Quân đội làm kinh tế- Khẳng định bản chất và truyền thống của
quân đội nhân dân Việt Nam
Trong giai đoạn
hiện nay, đứng trước tình hình thế giới và khu vực có những biến động lớn, đặt
ra yêu cầu mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc thực hiện các chức
năng, nhiệm vụ của quân đội cũng đứng trước những yêu cầu mới mà thực tiễn đặt
ra, trong đó có vấn đề quân đội làm kinh tế. Quân đội làm kinh tế là một nội
dung quan trọng trong thực hiện chức năng của quân đội – “đội quân lao động và
sản xuất” nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng,
quốc phòng với kinh tế. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quân ủy
Trung ương và Bộ Quốc phòng, là một chức năng nhiệm vụ chiến lược lâu dài của quân
đội nhằm tạo ra một nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh mục tiêu công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước, hiện đại hóa quân đội.
Ngay từ khi mới
thành lập, với quân số, vũ khí trang bị còn ít ỏi, cùng với quá trình vừa chiến
đấu, vừa sản xuất, Quân đội ta đã từng bước trưởng thành và lớn mạnh. Trong
kháng chiến chống Pháp, để bảo đảm cho sức chiến đấu của bộ đội, các đơn vị đã
chủ động tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, nêu cao tinh thần tự lực tự cường.
Kháng chiến chống Pháp thành công, công cuộc xây dựng miền Bắc Xã hội chủ nghĩa
đặt ra yêu cầu phải huy động sức người, sức của, nhiều cán bộ chiến sĩ quân đội
đã chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng lại nền kinh tế, tham gia
vào xây dựng các cơ sở kinh tế như nhà
máy gang thép Thái Nguyên, khu công nghiệp Việt trì… Ngày 23-8-1956, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định
số 030/NĐ thành lập Cục Nông binh để tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc
phòng về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Đây là mốc son đánh dấu một chặng
đường mới khi quân đội chuyển sang hoạt động xây dựng kinh tế với quy mô lớn, cách
tổ chức chặt chẽ và có hệ thống. Đến cuối những năm 50 của thế kỷ XX, chúng ta
đã thành lập được 29 nông trường quân đội, tiếp nhận hơn 3 vạn quân.….
Sự tham gia của Quân đội vào xây dựng và khôi phục kinh tế, xây dựng miền Bắc xã
hội chủ nghĩa đã có đóng góp rất lớn, xây dựng hậu phương lớn chi viện sức người,
sức của cho miền Nam chống Mỹ, cứu nước.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II)
về “Nhiệm vụ cách mạng ở hai miền Nam - Bắc” và nhiệm vụ Quân đội trong việc
chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, Bộ Quốc phòng đã bàn
giao 29 nông trường cho Bộ Nông nghiệp quản lý; đồng thời, chuyển hướng nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội với quy
mô và hình thức lớn hơn, trọng tâm là xây dựng hậu phương tại chỗ trên chiến
trường miền Nam. Bên cạnh đó, thành lập các trung đoàn kinh tế, vừa làm nhiệm vụ
sản xuất phục vụ, vừa sẵn sàng làm lực lượng dự bị cho các chiến trường. Với tinh thần “sản xuất cũng là một mũi tiến công”, quân
đội ta đã chủ động ra quân trên nhiều lĩnh vực sản xuất, mạnh dạn đi vào nhiều
ngành kinh tế mũi nhọn, vừa bảo đảm một phần nhu cầu hậu cần thiết yếu của quân
đội, góp phần giữ gìn năng lực sản xuất quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả
năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, vừa góp phần làm phong phú thị trường
tiêu dùng trong nước.
Hòa bình lập lại, cả nước
thống nhất, đứng trước những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, việc hàn gắn
vết thương chiến tranh là yêu cầu, nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân, các đơn vị quân đội lúc này giữ vai trò là lực lượng xung kích trong
nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội. Gần 28 vạn cán bộ, chiến sĩ
chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Lực lượng này đã tham gia
khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm kết
hợp kinh tế với quốc phòng, như: Đường sắt Thống nhất Bắc - Nam; xây dựng các
khu kinh tế mới; trồng cà phê, cao su, mía, bông ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ;
khai hoang mở rộng đất sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Bộ, Đồng Tháp Mười; trồng
rừng ở Tây Nguyên; quai đê lấn biển mở rộng đất trồng lúa, cói, nuôi trồng thủy
sản ở đồng bằng Bắc Bộ; khai thác khoáng sản, v.v… cùng với toàn Đảng, toàn dân
thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, nền kinh tế đất nước từng bước được phục
hồi và phát triển, vị thế của đất nước ngày càng được nâng lên. Để quản lý thực
hiện nhiệm vụ quân đội tham gia xây dựng kinh tế, Quân đội đã tổ chức nhiều mô hình quản lý như: Tổng cục Xây dựng
Kinh tế, Cục Kế hoạch - Kinh tế, Tổng cục Kinh tế, Tổng cục Công nghiệp quốc
phòng và Kinh tế. Ngày 24-12-1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số
249/1998/QĐ-TTg tổ chức lại Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế, để
thành lập hai cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng là Tổng cục Công nghiệp quốc
phòng và Cục Kinh tế. Điều này càng khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của
Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với hoạt động sản
xuất, xây dựng kinh tế của quân đội và xác định sản xuất, xây dựng phát triển
kinh tế là một nội dung quan trọng trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Quân
đội nhân dân Việt Nam và trở thành bản chất, truyền thống của Quân đội ta. Sự lớn
mạnh của lực lượng làm kinh tế của quân đội không chỉ góp phần tạo ra khối lượng
của cải vật chất lớn trong lúc đất nước còn đang khó khăn mà còn tạo điều kiện
để thực hiện việc điều chỉnh lực lượng quân đội trong giai đoạn mới, tạo cơ sở
để bố trí lại thế chiến lược trên các địa bàn trọng yếu của Tổ quốc.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước, thực hiện Nghị quyết 71/ĐUQSTW, ngày 25-4-2002, của Đảng ủy
Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Nhiệm vụ sản xuất, xây dựng
kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới - tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển
và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội”, Quân đội ta tiếp tục phát huy vai
trò xung kích, nòng cốt trong tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế
xã hội gắn với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân trên các địa
bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, đảo, trọng tâm là các
khu kinh tế - quốc phòng trên vành đai biên giới và địa bàn xung yếu, hình
thành thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc
phòng - an ninh. Hiệu quả của các khu kinh tế - quốc phòng đã và đang khẳng định
phương châm, quan điểm đúng đắn trong việc tổ chức quân đội tham gia sản xuất,
xây dựng kinh tế. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp quân đội trong giai đoạn mới
đã tích cực đổi mới, phát triển, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, đáp ứng
yêu cầu phát triển của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng
quân đội. Nhiều doanh nghiệp quân đội đã khẳng định được thương hiệu, vị trí
trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Quân đội đã xây dựng được một
số tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, tham gia hoạt động
kinh tế ở một số lĩnh vực mà Quân đội có tiềm năng, thế mạnh, như: viễn thông,
dịch vụ cảng biển, đóng tàu, bay dịch vụ, xây dựng, khai khoáng, ngân hàng,
v.v. Đây là những hạt nhân quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của
nền kinh tế đất nước.
Nói tóm lại, Quân đội làm kinh tế, kết hợp
kinh tế với quốc phòng, quốc phòng và kinh tế là chủ trương đúng đắn, kế thừa
và phát triển truyền thống quân sự của dân tộc, là yêu cầu tất yếu trong nhiệm
vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là chức năng, nhiệm vụ chính
trị quan trọng của Quân đội, điều này được minh chứng bằng những kết quả sản xuất,
hiệu quả kinh tế mà các đơn vị doanh nghiệp quân đội đóng góp cho nền kinh tế đất
nước. Chính vì vậy, mọi quan điểm cho rằng quân đội không cần tham gia phát triển
kinh tế của đất nước, tập trung vào nhiệm vụ quốc phòng là chưa nhận thức đầy đủ
và sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ của quân đội, chưa hiểu rõ lịch sử, truyền thống
của dân tộc, của quân đội. Quan điểm này còn phản ánh sai lệch bản chất của
quân đội nhân dân, gây những ảnh hưởng không tốt trong dư luận đối với Quân đội
trong giai đoạn hiện nay. Quân đội làm kinh tế, đây là chủ trương phù hợp với
điều kiện của đất nước trong bối cảnh cần huy động sức người, sức của phát triển
kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước, với vai trò xung kích của mình ở những
ngành nghề có thế mạnh, các doanh nghiệp, đơn vị quân đội làm kinh tế đang góp
sức tô thắm thêm cho truyền thống của một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân
dân mà chiến đấu – Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nguyễn
Tiến Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét