuận bị đơn vị xử lý kỷ luật bằng hình thức "Khiển trách " về hành vi " Vắng mặt trái phép ". Nhưng khoảng 04 giờ 45 phút ngày 26/4/2021, quân nhân Thuận tiếp tục tự ý rời khỏi đơn vị. Ngày 05/7/2021 Chỉ huy đơn vị phối hợp với công an bắt được Thuận khi đang lẫn trốn tại xã Phú Ninh, Tam Nông, Đồng Tháp và đưa Thuận về đơn vị. Trong thời gian Thuận rời khỏi đơn vị từ ngày 26/4/2021 đến ngày 05/7/2021 đơn vị đã nhiều lần cử cán bộ đi tìm kiếm nhiều nơi, nhiều lần đến gia đình, chính quyền địa phương để thông báo và vận động, yêu cầu trở lại đơn vị nhưng Thuận vẫn bỏ trốn.

Căn cứ thông tư 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật. Đơn vị tổ chức xét kỷ luật (vắng mặt Thuận) và ra quyết định kỷ luật đối với quân nhân Thuận bằng hình thức "Cảnh cáo " về hành vi "Đào ngũ ". Trung đoàn đã làm việc trực tiếp và giao thông báo của Trung đoàn về việc thi hành kỷ luật cùng các Quyết định kỷ luật đối với quân nhân Thuận cho gia đình và địa phương và yêu cầu gia đình, địa phương phối hợp, liên lạc với Thuận, đưa Thuận trở lại đơn vị nhưng Thuận kiên quyết rời bỏ hàng ngũ Quân đội.

Với hành vi "đào ngũ " từ ngày 26/4/2021 đến ngày 05/7/2021, quân nhân Thuận đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà vẫn còn vi phạm. Vì vậy, Thuận đã bị Cơ quan Điều tra hình sự khu vực 4 (Quân khu 7) bắt tạm giam ngày 07/7/2021. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã phân tích, đánh giá hành vi tự ý rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự của bị cáo là vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của quân đội. Bởi lẽ, bị cáo trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với Tổ quốc, không ý thức được niềm vinh dự và hãnh diện khi được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, xâm phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quân nhân, xâm hại đến hoạt động bình thường của quân đội, làm ảnh hưởng đến quá trình hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Bị cáo biết rất rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện nhiều lần. Vì thế, Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Thuận 24 tháng tù giam.

Quyết định của bản án thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Nguyễn Thanh Thuận. Đây là bài học cảnh tỉnh chung cho mọi quân nhân có tư tưởng lệch lạc, lối sống vô ý thức tổ chức kỷ luật và thiếu trách nhiệm đối với xã hội, đất nước.


Irisco

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét