Những thành tựu về quyền con người ở Việt Nam
Tuyên ngôn Quốc tế
Nhân quyền là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại Hội đồng
Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Palais de Chaillot ở
Paris, Pháp, trong đó liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân, được hưởng,
không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm
chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản,
nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác (điều 2). Nó bao gồm 30 điều đã được
xây dựng trong các Thỏa ước quốc tế, thỏa ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và
luật pháp quốc gia.
Tuyên ngôn Quốc tế
Nhân quyền là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi quốc gia và mọi dân tộc.
Tinh thần của bản Tuyên ngôn là dùng truyền đạt và giáo dục để nỗ lực thúc đẩy
các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tôn trọng các quyền con người cơ bản được
đưa ra trong Tuyên ngôn.
Thực tế, trong giai
đoạn hiện nay, rất nhiều các quốc gia đã và đang không ngừng nỗ lực thực hiện
tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền và thực sự đã đạt được những thành tựu nhất định.
Nhất là đối với Việt Nam, vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam từng bước nỗ lực để xây dựng một
nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người.
Không chỉ đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển mà còn là
đối tượng, mục tiêu và động lực của mọi hoạt động kinh tế-xã hội. Việc thông
qua Hiến pháp 2013 với một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ
công dân”, và sau đó chỉ trong vòng 4 năm, thông qua hơn 90 văn bản quy phạm
pháp luật liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo
khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền
công dân. Cùng với đó là việc không ngừng phấn đấu hoàn thiện thể chế và tạo dựng
cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người. Mọi chiến lược, chương
trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người
dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân.
Có thể thấy, những
thành tựu đạt được của Việt Nam trong thực thi quyền con người đã được quốc tế
thừa nhận. Tuy vậy, các thế lực thù địch vẫn luôn thường xuyên lợi dụng vấn đề
nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng thường xuyên rêu rao với các
luận điểm như xâm phạm các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền, bắt bớ, giam
cầm và đầy ải các nhà đấu tranh cho các quyền tự do chính trị và tôn giáo trong
các nhà tù và các trại giam trá hình gọi là “Trại Cải tạo”… Mới đấy nhất, trong
vụ việc xử phiên xử hôm ngày 11 tháng 11 ở thành phố Hồ Chí Minh đối với đối tượng
Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn, Trần Văn Quyền ba thành viên có liên quan đến Đảng
Việt Tân, trụ sở ở nước ngoài, phạm tội khủng bố, dân biểu Chris Hayes, Dân biểu
Liên bang Úc đã rêu rao rằng Châu Văn Khảm là một người cổ xúy cho nhân quyền đồng
thời cho rằng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục suy giảm (theo thông
tin tại bài viết Úc cần gây sức ép với Việt Nam để trả tự do cho công dân gốc
Việt đăng trên trang https://www.rfa.org).
Đứng trước các
luận điệu xuyên tạc như vậy, cần khẳng định rằng, Việt Nam luôn bảo đảm các quyền và tự do của
người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế. Không những vậy, Việt nam còn tham
gia rất tích cực và thực chất vào các diễn đàn quốc tế về quyền con người, như:
Phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo,
vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Công ước về quyền của người khuyết tật.
Việt Nam tiếp tục tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động của Hội đồng
Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), đặc biệt là việc triển khai Chương trình
Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Tích cực đóng góp, thúc đẩy các vấn đề về
giáo dục, văn hóa tại Hội đồng Chấp hành UNESCO… Chính vì thế, Việt Nam đã hai
lần được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa
2001-2003 và khóa 2014-2016.
Những nỗ lực đó đã mang lại những kết
quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền kinh tế, xã hội, văn
hóa, đến quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam
là một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu
phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc (MDG) và đang triển khai hiệu quả
các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Trong nhiều năm liền, Việt Nam duy trì
được mức độ tăng trưởng kinh tế trên 6%, trong khi vẫn chú trọng phát triển xã
hội, giảm mạnh tỷ lệ nghèo xuống 5,2% năm 2016, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống
7,69% năm 2017. Quyền giáo dục, y tế, nhà ở đều được cải thiện mạnh mẽ, trong
đó 63 tỉnh thành đã phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập giáo dục tiểu học. Quyền
bình đẳng giới không ngừng tiến bộ với tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội
đồng nhân dân các cấp đạt trên dưới 27%, tỷ lệ khá cao so với các nước trong
khu vực. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hàng
ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hàng năm. Việt Nam cũng là một trong
những nước có tỷ lệ người sử dụng internet tăng nhanh nhất thế giới, với 50 triệu
người sử dụng internet.
Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 54/162 quốc
gia về chỉ số phát triển bền vững, tăng 34 bậc về chỉ số phát triển bền vững so
với năm 2016 và 3 bậc so với năm 2018 nhờ thành tích về xóa đói giảm nghèo đạt
95 điểm, giáo dục 91 điểm, tiếp cận năng lượng 82 điểm, mô hình tiêu dùng, sản
xuất bền vững 87 điểm, ứng phó với biến đổi khí hậu 94 điểm, chỉ sau Thái Lan
và đứng trên Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines.
Có thể thấy, vì con người, bảo đảm
quyền con người là bản chất của Nhà nước Việt Nam, chế độ chính trị tại Việt
Nam. Những thành tựu trên lĩnh vực này của Việt Nam là rất rõ ràng, khách quan,
không thể phủ nhận, là cơ sở để Đảng, nhà nước và nhân dân tiếp tục tiến lên
xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân chủ,
dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh”.
Thu Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét